Khi cá biển thôi ngược về sông

02:05, 20/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày mà cầu Thạch Bích chính thức khởi công, cũng là lúc hàng trăm ngư dân Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) vốn sống nhờ vào nghề sông nước dọc sông Trà Khúc buộc phải gián đoạn cuộc mưu sinh. Bởi lẽ, đây là nghề nương theo con nước, chỉ khi nước trong xanh thì cá mới về...

Nhìn dòng nước sông Trà đỏ ngầu đổ về cửa Đại khiến con cá, con tôm từ biển không dám ngược vào sông và bao nhiêu cá đang sống vùng nước lợ (hay còn gọi là nước chè hai) cũng bơi xuôi ra biển, cả trăm ngư phủ ở làng chài Tịnh Long nhìn nhau bảo, có lẽ nào ghe, lưới săn cá chè hai đã theo họ suốt mấy mươi năm từ giờ sẽ phải nằm xếp xó trên bờ?

Trắng đêm, nhưng trắng tay

Một ngày giữa tháng 5, chúng tôi ghé về xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) để đi cùng vợ chồng ngư dân Trần Cư và vợ là bà Huỳnh Thị Giúp ra cửa Đại giăng lưới săn đặc sản cá chè hai. Ra đến cửa lúc 18 giờ, đến gần 22 giờ đêm, vợ chồng ông mới bủa xong 2.000m lưới. Xong xuôi, mặc những đợt gió biển mặn chát, lạnh thốc từ cửa biển thổi vào, hai vợ chồng cùng ngồi dựa vào nhau trên chiếc ghe nhỏ chật chội chờ đến nửa đêm kéo lưới. “Đoạn sông Trà Khúc từ núi Ngang (Tịnh Long) ra đến cửa Đại chỉ dài hơn một cây số, nhưng đây được xem là vùng “đất lành” của những loại cá “đặc sản” từ biển vào như cá đuối, cá dìa, cá kình, cá hanh, cá hồng... và cá từ nước ngọt ra như cá đối, cá úc, cá rô...”, ông Cư hào hứng chia sẻ.

Nước sông Trà đục ngầu ngay trong mùa đánh bắt, khiến hầu hết bà con ngư dân Tịnh Long phải neo ghe nằm bờ.
Nước sông Trà đục ngầu ngay trong mùa đánh bắt, khiến hầu hết bà con ngư dân Tịnh Long phải neo ghe nằm bờ.


Lẽ thường là thế, nhưng sau một đêm thức trắng chờ cho đến rạng sáng mới kéo lưới lên, gần 2.000m lưới của ông Cư chỉ có rặt một loại cá móm nhỏ bằng 2-3 ngón tay. Thi thoảng lắm, mới có vài con cá hồng chỉ bằng nửa bàn tay dính lưới. Rầu rĩ sau một đêm đánh bắt thất bát, ngư dân Trần Cư bảo: “Năm nay, bữa nào ra cửa đánh bắt cũng thất thu. Cá đù, cá ướp không thấy vào. Cá hanh, cá hồng lớn và cá kình, cá dìa cũng mất tăm. Riêng cá đuối, hằng năm cứ vào tháng 3 âm lịch, chỉ cần mang mũi sắt ra cửa Đại là tha hồ đâm cá lôi lên ghe. Nhưng giờ đã bước sang tháng 4 âm, soi đèn tìm “đỏ mắt” vẫn chưa thấy được con nào”.

Vì mưu sinh, nhiều ngư dân vẫn bất chấp nước đục, giong thuyền ra Cửa Đại và thức trắng đêm chài lưới.
Vì mưu sinh, nhiều ngư dân vẫn bất chấp nước đục, giong thuyền ra Cửa Đại và thức trắng đêm chài lưới.


Đâu chỉ riêng ông Trần Cư, mà nhiều ngư dân cũng buồn bã trở về tay trắng sau một đêm thức trắng ngoài cửa Đại. Lão ngư Nguyễn Tử Tốt, 61 tuổi, 46 năm làm nghề chài lưới ven sông Trà bảo, theo lẽ thường, tháng giêng đến tháng 8 hằng năm, nước sông Trà xanh ngắt. Họa hoằn lắm, khi có lũ tiểu mãn, nước mới trở đục. Nhưng năm nay, do xây cầu Thạch Bích, nên cứ mỗi lần máy móc tác động xuống lòng sông là nước sông Trà lại đục ngầu. Tôm cá nước chè hai “lanh” lắm, hễ thấy “động” là tản dạt hết cả.
 

Gian nan nghề sông nước


Theo lão ngư Trần Văn Anh, đây không phải lần đầu tiên, ngư dân chúng tôi chới với. Trước đó, việc xây dựng cầu Trà Khúc 2 cũng khiến hoạt động đánh bắt của chúng tôi bị gián đoạn vì nước đục. Song, thời đó máy gặt đập liên hợp chưa phổ biến như bây giờ, nên tạm nghỉ sông nước thì chúng tôi xin đi làm công, rồi gặt lúa thuê, để kiếm tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày. Còn giờ, máy gặt đập liên hợp cắt loáng một cái là xong, làm gì còn ai thuê mình nữa. Không biết phải làm tạm nghề gì để mưu sinh, nên chúng tôi đành ở nhà ngồi chơi xơi nước mà nẫu cả ruột gan.

Làng chài thở dài theo con nước

Sống dựa vào nghề sông nước, nên khi cá chè hai không về, cuộc sống của gần 100 ngư dân làm nghề đánh bắt cá chè hai ở làng chài Tăng Long, An Đạo, An Lộc, xã Tịnh Long bỗng đảo lộn. “Mới một năm trở lại đây thôi mà không khí thay đổi chóng vánh quá. Năm ngoái, đêm nào khúc sông từ Tịnh Long đổ về cửa Đại cũng nhộn nhịp tiếng ghe máy và đèn pha chớp nhá.

Mỗi ngày chỉ cần đi lưới là kiếm được vài trăm nghìn đến hơn triệu đồng. Còn giờ phải ngồi nhà chơi không, chờ canh nước sông hết đục mà nóng cả ruột gan”, lão ngư Trần Văn Bạo, vừa đi bộ hơn 500m từ nhà ra mé sông Trà để ngóng con nước ngán ngẩm bảo.

Trăn trở hướng mưu sinh trong những ngày sắp tới, bà con làng chài An Lộc (Tịnh Long) cũng từng họp mặt gần 40 ngư dân lại để bàn tính “kế sách” lâu dài. Song, dù đã đưa ra hàng trăm ý kiến, nhưng mọi người vẫn chưa tìm thấy được lối đi. “Định bụng chuyển qua làm nông, nhưng bà con ngư dân chúng tôi gắn bó với ngư nghiệp đã mấy đời, nên chẳng có ai có đất nông nghiệp. Đi làm công nhân thì những người có tuổi như chúng tôi chẳng công ty nào nhận nữa. Còn đi phụ hồ, thì bọn thanh niên trai tráng, chứ sức già thì kham không nổi”, ngư dân Trần Văn Anh, người gắn bó với nghề sông nước hơn 40 năm chua xót.

Vì cá biển không ngược về cửa sông, nên dù đánh bắt trắng đêm, ngư dân Trần Cư cũng chỉ bắt được một ít cá móm vụn.
Vì cá biển không ngược về cửa sông, nên dù đánh bắt trắng đêm, ngư dân Trần Cư cũng chỉ bắt được một ít cá móm vụn.


Loay hoay phơi mớ bắp vừa mới mua về với giá 6.700 đồng/ký, bà Tống Thị Thảo – nữ ngư phủ ở làng chài An Lộc vừa chuyển hướng sang nuôi bò vỗ béo thở dài: “Giá bắp tăng, giá cám tăng, chỉ có giá bò là hạ. Biết vậy, tôi đã không đi mượn đất nuôi bò. Chuồng bò với nhà ở cách nhau 3 cây số, đi đi về về vất vả, đến mớ bắp cũng phải đi mua, vì không có đất trồng, rồi giờ công cốc”.

Gắn bó với ngư nghiệp từ lâu đời, nên gia đình bà Thảo cùng hơn 40 hộ gia đình khác ở xóm chài An Lộc chỉ có chừng trăm mét vuông đất ở, chứ không có ruộng sản xuất. Vậy nên, khi nghề sông nước bỗng dưng bị gián đoạn, những người muốn chuyển hướng lên bờ làm nông đều phải đi mượn hoặc thuê đất, nhưng không phải ai cũng may mắn tìm được đất để thuê.

Đang khắc khoải chờ cầu Thạch Bích hoàn thành, ngư dân Tịnh Long lại đứng ngồi không yên khi nghe loa phát thanh thông báo tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng cầu Cửa Đại gần ngay vị trí cửa sông mà bà con vẫn thường giong thuyền ra đánh bắt cá chè hai. Thu nhập hằng ngày phụ thuộc hoàn toàn vào những chiếc ghe lênh đênh, giờ nằm bờ mãi thì biết lấy gì sinh nhai? Nên sau một hồi cau mày suy nghĩ, bàThảo bảo, chắc có lẽ, bà sẽ phải ly hương vào TP.Hồ Chí Minh bán báo dạo, đánh giày hoặc ai kêu gì thì làm nấy...

Từ ngày nước sông Trà Khúc trở đục, khúc sông Trà đoạn ngang qua địa phận thôn Tăng Long và An Đạo từ chỗ lúc nào cũng tấp nập người, ghe đi về với tôm cá đầy khoang, giờ trở nên hiu hắt, tĩnh lặng. Trên bến sông, từng dãy ghe xếp hàng dài nằm gối bãi chờ ngày nước sông Trà lại trong xanh. Nhưng cả người và ghe đều không biết, họ sẽ phải chờ đến bao giờ? Năm sau, hay là năm sau nữa...

Bài, ảnh: Ý THU


 


CÁC TIN KHÁC
.