Bình minh của dân làng

01:11, 14/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nằm bên công trình thủy lợi Thạch Nham, mùa mưa về, các thôn ở vùng rốn lũ xã Sơn Nham (Sơn Hà) thường xuyên bị cô lập. Khoảng thời gian ấy, người dân lại thấy hình ảnh nữ Bí thư Chi bộ thôn Bầu Sơn, xã Sơn Nham Đinh Thị Sáng Sớm đi gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, nhắc nhở người dân chuẩn bị phương án di dời, bảo vệ tài sản...
 
Đây chỉ là một trong số những công việc thường nhật của chị Sớm từ khi giữ vai trò Bí thư Chi bộ thôn Bầu Sơn. Chị là nữ bí thư chi bộ trẻ tuổi nhất (32 tuổi) của huyện Sơn Hà. Chị Sớm đã xây dựng chi bộ thôn trong sạch, vững mạnh và triển khai nhiều mô hình hay, thiết thực góp phần xây dựng quê hương. Người dân yêu quý ví von, chị Sớm là bình minh mang ánh sáng ấm áp đến với vùng quê còn nghèo khó này.
 
Nỗ lực học tập
 
Sinh ra ở vùng cao thôn Bầu Sơn, nơi có hơn 97% người đồng bào dân tộc Hrê sinh sống, nhiều năm về trước, chuyện học ở nơi đây không được quan tâm. Bởi thế, những người bạn cùng trang lứa của chị Sớm, nhất là nữ, thường nghỉ học từ sớm, người học đến cấp 3 chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Trong xã có vài chục bạn bằng tuổi tôi, nhưng đến khi tốt nghiệp THPT thì chỉ có 3 - 4 bạn. Ngày đó đi học vất vả lắm! Mùa mưa đến thì rất ít khi được về nhà, bởi chỉ cần vài trận mưa lớn là thôn của tôi đã bị cô lập. Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi thi đỗ vào ngành kế toán của Trường Trung cấp Bách Khoa Quảng Nam. Đến năm 2010, tôi ra trường và về quê làm việc, lập gia đình”, chị Sớm kể.
 
Bí thư Chi bộ thôn Bầu Sơn Đinh Thị Sáng Sớm luôn quan tâm, nhắc nhở chuyện học tập của các em học sinh trong thôn. Ảnh:  Hiền Thu
Bí thư Chi bộ thôn Bầu Sơn Đinh Thị Sáng Sớm luôn quan tâm, nhắc nhở chuyện học tập của các em học sinh trong thôn. Ảnh: Hiền Thu
Sau quãng thời gian lập gia đình và chăm sóc con nhỏ, với tinh thần hiếu học, không ngại đường xá xa xôi, năm 2018, chị Sớm tiếp tục học liên thông lên đại học theo chương trình liên kết của Trường Đại học Quy Nhơn giảng dạy tại Quảng Ngãi. Đến năm 2021, sau 3 năm theo học, chị Sớm đã hoàn thành chương trình học và tốt nghiệp. Chị Sớm bộc bạch, tôi không xuất sắc để thi đỗ đại học chính quy, nhưng tôi rất thích học và mơ ước mình có thể tốt nghiệp đại học. Bởi vậy, sắp xếp được công việc và các con lớn một chút là tôi cố gắng đăng ký học ngay. Việc học tập không chỉ giúp tôi thêm hiểu biết mà còn nâng cao được chuyên môn, năng lực của bản thân.
 
Góp sức xây dựng quê hương
 
Là người đồng bào Hrê, chị Sớm hiểu hơn ai hết về tập quán, đời sống văn hóa của người dân quê mình. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp trung cấp, chị Sớm có mong muốn về quê hương làm việc và cống hiến. Với chuyên ngành kế toán, chị được ký hợp đồng làm việc tại UBND xã Sơn Nham. Suốt gần 10 năm làm việc tại UBND xã, chị Sớm luôn tận tụy, hết lòng với công việc. Chị Sớm kể, tôi làm ở UBND xã đến năm 2020 thì bị cắt hợp đồng do tinh giản biên chế. Sau khi nghỉ việc, tôi xin làm kế toán cho hợp tác xã ở địa phương và làm nhân viên cấp dưỡng ở Trường Mầm non Sơn Nham. Song song với công việc chuyên môn, năm 2018, tôi được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Bầu Sơn ở tuổi 28.
 
“Dù là nữ, lại trẻ tuổi, nhưng những năm qua, Bí thư Chi bộ thôn Bầu Sơn Đinh Thị Sáng Sớm luôn nhiệt tình, xông xáo trong mọi công việc. Đồng chí Sớm chính là đầu tàu đưa Chi bộ thôn Bầu Sơn đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh nhiều năm liền; đồng thời khơi dậy tinh thần đoàn kết trong nhân dân, góp phần xây dựng thôn Bầu Sơn ngày càng khang trang”.
Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nham
ĐINH VĂN TRÚC

“Ngày mới nhận nhiệm vụ là Bí thư Chi bộ thôn, tôi vừa vui mừng, vừa lo lắng. Vui mừng vì được đảng viên tin tưởng, tín nhiệm, được cống hiến, góp sức xây dựng quê hương, nhưng lại lo vì mình còn trẻ tuổi lại là nữ thì liệu những nhiệm vụ, kế hoạch mình xây dựng, triển khai có được cán bộ, đảng viên và người dân hưởng ứng hay không. Thế nhưng, nhớ đến lời dạy của Bác Hồ là người cán bộ phải gần gũi, hết lòng, hết sức, tận tụy phục vụ lợi ích của nhân dân... nên tôi tự tin làm việc và nhận nhiệm vụ mới”, chị Sớm bộc bạch.

 
Chỉ sau vài tháng nhận nhiệm vụ, chị Sớm bàn bạc cùng cấp ủy và ban cán sự thôn triển khai thực hiện mô hình xây dựng các khu dân cư (KDC) ngày càng văn minh hơn, chất lượng đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên. Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, chị Sớm lên phương án, kế hoạch cụ thể và tổ chức họp chi bộ, họp dân để triển khai thực hiện chương trình “Thắp sáng đường quê”. Với sự thống nhất, hưởng ứng cao của người dân, chỉ sau vài tuần triển khai, 100% người dân ở dọc tuyến đường chính của KDC Gò Hân đã nộp tiền và góp sức để xây trụ, bắt điện đường. Thế là, đoạn đường gần 2km với hơn 40 bóng đèn điện được thắp sáng hằng đêm. Đây cũng là đoạn đường chính của xã nên việc thắp sáng đường quê rất cần thiết, vừa đảm bảo an ninh trật tự, vừa hạn chế tai nạn giao thông vào ban đêm.
 
Đến năm 2019 - 2020, chị Sớm vừa làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bầu Sơn. Chị lại tiếp tục vận động gần 80 hộ dân ở KDC Gò Da để thực hiện mô hình “Tuyến đường cờ Tổ quốc”. Tuyến đường cờ này được thực hiện đồng bộ theo thiết kế từ khung cho đến cán cờ, người dân thì mua lá cờ và chịu 50% tiền làm trụ, cán cờ; số tiền còn lại là do chi bộ và trích quỹ của thôn để ủng hộ. Bà Đinh Thị Míu chia sẻ, dù cuộc sống của chúng tôi còn khó khăn, nhưng thấy cháu Sớm vận động, tuyên truyền đúng thì ai cũng làm theo. Việc thực hiện treo cờ Tổ quốc vào các ngày lễ, Tết và những sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương rất có ý nghĩa. Không chỉ tạo cảnh quan sạch đẹp, khang trang, mà còn khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, khích lệ tinh thần đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.
 
Đặc biệt, để kịp thời tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với nhân dân hay cập nhật nhanh tình hình bão lũ trong mùa mưa bão, hơn một năm qua, chị Sớm thành lập nhóm Zalo cộng đồng của thôn Bầu Sơn, với hơn 100 hộ dân tham gia. Chị Sớm cho biết, những gia đình có người trẻ dùng điện thoại thông minh, thì tôi tuyên truyền và trực tiếp tải phần mềm Zalo, hướng dẫn họ sử dụng, tham gia vào nhóm cộng đồng của thôn để cập nhật kịp thời các thông tin mà thôn thông báo. Còn với những gia đình có người lớn tuổi, neo đơn, tôi đến nhà để thông báo, tuyên truyền, nhất là việc đảm bảo an toàn tính mạng trong mùa mưa bão.
 
Tiếp sức cho học sinh đến trường
 
Bầu Sơn là thôn từng có vấn nạn tảo hôn, đặc biệt là các trẻ em gái thường nghỉ học từ sớm, lấy chồng khi chỉ mới 15  -  16 tuổi. Thấy vậy, chị Sớm tìm mọi cách tuyên truyền để người dân, học sinh xóa bỏ tình trạng này. Chị Sớm chia sẻ, những năm trước, nhận thức của đồng bào Hrê về chuyện học chưa cao, đặc biệt là suy nghĩ nên lấy chồng sớm đã ăn sâu vào tâm thức của nhiều thế hệ phụ nữ, nên cần phải có thời gian thuyết phục, thay đổi. Tôi luôn cố gắng tuyên truyền về hệ lụy của việc tảo hôn, lấy mình là tấm gương để bản thân các em học sinh nữ thay đổi suy nghĩ, phải nêu cao tinh thần học tập, chỉ có học tập mới giúp nâng cao dân trí, thoát nghèo bền vững. Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động và giám sát những em nữ có biểu hiện lơ là trong chuyện học tập, mà những năm qua, ở thôn đã không có tình trạng tảo hôn xảy ra. Gia đình và các em học sinh cũng ngày càng ý thức, nỗ lực trong học tập.
 
Nhờ sự đóng góp của chị Đinh Thị Sáng Sớm, diện mạo nông thôn ở thôn Bầu Sơn ngày càng khang trang. Ảnh:  Hiền Thu
Nhờ sự đóng góp của chị Đinh Thị Sáng Sớm, diện mạo nông thôn ở thôn Bầu Sơn ngày càng khang trang. Ảnh: Hiền Thu
Không chỉ là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học mà mấy năm qua, để tiếp sức đến trường cho học sinh khó khăn, chị Sớm tích cực đi vận động, kết nối xin sách vở, quần áo để cấp phát miễn phí cho các em. Trung bình mỗi năm, chị Sớm cấp phát từ 2 - 3 đợt quần áo, sách vở vào dịp khai giảng, bế giảng. Em Đinh Thị Mai, học sinh lớp 9, Trường THCS Sơn Nham chia sẻ, mỗi khi có sách vở, quần áo được mọi người tặng thì cô Sớm đều thông báo cho học sinh trong thôn biết để đến nhà cô lựa chọn và mang về nhà sử dụng. Cô Sớm rất gần gũi với  học sinh. Em sẽ nỗ lực học tập để lớn lên làm người có ích cho xã hội và quê hương như cô Sớm.
 
HIỀN THU
 
 

.