Kết hợp giữa bảo tồn, phát triển văn hóa với xây dựng con người mới

10:07, 31/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là nhấn mạnh của tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ-Giám đốc Sở VH-TT&DL trong việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, kể từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Quảng Ngãi đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng trên lĩnh vực văn hóa, xây dựng con người, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Không chỉ có các giá trị văn hóa truyền thống được phục hưng mà các thiết chế văn hóa mới được hình thành, các hoạt động văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng. Sự phát triển của khoa học, công nghệ, truyền thông, sự hội nhập văn hóa cũng đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa mới, con người mới... làm cho con người Quảng Ngãi năng động, sáng tạo hơn.

-PV: Điều gì cho thấy tính cấp thiết phải xây dựng đề án, nghị quyết về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thưa ông?

Ông NGUYỄN ĐĂNG VŨ: Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thế nhưng so với yêu cầu phát triển, hội nhập thì môi trường văn hóa, tính cách con người Quảng Ngãi còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Nguồn lực đầu tư cho văn hóa, con người còn quá khiêm tốn. Tôi đơn cử như tỉnh nào cũng có trung tâm văn hóa đa năng, khu liên hợp thể dục-thể thao, nhưng tỉnh ta cho đến nay, vẫn chưa có các thiết chế quan trọng này.

Đây chính là thiết chế văn hóa, thể thao có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần rất lớn trong việc xây dựng con người đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập, góp phần cải tạo kỷ luật, kỹ năng lao động trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với việc nhận định văn hóa, con người Quảng Ngãi phát triển ì ạch, trì trệ, bảo thủ, cũng nên nhìn nhận thực tế việc đầu tư cho văn hóa, con người Quảng Ngãi chưa tương xứng.

Bởi vậy, việc xây dựng một nghị quyết về văn hóa, con người Quảng Ngãi là hết sức cần thiết, phải xác định quan điểm “văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội”.

Hoạt động văn hóa thể thao được tổ chức thường xuyên, sẽ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân ở các Khu công nghiệp.                                                         Ảnh: PV
Hoạt động văn hóa thể thao được tổ chức thường xuyên, sẽ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân ở các Khu công nghiệp. Ảnh: PV


-PV: Xin ông cho biết rõ hơn về mục tiêu chính của nghị quyết này?

Ông NGUYỄN ĐĂNG VŨ: Có 2 mục tiêu chính được đặt ra. Một là, bảo tồn, kế thừa di sản văn hóa, phẩm chất, đức tính của người Quảng Ngãi. Cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cũng sẽ chú ý đến việc bổ sung những giá trị văn hóa mới; gắn kết chặt chẽ giữa bảo tồn, phát triển văn hóa với xây dựng con người mới, đáp ứng sự phát triển bền vững, nhất là trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Hai là, tạo môi trường thuận lợi để con người phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm với công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh nhà hiện nay. Cả hai mục tiêu này, luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, nên hiểu rằng xây dựng văn hóa cũng tức là xây dựng con người.

-PV: Vậy đâu là giải pháp để nghị quyết này đi vào cuộc sống?

Ông NGUYỄN ĐĂNG VŨ: Để thực hiện nghị quyết về văn hóa, con người quả thật không hề dễ dàng, theo tôi cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, với những nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ.

Cần phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng con người phát triển toàn diện; xây dựng văn hóa trong cả kinh tế lẫn chính trị; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa; tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng và hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa; tạo nguồn lực cho các lĩnh vực văn hóa xã hội; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu có chọn lọc văn hóa nhân loại; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa...

 

LÝ PHƯƠNG
(thực hiện)

 


.