(Báo Quảng Ngãi)- Những người yêu thích hoa mai ở trong và ngoài tỉnh luôn xem xóm 4, thôn Hòa Tân, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) là "cái nôi" của 2 giống mai quý là mai Thân và mai Tình. Cũng từ đây, tên làng mai "Thân Tình" được ra đời...
Tên người, tên hoa
Ngược dòng thời gian về với những năm 80, 90 của thế kỷ trước, người dân xã Nghĩa Hòa vẫn thường truyền tai nhau về chủ nhân của 2 gốc mai quý là bà Thân và bà Tình, đều ở thôn Hòa Bình (xã Nghĩa Hòa). Nếu như hoa mai truyền thống của Quảng Ngãi chỉ có 5 cánh, thì cây mai trong sân nhà bà Thân, bà Tình toàn nở ra 6 - 8 cánh, có khi lên đến 12 cánh, rực rỡ vô cùng.
Sở hữu hơn 200 cây mai Tình, mai Thân, ông Đỗ Rô, ở xóm 4, thôn Hòa Tân, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Ý THU |
"Thập niên 90 của thế kỷ trước, cây mai trong vườn bà Tình lúc ấy đã hơn 50 năm tuổi, gốc có đường kính to cỡ cái bát. Còn cây mai trong vườn bà Thân, thì ngót nghét 30 năm tuổi. Cả 2 cây hoa mai này đều mang đặc trưng của mai truyền thống của Quảng Ngãi, đó là ra đọt non màu xanh. Nhưng lại cho hoa 6 - 8 cánh, có khi lên đến 12 cánh. Kích thước hoa cũng to gần gấp đôi so với mai truyền thống. Búp hoa tròn, to, nở ra hoa rất bền, phải tầm 5 - 7 ngày trở lên hoa mới bắt đầu tàn.
“Cây mai Thân, mai Tình từ chỗ chỉ là loại cây trồng để chơi trong mấy ngày Tết, bỗng trở thành loại cây hái ra tiền ở quê tôi. Từ năm 2007 đến giờ, biết bao nhiêu chậu mai trị giá chục triệu, trăm triệu đồng đã từ làng này được bán đi khắp nơi".
Ông
NGUYỄN NINH
ở xóm 4, thôn Hòa Tân, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa)
|
Riêng hoa mai nhà bà Thân, ngoài đặc trưng có màu sắc hoa rực rỡ hẳn so với nhiều loài mai khác, còn có thêm mùi thơm nồng nàn. Chỉ tiếc là, 2 cây mai này giờ không còn nữa, chỉ còn lại "thế hệ" cây ghép tại xóm chúng tôi mà thôi", ông Đỗ Rô (59 tuổi), ở xóm 4, thôn Hòa Tân (xã Nghĩa Hòa), trầm ngâm nhớ lại.
Tình cờ ghé qua nhà bà Tình, bà Thân, thấy sắc vàng rực rỡ của giống mai quý, ông Đỗ Rô lúc đó đã xin chiết nhánh về ghép với cây mai ở nhà. Một vài người ở làng cũng vậy, vì yêu hoa nên tập tành ghép thử mai nhà bà Tình, bà Thân với mai cổ truyền 5 cánh xứ Quảng. "Sau ghi ghép thành công, mọi người thuận miệng đặt luôn cho giống mai này là mai Thân, mai Tình, như một cách để phân biệt với mai cổ truyền Quảng Ngãi. Đây cũng là cách ghi nhớ lòng biết ơn đến 2 chủ nhân của cây mai quý", ông Đỗ Rô cho hay.
Mai truyền thống dễ trồng, lại có tuổi đời lên đến trăm năm, nhưng hoa chỉ có 5 cánh và ra hoa khá thưa, được người dân xóm 4 dùng để ghép với mai nhà bà Thân, bà Tình. Từ một vài người ghép, trồng ban đầu, mai Thân, mai Tình dần dà được người dân xóm 4 nhân lên rộng khắp. Vào những năm 2000, mai Thân, mai Tình đã hiện diện ở hầu hết các vườn nhà của người dân nơi đây. Người ít cũng 5 - 10 cây, người nhiều có đến hơn 200 cây. Xóm 4 từ đó trở thành "thủ phủ" của giống mai Thân, mai Tình.
Đầy ắp nghĩa tình
Yêu quý mai Thân, mai Tình, người dân xóm 4 sẵn sàng chia sẻ cây và hướng dẫn cho nhau cách chiết, ghép. Nhờ lòng người rộng mở, mà mai Thân, mai Tình từ giống mai hiếm trong vườn nhà của 2 cụ bà ở thôn Hòa Bình dần phát triển đại trà ở xóm 4, thôn Hòa Tân. Xóm 4 có tổng cộng 210 hộ dân, thì đã có hơn 200 hộ trồng mai Thân, mai Tình trong vườn nhà, với tổng số hơn 5.000 cây mai.
Vườn mai Tình của ông Đoàn Thanh Hiền, ở xóm 4, thôn Hòa Tân, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) luôn là địa chỉ thu hút nhiều người đến tham quan vào mỗi dịp tết Nguyên đán. Ảnh: Ý THU |
Ở "xứ sở ngàn mai", mọi người ít khi làm bê tông sân vườn. Vì yêu hoa, họ sẵn sàng đi ngược lại xu thế, để giữ lại sân đất trồng mai. Thoạt đầu, mọi người chỉ trồng mai để trang trí sân vườn và xem đấy như một thú vui tao nhã lúc nhàn rỗi. Thế rồi dần dà, nhờ người người trồng mai, nhà nhà trồng mai, danh tiếng về làng mai "Thân Tình" bỗng chốc lan xa trong giới yêu mai.
"Nhiều người ở tận Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam lặn lội tìm về đây để mua cho bằng được cây mai Thân, mai Tình. Cây mai Thân, mai Tình từ chỗ chỉ là loại cây trồng để chơi trong mấy ngày Tết, bỗng trở thành loại cây hái ra tiền ở quê tôi. Từ năm 2007, 2008 đến giờ, biết bao nhiêu chậu mai trị giá chục triệu, trăm triệu đồng đã từ làng này được bán đi khắp nơi", ông Nguyễn Ninh (60 tuổi), một trong những người chăm mai, tạo dáng cho mai đẹp nhất nhì xóm 4, thôn Hòa Tân, kể trong niềm tự hào.
Cây mai Tình đầu tiên mà ông Đỗ Rô ghép được từ nhánh mai trong vườn nhà bà Tình nay đã 33 năm tuổi. Ảnh: Ý THU |
"Năm 2020, khi dịch Covid-19 hoành hành, dù chỉ ở nhà, nhưng tôi cũng thu về được 1 tỷ đồng nhờ vào tiền bán mai. Tôi dùng luôn số tiền ấy để xây nhà mới, xem như món quà dành tặng vợ mình sau gần nửa đời lam lũ. Bà nhà tôi lúc ấy đi TP.Hồ Chí Minh thăm con, rồi kẹt lại trong ấy đến mấy tháng. Lúc về quê, thấy có nhà mới, bà bất ngờ và xúc động lắm. Gia đình tôi có được nhà, vợ chồng tôi có thu nhập đều đều hằng năm, tất cả đều nhờ vào những chậu mai Thân, mai Tình", ông Đỗ Rô chia sẻ.
Vậy là, đã hơn một phần tư thế kỷ kể từ ngày người dân xóm 4, thôn Hòa Tân ghép được những cây mai đầu tiên từ cây mai trong vườn nhà bà Thân, bà Tình. Bằng sự chân chất, mộc mạc của mình, người dân nơi đây đã cùng góp sức hình thành nên tên tuổi của loài mai Thân, mai Tình nức tiếng gần xa. Cùng chia sẻ cho nhau bí kíp ghép cây, chăm hoa, người dân ở "xứ sở ngàn mai" không chỉ trồng mai Thân, mai Tình vào đất, mà còn gieo vào đó sự ấm cúng, thân tình của tình làng, nghĩa xóm keo sơn...
Ý THU