Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm: Tiêm phòng vắc-xin là biện pháp hiệu quả nhất

06:07, 24/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) khi đề cập đến tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC) trên địa bàn Quảng Ngãi hiện nay.

Ông Thuận cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 ổ dịch cúm gia cầm, làm chết và tiêu hủy bắt buộc hơn 11 nghìn con gia cầm. Dịch xảy ra ở các xã Tịnh Trà, Tịnh Hà, Tịnh Phong (Sơn Tịnh) và xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi). Ngày 13.7 xuất hiện một ổ dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) xảy ra tại xã Tịnh Sơn, với tổng số gia súc mắc bệnh là 50 con.

Trong quá trình giám sát dịch, khi nhận được thông tin GSGC của người dân ốm chết, Chi cục CN&TY phối hợp với  chính quyền địa phương kiểm tra, lấy mẫu và hướng dẫn người dân nuôi nhốt tại chỗ chờ kết quả xét nghiệm.

Khi có kết quả dương tính với bệnh nguy hiểm, Chi cục cùng chính quyền xác định vùng dịch, thành lập chốt kiểm soát tạm thời; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi và trong vùng dịch; tiêm phòng bao vây ổ dịch và điều tra dịch tễ theo quy định.

Đối với bệnh cúm gia cầm, Chi cục chỉ đạo tiêu hủy toàn đàn gia cầm nhiễm bệnh. Còn bệnh LMLM thì cách ly, điều trị theo quy định. Riêng ổ dịch LMLM mới đây, Chi cục đã cấp 2.000 liều vắc xin LMLM và 72 lít hóa chất cho huyện Sơn Tịnh tổ chức tiêm phòng bao vây và tiêu độc khử trùng khu vực xảy ra dịch.

-PV: Ngành thú y có những khuyến cáo gì đối với người chăn nuôi GSGC trong phòng, chống dịch?

Ông Nguyễn Văn Thuận: Muốn hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra thì cần phải tiêm phòng cho GSGC. Có thể khẳng định, tiêm phòng bao vây khống chế ổ dịch là biện pháp kỹ thuật hiệu quả nhất trong công tác chống dịch. Tùy theo quy mô ổ dịch, một hộ chăn nuôi, một thôn, một xã có gia cầm bị dịch mà xác định phạm vi tiêm phòng bao vây.

Khi tiêm phải tiêm từ vòng ngoài chu vi ổ dịch trước, rồi tiếp tục tiêm vào tâm ổ dịch. Tiêm toàn bộ gia cầm nằm trong diện tiêm, nhưng chưa được tiêm phòng, hoặc đã được tiêm phòng, nhưng hết thời gian miễn dịch theo quy định.

 Thực tế ở Sơn Tịnh cho thấy, cùng chăn thả trên một cánh đồng, nhưng gia cầm đã tiêm phòng thường không bị dịch so với gia cầm chưa tiêm phòng. Hiện nay, nhà nước hỗ trợ vắc xin tiêm phòng GSGC cho người chăn nuôi. Nhiều hộ chăn nuôi có kinh nghiệm đã tranh thủ nguồn vắc-xin này để bảo vệ đàn GSGC của mình. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ mới vào nghề, chăn nuôi nhỏ lẻ chưa chú trọng công tác tiêm phòng cho GSGC, nên để xảy ra dịch.

 

Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu chống dịch cho  gia cầm.  Ảnh: P.V
Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu chống dịch cho gia cầm. Ảnh: P.V


-PV: Đối với công tác quản lý, kiểm soát vận chuyển, mua bán gia cầm khi dịch xảy ra, ông lưu ý điều gì?

Ông Nguyễn Văn Thuận: Khi dịch xảy ra, việc vận chuyển, mua bán, gia cầm là điều kiện để vi rút phát tán và lây lan dịch ra diện rộng. Quản lý chặt chẽ là một trong những giải pháp trong quy định để phòng, chống dịch. Vì vậy, Chi cục CN&TY chỉ đạo các trạm, nơi đang có dịch xảy ra, phải tham mưu cho chính quyền địa phương khoanh vùng dịch, lập chốt kiểm soát, nghiêm cấm việc mua bán, vận chuyển gia cầm ra vào vùng dịch.

Đối với các trạm, nơi chưa có dịch, và các Trạm kiểm dịch tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm nhập vào địa bàn quản lý. Lượng gia cầm ngoài tỉnh nhập về phải có giấy chứng nhận kiểm dịch và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, tại các lò mổ gia cầm, cử cán bộ thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy trình và đóng dấu kiểm soát giết mổ lên thân thịt, nếu đủ điều kiện vệ sinh thú y.

-PV: Trong tình hình hiện nay, chính quyền địa phương và người dân phải làm gì để phòng, chống dịch hiệu quả?

Ông Nguyễn Văn Thuận: Đối với chính quyền địa phương, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; tiến hành cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tiêm phòng vắc-xin; tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm; xây dựng kế hoạch sát với tình hình thực tế của địa phương và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Đối với người chăn nuôi phải luôn cảnh giác với bệnh cúm gia cầm, vì vi rút cúm luôn có sẵn trong cơ thể gia cầm. Nếu chậm tiêm phòng, dịch cúm sẽ bùng phát khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi.

THANH TOÀN
 (thực hiện)

 


.