(Báo Quảng Ngãi)- Xuân Quý Mão 2023 có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân ở xã ven biển Bình Hải (Bình Sơn). Đó là mùa xuân đầu tiên họ không còn thấp thỏm lo sóng ngoạm mất đất, mất nhà, bởi đã có công trình kè vững chãi. Đây cũng là mùa xuân đầu tiên, người dân xã Bình Thuận (Bình Sơn) dọn về khu tái định cư (TĐC) Vạn Tường được xây dựng giữa trung tâm xã Bình Hải.
An vui bên chân sóng
Những ngày cận Tết, không khí lạnh liên tục tăng cường khiến mưa và sóng lớn. Dẫu vậy, người dân ở làng chài thôn Phước Thiện, Thanh Thủy, xã Bình Hải, không còn phải lo chằng chống nhà cửa, hay tìm nơi tránh trú như mọi khi. Họ bình thản, vui vẻ cùng nhau quây tụ trên bờ làm lễ cúng tất niên. Tiếng nói cười vui vẻ, râm ran cả một góc biển.
|
Kè chống sạt lở bờ biển ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn) đã xây dựng hoàn thành, tạo diện mạo mới cho làng quê ven biển. Ảnh: Thanh Nhị |
Chúng tôi về thôn Thanh Thủy vào đúng dịp người dân tập trung về ngôi đình cầu an trước thềm năm mới. Ngồi chung vui với ngư dân làng chài, nghe câu chuyện "cái kè biển giá trị", chúng tôi thực sự bị cuốn theo niềm vui lớn ấy.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ngô Văn Dụng chia sẻ, khu TĐC Vạn Tường là khu TĐC kiểu mẫu, với suất đầu tư đảm bảo, nơi ở mới bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Tức là hơn cả về không gian cảnh quan, hạ tầng cơ sở, chất lượng cuộc sống. Xét về suất đầu tư, khu TĐC Vạn Tường đạt chuẩn, với tổng mức đầu tư khoảng 350 tỷ đồng, quy mô gần 379 lô đất. Đây là khu TĐC di dời người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 từ xã Bình Thuận về sinh sống. Huyện đã chỉ đạo xã Bình Hải tạo thuận lợi để người dân an cư, lạc nghiệp.
|
Cụ bà Nguyễn Thị Lương, nhìn về phía biển và bảo rằng cả đời bà chỉ mong có cái kè biển và bây giờ thì ước mơ ấy đã thành hiện thực. Cụ Lương trần tình rằng, không phải bà ước mơ cho bản thân vì năm nay bà đã ngoài 90 tuổi, đó là mong ước cho đời con cháu. Cụ Lương chỉ tay vào những con sóng bạc đầu đang đua nhau ùa vào bờ, và nói rằng nếu là trước đây, gần Tết mà sóng cao thế này thì người dân ở đây chẳng có Tết đâu. Nhà ai sát biển đều phải lo di tản. Có năm, đêm giao thừa chẳng có ước vọng gì hơn là sóng thôi đánh mạnh vào bờ để nhà còn lành lặn trú ngụ, vì năm mới ai lại dọn đi... ở nhờ. "Mùa xuân này vui lắm rồi. Sóng đánh mạnh thì đã có kè ngăn", cụ Lương phấn khởi nói.
Ông Võ Thanh Hùng, ở thôn Thanh Thủy, cũng hồ hởi nói về niềm vui khi quê mình có công trình kè biển. Ông Hùng bảo, trong những tháng thi công kè, ngày nào rảnh ông đều ra đứng ngắm công trình. Ông cũng không hình dung được công trình kè đẹp đến vậy, tạo nên con đường uốn cong theo bờ biển, rộng thênh thang, sạch đẹp và thơ mộng. Cách đây vài hôm, người dân trong thôn đã mua cờ phướn cắm dọc bờ kè với đủ màu sắc, khiến cho không khí những ngày cận Tết ở làng chài thêm rộn ràng. "Người lớn vui vì nỗi bất an biển xô bờ không còn nữa. Trẻ con trong làng cũng vui vì có chỗ chạy nhảy, vui chơi. Từ ngày có kè, bờ biển trở nên sạch đẹp".
Có kè biển vững chãi, ngư dân ở các làng chài thôn Phước Thiện, Thanh Thủy bảo rằng, từ nay họ an tâm bám biển dài ngày, không nơm nớp lo căn nhà của mình bị sóng biển đe dọa như trước nữa. Anh Nguyễn Thanh Tùng, ở thôn Phước Thiện cho biết, trước đây những tháng cuối năm, tôi chỉ đi bạn cho mấy tàu đánh bắt gần bờ vì lo đi biển dài ngày, lỡ sóng lớn ập vào bất ngờ, gây sạt lở thì vợ con ở nhà không xoay xở kịp. Còn nay, không còn lo sạt lở, tôi có thể đi đánh bắt dài ngày cho tàu lớn, có thu nhập cao hơn, lo cho gia đình tốt hơn.
Chúng tôi đi trên bờ kè ở vùng biển Bình Hải, ngẫm lời chia sẻ của người dân nơi đây về công trình này, cảm giác như mình đang chạm vào một điều quý giá của làng chài. Trước mắt chúng tôi là đám trẻ chạy nhảy, cưỡi xe đạp vòng quanh bờ biển khoe áo mới. Các mẹ, các chị nhóm lửa nướng bánh Tết, sấy cá, mực khô. Cả làng chài rộn ràng chuẩn bị đón mùa xuân mới.
|
Một góc khu tái định cư Vạn Tường (Bình Hải, Bình Sơn). Ảnh: Thanh Nhị |
Đón Tết nơi làng mới
Rời bờ biển Phước Thiện, Thanh Thủy, chúng tôi về khu TĐC Vạn Tường, được xây dựng trên diện tích hơn 26ha ở trung tâm xã Bình Hải. Nắng đã lên sau bao ngày mưa dầm dề. Có nắng, cảnh sắc khu TĐC càng trở nên tươi đẹp. Từng tốp thợ đang khẩn trương hoàn thiện việc lắp đặt các thiết bị thể thao ở khu công viên, kịp đưa vào hoạt động trước Tết. Những tuyến đường cũng được gấp rút lát gạch; cây cảnh được trồng, chăm bón giờ đã đâm chồi xanh tươi. Khu TĐC hiện có khoảng 10 ngôi nhà mới đã và đang xây dựng. Nhiều hộ dân đã dọn về ở, năm nay được đón Tết trong ngôi nhà mới.
|
Hoàn thiện nhà mới ở khu tái định cư Vạn Tường để đón Xuân về. Ảnh: Thanh Nhị |
Chúng tôi về khu TĐC đúng vào ngày một số hộ làm lễ về nhà mới, trong đó có nhà bà Võ Thị Tâm được xây dựng khang trang. Nhiều người dân trong khu TĐC và bà con xa gần đến giúp bà Tâm nấu ăn, dọn dẹp, bày trí câm cỗ mừng nhà mới. Ngoài sân, từng tốp thợ xây vẫn cố gắng hoàn thiện căn nhà để chủ nhân kịp đón Tết. Bà Tâm phấn khởi nói, năm nay tôi 63 tuổi, sinh ra và lớn lên ở thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận (Bình Sơn). Vừa rồi, dự án Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 triển khai thực hiện, nhà tôi phải di dời để nhường đất cho dự án. Tôi dùng số tiền bồi thường xây dựng căn nhà lớn mà cả đời hằng mơ ước.
Lúc trước, bà Tâm ở trong ngôi nhà cấp 4, đường đi lại nhỏ hẹp vì là vùng nông thôn. Nay gia đình chuyển về khu TĐC Vạn Tường khang trang, bà Tâm gọi là "phố Vạn Tường". Bà Tâm bàn với gia đình phải cất nhà to đẹp, vừa để ở, vừa làm đẹp cho nơi ở mới. Căn nhà xây dựng 4 tháng, nay đã cơ bản hoàn thành. "Đường rộng, đẹp, có cả công viên, giống như một số khu đô thị mới ở TP.Quảng Ngãi. Gia đình tôi rất vui khi dọn về đây ở", bà Tâm chia sẻ. Bà Tâm có đến 8 anh chị em ruột cùng thuộc diện TĐC dự án Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 và đều cùng về nơi ở mới là khu TĐC Vạn Tường. Các anh chị em của bà Tâm hiện đang xây dựng nhà ở để cùng nhau tạo lập cuộc sống mới.
Tại khu TĐC Vạn Tường, vào thời điểm chúng tôi đến, nhiều gia đình đang chuẩn bị sửa sang nhà cửa, đóng thêm bàn ghế mới, di dời cây cảnh từ thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận lên đây đón Tết. Gia đình ông Huỳnh Quốc đang lắp ráp bộ bàn ghế mới, đưa chậu mai vào trước hiên nhà. Vợ ông Quốc thì chăm sóc vườn rau sạch trước nhà. Đó là những luống rau xanh đầu tiên được gieo hạt, nảy mầm, tươi tốt tại mảnh đất lập nghiệp mới của gia đình ông bà. Vậy nên, nó được nâng niu như thể là dấu ấn đầu tiên của sự an cư theo cách nghĩ của người nông dân "nuôi gà, trồng rau", "của nhà làm được" để giảm chi phí thường nhật, chắt chiu gầy dựng cuộc sống mới.
THANH NHỊ