Nhân vật Quảng Ngãi:
Võ Quán ( ? - 1913)

02:12, 23/12/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Võ Quán (Lâm Quán Trung) người làng Trung Sơn (nay thuộc xã Bình Phước, huyện Bình Sơn), là chí sĩ yêu nước, chống Pháp, thành viên tích cực của  phong trào Duy Tân và phong trào Đông Du.

TIN LIÊN QUAN

Năm 1907, Võ Quán là ủy viên Bộ Giao Tế của Việt Nam công hiến hội, phụ trách tổ chức đưa người đi du học bên cạnh chương trình Duy Tân. Sau đó ông là một trong 6 người Quảng Ngãi được sang Nhật du học, thuộc thế hệ thanh niên yêu nước Việt Nam đầu tiên được các nhà yêu nước trong phong trào Duy Tân đưa đi du học. Ở Nhật, Võ Quán vừa tham gia công tác hội vừa tích cực học cả tiếng Nhật lẫn tiếng Anh để sau này có cơ hội phục vụ tổ chức, góp phần vào sự nghiệp cứu nước.

Năm 1908, Chính phủ Nhật ra lệnh giải tán lưu học sinh Việt Nam trên đất Nhật trong khi đó thực dân Pháp buộc các gia đình có con em du học ở Nhật phải viết thư gọi về. Võ Quán và một số lưu học sinh cương quyết tìm cách ở lại đất Nhật để mưu đồ phục quốc. Cụ Phan Bội Châu (trong "Phan Bội Châu niên biểu") đánh giá Võ Quán là "một trong mấy người có tiếng của lưu học sinh còn ở lại Đông Kinh".

Sau một thời gian ở Nhật, Võ Quán sang Trung Quốc, trở thành học viên Đại học Quân sự Bắc Kinh, cùng học với một người đồng hương Quảng Ngãi khác là Võ Tòng (Tùng).

Nhà thờ họ Võ ở thôn Phú Long 1(Bình Phước, Bình Sơn) – nơi thờ phụng ông Võ Quán.
Nhà thờ họ Võ ở thôn Phú Long 1(Bình Phước, Bình Sơn) – nơi thờ phụng ông Võ Quán.


Năm 1911, cuộc cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc do Trung Hoa Quốc dân Đảng, mà thủ lĩnh là nhà cách mạng Tôn Trung Sơn (Tôn Dật Tiên) lãnh đạo thành công, lật đổ chính quyền phong kiến nhà Thanh, thành lập Trung Hoa Dân Quốc.

Chịu ảnh hưởng tư tưởng dân quyền của các nhà Khai sáng Pháp và lý tưởng “dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc” của cách mạng Tân Hợi, đầu năm 1912, Phan Bội Châu thành lập Việt Nam Quang Phục hội tại Quảng Đông (Trung Quốc), đề ra chủ trương đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập cho Việt Nam, thành lập Việt Nam Dân Quốc. Võ Quán trở thành một trong ba ủy viên vận động trong nuớc, phụ trách Trung Kỳ. Ngay sau đó ông lên đường về nước làm nhiệm vụ, đến mùa thu năm 1912 thì trở lại Trung Quốc, báo cáo tình hình cho tổ chức.

 Gian thờ các bậc tiền bối họ Võ và nhà yêu nước Võ Quán
Gian thờ các bậc tiền bối họ Võ và nhà yêu nước Võ Quán


Đầu năm 1913, Võ Quán lại trở về Việt Nam, gặp mặt và bàn bạc cùng nhà yêu nước Thái Phiên, xúc tiến thành lập các tổ chức cơ sở của Việt Nam Quang phục hội ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và vạch kế hoạch cho các hoạt động yêu nước ở Trung kỳ.

Tháng 9/1913, Võ Quán một lần nữa qua Trung Quốc và không may lâm trọng bệnh. Biết mình không qua khỏi, cuối năm đó Võ Quán gieo mình xuống sông Châu Giang tự vẫn. Thương tiếc Võ Quán, cụ Phan Bội Châu làm thơ ai điếu, viết câu đối gởi về quê chia buồn cùng gia quyến.

                                                               

  Lê Hồng Khánh


*Đón đọc kỳ tới: Nguyễn Bá Nghi (1807 - 1870)





 


CÁC TIN KHÁC
.