Giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân

08:10, 25/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) được kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20.6.2012, có hiệu lực thi hành vào ngày 1.1.2013 có đề cập đến Ngày Pháp luật nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Để hiểu rõ về vấn đề này, PV Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Hoà- Phó Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Ngãi.

*PV: Xin ông cho biết, Ngày Pháp luật nước Cộng hoà XHCN Việt Nam ra đời như thế nào và nội dung, ý nghĩa của quy định này?.

*Ông Phạm Minh Hòa: Tại Điều 8 Luật PBGDPL quy định, bắt đầu từ năm nay, lấy ngày 9.11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân. Đây là ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 - đạo luật cơ bản, có giá trị pháp lý cao nhất đầu tiên của Nhà nước ta.  

Trong dịp này, cả nước sẽ tổ chức đợt cao điểm về phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hoạt động thiết thực. Tại tỉnh ta dự kiến sẽ tổ chức một cuộc hội thảo về Ngày Pháp luật Việt Nam với nhiều nội dung phong phú nhằm tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn.  


*PV: Hiện nay, một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn lúng túng, chưa thống nhất cách hiểu trong việc tổ chức thực hiện mô hình Ngày pháp luật được thực hiện hằng tháng và Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?.

*Ông Phạm Minh Hòa: Ngày Pháp luật là một trong những phương pháp PBGDPL hiệu quả. Mô hình này được Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ chỉ đạo thực hiện tại Văn bản số 3535/HĐPH ngày 4.10.2010. Trên cơ sở đó, Thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 3501/UBND-NC ngày 23.11.2010 về việc triển khai mô hình “Ngày Pháp luật” trên địa bàn tỉnh. Như vậy, theo các văn bản này, “Ngày pháp luật” được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện mỗi tháng một lần dưới một trong các hình thức: Tổ chức buổi học tập, quán triệt văn bản pháp luật tập trung có báo cáo viên pháp luật tham gia giới thiệu về các nội dung pháp luật; lồng ghép việc phổ biến văn bản pháp luật với việc tổ chức nội dung sinh hoạt khác của cơ quan, đơn vị, địa phương với thời lượng, thời gian thích hợp…

Còn “Ngày Pháp luật Việt Nam” (ngày 9.11 hằng năm) là nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Để triển khai thực hiện “Ngày Pháp luật Việt Nam”, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 4.4.2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định trách nhiệm tổ chức “Ngày Pháp luật Việt Nam” ở địa phương là Chủ tịch UBND các cấp và tổ chức dưới các hình thức: Mít tinh, hội thảo, tọa đàm, Thi tìm hiểu pháp luật, Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động, triển lãm...
 
*PV: Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện Ngày Pháp luật ở tỉnh ta?


*Ông Phạm Minh Hòa: Trước khi có Chỉ thị số 10/2013/CT-UBND, từ năm 2010 Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 3501/UBND-NC để triển khai thực hiện “Ngày Pháp luật”. Theo đó, hằng tháng, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải dành một khoảng thời gian nhất định để tổ chức sinh hoạt, giới thiệu các chủ trương, chính sách của Đảng, các văn bản pháp luật cho CB, CCVC. Đến nay, chủ trương này đã được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh và bước đầu đạt những kết quả nhất định.

*PV: Để Luật PBGDPL nói chung, việc thực hiện Ngày Pháp luật nói riêng được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả, theo ông cần có những biện pháp gì?

*Ông Phạm Minh Hòa: Để Luật PBGDPL đi vào thực tế cuộc sống, đòi hỏi tổng thể nhiều biện pháp khác nhau và phải được thực hiện một cách thường xuyên, lâu dài thì mới có hiệu quả. Trong đó, biện pháp rất quan trọng là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với các cơ quan nhà nước, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo sự chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân. Quán triệt để cán bộ, đảng viên nêu cao ý thức tôn trọng, gương mẫu chấp hành pháp luật; tích cực vận động gia đình, người thân và những người xung quanh nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Đây là một trong các tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá tư cách đảng viên.

Tiếp tục đổi mới về phương pháp tuyên truyền, PBGDPL, lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng. Gắn PBGDPL với việc thi hành pháp luật, với việc giải quyết chế độ chính sách, các quyền và nghĩa vụ của công dân, lồng ghép với các phong trào vận động quần chúng để đạt hiệu quả cao.

*PV: Xin cảm ơn ông!

 

Phú Đức (thực hiện) 
 


.