Những mảnh đời phiêu bạt

10:07, 30/07/2010
.
* Phóng sự của Phú Đức   

(QNĐT)- Sinh ra trên cõi đời này, ai cũng mong có một mái ấm gia đình hạnh phúc. Vợ có chồng, con có cha, có công ăn việc làm, các con được đến trường. Nhưng với 5 mẹ con chị Nguyễn Thị Hoa (37 tuổi), những mong ước tưởng chừng đơn giản ấy lại là những điều xa xỉ nhất.

* Hẩm hiu đời mẹ...

Mới 37 tuổi nhưng thoạt nhìn những tưởng tuổi chị đã qua 50. Vóc dáng gầy guộc, gương mặt hốc hác, xanh xao như tàu lá chuối. Đôi chân phải kéo lê từng bước một. Cũng phải thôi! Chừng ấy tuổi mà chị đã có đến 6 lần vượt cạn. Chặng đường đời truân chuyên, đầy éo le của chị có lẽ không bút mực nào tả xiết.

Mẹ con chị Hoa bên túp lều dưới gầm cầu sông Vệ.
Mẹ con chị Hoa bên túp lều dưới gầm cầu sông Vệ.
Sáu tuổi, chị không được cắp sách đến trường như các bạn cùng trang lứa, không còn được sống trong vòng tay yêu thương của bố mẹ ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa). "Bố mất, mẹ đi bước nữa. Tôi cảm thấy mình như một thứ đồ bỏ nên buồn tủi bỏ nhà đi. Giờ đây phải sống trong cảnh ăn xin nơi đầu đường xó chợ thế này"- chị Hoa kể trong nước mắt.

Kể từ đây, cuộc đời chị phiêu dạt khắp nơi. Đầu trần, chân đất, áo quần tả tơi, ngày lang thang xin ăn ở chợ sông Vệ, tối tiện đâu ngã lưng ở đấy. Thương tình, chủ các quán hàng ăn ở chợ gọi đến phụ lặt rau, rửa bát, chạy bàn..., để được nuôi cơm. Những tưởng cuộc đời chị từ đây sẽ rẽ sang trang mới. Nhưng không, số phận hẩm hiu mãi đeo bám chị, đưa chị từ cơ cực này đến cùng cực khác.

Khi trở thành một thiếu nữ, chị không muốn mang tiếng là người ở đợ, nên chuyển sang đi nhặt nhôm nhựa, túi ni lông để bán nuôi thân. Với chị cứ ngỡ tự lực đi làm kiếm tiền, không phải nhờ ai là tốt, nhưng nào ngờ đó là những chuỗi ngày tủi nhục.

Chị cay đắng cho số phận:- "Suốt ngày dầm sương dải nắng nhưng chẳng kiếm được là bao. Gặp người thân lầm lủi đi mà không dám nhìn. Tối về người rả rời cũng không có được một chỗ nghỉ lưng".

Những tháng ngày rong ruổi mưu sinh trên khắp nẻo đường, góc phố cũng đã mang đến cho chị vị ngọt ngào của tình yêu. "Chúng tôi cùng cảnh ngộ nên đồng cảm, chia sẻ rồi về ở với nhau nơi góc chợ sông Vệ cũ chứ có cưới hỏi gì đâu!"- chị Hoa tâm sự.

- Thế anh ấy đâu rồi mà chị phải che lều ở tạm bợ dưới chân cầu thế này? Tôi hỏi.

- Chị Hoa gắt giọng trả lời: Mấy ổng đi hết rồi!

- Mất à? Tôi hỏi tiếp.
 
 
 Chị đưa tay về những đứa con áo quần tơi tả đang nô đùa với mấy con chó con rồi nói với giọng chán chường: "Không. Theo gái. Mấy ổng ngọt ngào đến rồi âm thầm ra đi để lại cho tôi những cục nợ thế này đây!"
 
Cái nợ này chắc rằng chị không thể nào sang sẻ cho ai được. Vả lại, với tình mẫu tử đã dứt ruột sinh ra không cho phép chị đẩy mấy đứa trẻ ra đường. Bởi lẽ chị quá thấu hiểu cái cơ cực, tủi nhục khi phải ra đời sớm, dù biết rằng giờ đây với sức khoẻ của chị tự nuôi sống bản thân đã là không dễ.

"Ngày quét chợ, dọn hàng, rửa chén bát, ai thuê gì làm nấy cũng kiếm được hơn 50 chục ngàn đồng. Đấy là mùa nắng, chứ còn mưa thì coi như đói. Thôi thì mẹ con đùm bọc nhau có gì ăn nấy. Cũng may tụi nhỏ ít đau vặt"- chị Hoa bộc bạch.

Biết vậy mà sao đẻ nhiều thế? Tôi hỏi. - Do mấy ổng hết cả!

Một cụ bà sống bên chợ sông Vệ chứng kiến gần như toàn bộ đoạn trường cuộc đời chị Hoa, kể: Chỉ trong vòng 10 năm nhưng nó có đến 2 đời chồng với 6 lần sinh nở. Sống 5, mất 1. Hiện 4 đứa (1 trai, 3 gái) ở với con Hoa. Lớn 9 tuổi, nhỏ 2 tuổi. Tất cả đều tự đi xin ăn. Còn đứa đầu tên Hận, 10 tuổi, bị câm và đã đi lạc hay bị ai đó bắt cóc từ Tết rồi.
 
Mới sinh được vài ngày tụi nhỏ đã phải theo mẹ rong ruổi khắp chốn để xin ăn, chưa bao giờ biết đến mùi sữa bình. Tắm giặt đều dưới sông Vệ. Quần áo, tả lót được các chị bán hàng ở chợ bố thí. Có lẽ tụi nhỏ đứa nào cũng biết được thân phận nên chẳng thấy đứa nào đau cả. Sức khoẻ con Hoa thì ngày càng suy kiệt, chắc rằng không còn đủ sức để nuôi tụi nhỏ khôn lớn.

* ... Côi cút đời con.

Bé Na 4 tuổi nhưng nhỏ tí tẹo, khuôn mặt gầy nhom, xanh như tàu lá chuối. Bé ngồi bệt dưới đất gầm cầu sông Vệ ôm con chó con vào lòng. Con đau à?- Tôi hỏi. - Bé Na lắc đầu. Bà cụ ngồi trên xe lăn cùng cảnh ngộ đi ăn xin đẩy xe đến bên cạnh bé Na rồi nói:- Bốn tuổi rồi nhưng nó nói chưa rõ đâu. Từ sáng đến giờ chỉ được lót bụng một phần ba ổ bánh mì nên có lẽ nó đói đấy.
 
Sau gần 1 ngày đi xin, Phước ra chợ mua đồ ăn về chuẩn bị bữa cơm chiều.
Sau gần 1 ngày đi xin, Phước ra chợ mua đồ ăn về chuẩn bị bữa cơm chiều.

Cùng lúc này thằng Phước (6 tuổi), đầu trần, chân đất, quần áo tả tơi từ chợ sông Vệ chạy về trên tay cầm 1 miếng thịt mỡ, 2 quả trứng vịt, 2 củ hành tây và một túi gạo. Đây là thành quả sau gần một ngày Phước đi xin ở chợ.

Để đồ trên chiếc bàn nhựa, Phước bế bé Na lên giường rồi vội vã ra giếng hàng xóm xách 1 gàu nước vào chắt ra ly đưa cho bé Na rồi bảo: "Uống đi cho đỡ mệt. Nấu cơm ăn chứ tao cũng đói lắm rồi".

Phước lấy nắp xoong làm thớt rồi đặt miếng thịt lên thái từng lát mỏng bỏ vào xoong đặt lên bếp ngay bên cạnh giường ngủ để rán lấy mỡ rồi bỏ trứng vịt vào chiên.

Và chỉ trong một chốc lát Phước cũng đã làm xong bữa cơm chiều. Vớt miếng trứng chiên ra đĩa, Phước xẻ làm 5 rồi lấy một phần bỏ vào chén cơm cho bé Na và một phần bỏ vào chén của em.

Nhìn hai anh em Phước ngồi ăn ngon lành khiến tôi không sao cầm lòng được. Mới chừng ấy tuổi đời mà Phước đã biết nhường cơm sẻ áo cho nhau, điều mà không phải đứa trẻ nào cũng nghĩ ra và làm được như thế.

Bé Na cầm chén đưa cho Phước: "Cho em chén nữa". Phước quay sang quát: "Không được. Để cho mẹ, chị và bé út nữa chứ !". Bé Na nhìn Phước mà không dám khóc ra lời, nhưng lệ thì cứ rưng rưng nơi khoé mắt. Thấy thế, Phước không thể cầm lòng đành đưa một nửa chén cơm của mình còn lại cho bé Na.

Bà Xuân bán hàng ở chợ Sông Vệ kể: Có lẽ vì ra đời sớm nên thằng Phước ranh lắm. Nó đi bộ ra tận TP.Quảng Ngãi để xin đấy. Mọi công việc nấu ăn, chi tiêu tiền xin được trong ngày phần lớn đều do nó quản. Chỉ tiếc là tụi nó không một đứa nào được đến trường.
 
Học sao được khi mà giờ đây cả 5 đều không một đứa nào có giấy khai sinh cả. Vì vậy, mọi quyền lợi liên quan đến mẹ con chị gần chục năm nay đều không được hưởng thụ. Theo chị Hoa thì hộ khẩu của chị đăng ký từ lâu ở xã Nghĩa Hiệp.

Điều này cũng không thể trách chị Hoa được, khi mà cái ăn, ở chưa xong thì nói chi đến chuyện đến trường hay làm giấy khai sinh. Ngay cả tên, năm sinh của các con chị cũng không còn đủ minh mẫn để nhớ. Chỗ ngủ cũng chỉ là 2 chiếc chõng tre gãy chân mà ai đó vứt ngoài bụi được mẹ con chị nhặt về lấy gạch, đá kê làm chân.

Phước kể: "Không ít lần mấy mẹ con đang nằm ngủ thì lăn đùng xuống đất vì chân giường sập. Có hôm mưa lớn dội vào làm cả nhà ướt đẫm phải thức trắng đêm".

-Tụi con thích đi học không? Tôi hỏi. Bé Hoa (8 tuổi) và Phước (6 tuổi) đều đồng thanh trả lời: Dạ muốn. Mấy đứa nhà ngoài xóm bảo con là dân sống gầm cầu nên mù chữ, con tức lắm.

- Không có tiền có được học không chú? Phước hỏi. Mẹ các con đồng ý cho đi là được cả. Phước hớn hở chạy vào lục tìm trong túi ni lông lấy một cuốn tập vở nhăn nheo ra khoe: "Mấy bà ngoài chợ cho con để đi học đấy".
 
Phước giúp mẹ dựng lại túp lều và làm lại giường ngủ
Phước giúp mẹ dựng lại túp lều và làm lại giường ngủ.

Còn bé Hoa thì vui mừng kể: "Những hôm đến trường nhìn trộm mấy bạn học nay con viết được tên rồi đấy!" Những mong ước tưởng chừng đơn giản ấy nhưng với chị em Phước thì không dễ gì có được. Lối đi của chị Hoa chắn rằng các con chị sẽ tiếp tục dẫm đạp lên đi.

Chia tay mẹ con chị Hoa lúc trời bắt đầu tạnh mưa. Dòng người trên đường hối hả xuôi ngược đi về để kịp sum họp gia đình buổi tối. Mẹ con chị Hoa thì cùng nhau gắng sức dựng lại túp lều để tối còn có chỗ ngã lưng. Nhìn trụ đèn đường cầu Sông Vệ bắt đầu bừng sáng, tôi thầm nghĩ, giá như đó là tương lai các con chị Hoa thì hay biết nhường nào./.

CÁC TIN KHÁC
.