(Báo Quảng Ngãi)- Để nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn tỉnh, ngoài các tuyến đường do ngân sách nhà nước đầu tư, thì có hàng nghìn tuyến đường đầu tư theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian đưa vào sử dụng, nhiều tuyến đường đã xuống cấp, hư hỏng.
[links()]
Nhiều tuyến đường nhanh xuống cấp
Đầu tư xây dựng đường GTNT là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ trong việc xây dựng nông thôn mới (NTM) trong cả nước. Thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển hạ tầng GTNT và ban hành quy định, quy chuẩn xây dựng công trình để các đơn vị triển khai thực hiện. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng, nhiều tuyến đường GTNT trên địa bàn tỉnh xuống cấp, hư hỏng dẫn đến việc tham gia giao thông của người dân gặp nhiều khó khăn.
Tuyến đường bê tông nông thôn từ Tỉnh lộ 623B đi xóm Buồn, đoạn qua UBND xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa), có chiều dài khoảng 1km, mặt đường hiện đã bong tróc lớp xi măng lộ lên lớp đá gồ ghề, làm cho người dân đi lại rất khó khăn. Bà Trần Thị Liễu, ở thôn Mỹ Thạnh Bắc, xã Nghĩa Thuận cho biết, hơn 1 năm trở lại đây, mặt đường không còn bằng phẳng, nhiều ổ gà xuất hiện. Đã có một số trường hợp té ngã bị thương tích nhẹ.
Tuyến đường bê tông nông thôn qua thôn Lâm Lộc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh). |
Không chỉ các tuyến đường GTNT ở đồng bằng, mà nhiều tuyến đường GTNT ở miền núi, các tuyến đường hẻm ở các thị xã, thành phố được đầu tư bê tông kiên cố, nhưng cũng rơi vào tình trạng hư hỏng sau thời gian ngắn. Như tuyến đường bê tông nối từ đường Hoàng Hoa Thám (TP.Quảng Ngãi) đi thôn Điền Long, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa), nền đường bong tróc lớp bê tông, nhiều vị trí chỉ còn là nền đất.
Nguyên nhân do đâu?
Trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, hạ tầng GTNT ở các xã được đầu tư theo tiêu chí cứng hóa, trong đó chủ yếu là bê tông, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, thực trạng các tuyến đường nhanh chóng xuống cấp, đặt ra nhiều vấn đề trong đầu tư xây dựng.
Theo đánh giá của các địa phương, những tuyến đường liên thôn, liên xóm được bê tông đã xuống cấp nhanh là do trong thiết kế chỉ đáp ứng tải trọng phương tiện nhỏ, nhưng xe ô tô tải chở vật liệu xây dựng, nông sản từ 10 tấn trở lên thường xuyên lưu thông, nên khó tránh khỏi việc nhanh xuống cấp, trong khi việc cấm phương tiện này lưu thông là rất khó. Để bảo vệ đường, một số địa phương dựng thanh chắn ở hai đầu đường, nhằm ngăn không cho xe tải lớn đi qua. Thế nhưng, chẳng bao lâu, các thanh chắn này đều bị phá hỏng.
Một kỹ sư cầu đường công tác tại Sở GTVT cho rằng, việc các tuyến đường GTNT nhanh xuống cấp còn do thực hiện không đúng quy chuẩn về thi công đường bê tông nông thôn mà UBND tỉnh đã ban hành. Cụ thể là, công tác giám sát và hướng dẫn kỹ thuật chưa được thực hiện nghiêm, dẫn đến tình trạng một số công trình thi công không đúng thiết kế. Việc xử lý, gia cố nền trước khi đổ bê tông thực hiện không đúng yêu cầu, không thi công lớp móng đá dăm tiêu chuẩn, hoặc cấp phối đá dăm, sỏi cuội. Vật liệu đầu vào thi công không đảm bảo chất lượng. Thậm chí, một số nơi cắt giảm, không sử dụng lớp ni lông lót nền, nhằm tránh mất nước xi măng và giảm ma sát đáy tấm bê tông... Điều này dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo.
“Tuy các địa phương có thành lập Ban giám sát cộng đồng, nhưng nhiều thành viên không có kiến thức về chuyên môn; không thường xuyên kiểm tra máy móc, thiết bị và biện pháp thi công dẫn đến việc các tổ, đội thi công sử dụng vật liệu không đúng yêu cầu. Ngoài các nguyên nhân khách quan, các công trình đường bê tông nông thôn được thực hiện theo cơ chế nhà nước hỗ trợ 70% và 30% còn lại các địa phương và nhân dân đối ứng. Tuy nhiên, ngân sách các huyện không hỗ trợ được nhiều; trong khi đời sống của người dân còn khó khăn, nên một số nơi chỉ sử dụng phần 70% kinh phí hỗ trợ của nhà nước và công lao động của người dân để triển khai thi công, dẫn đến thiếu vật liệu, hoặc vật liệu không đảm bảo chất lượng”, kỹ sư này phân tích.
Giải pháp nâng cao chất lượng
Việc các tuyến đường GTNT được đầu tư, nhưng nhanh chóng xuống cấp, không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và lãng phí nguồn lực đầu tư, mà còn cho thấy trách nhiệm của chính quyền nhiều địa phương chưa cao. Được biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đã hỗ trợ để các địa phương xây dựng 2.368km đường GTNT các loại. Nhờ đó, đã làm thay đổi diện mạo nhiều địa phương. Tuy vậy, vẫn còn những bất cập làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiêu chí đường giao thông trong bộ tiêu chí xây dựng NTM. Do đó, việc nâng cao chất lượng các công trình GTNT cần được thực hiện một cách nghiêm túc.
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Nhân, căn cứ theo bộ hướng dẫn xây dựng đường GTNT được ban hành, các địa phương, tổ giám sát cộng đồng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc giám sát quá trình tổ chức thi công. Cụ thể, về khâu chuẩn bị mặt bằng trước khi tiến hành đổ bê tông phải bằng phẳng, độ chặt, không có ứ đọng hữu cơ. Đối với vật liệu thi công đầu vào gồm: Cát, đá, nguồn nước trước khi trộn bê tông phải sạch sẽ, không lẫn lộn tạp chất như bùn, đất, nguồn nước có nhiều bùn lắng, hoặc nước nhiễm mặn ảnh hưởng đến cường độ bê tông...
Thực tế hiện nay, công tác bảo dưỡng mặt đường chưa được chú trọng, nhiều tuyến đường lớp bê tông chưa khô, nhưng phương tiện đã đi lại dẫn đến mặt đường bị rỗ, trơ đá. Công tác tưới nước, giữ ẩm mặt đường cần phải được thực hiện ít nhất trong 7 ngày đầu khi hoàn thành đổ bê tông. Nhưng quan trọng hơn hết là chính quyền địa phương, cộng đồng phải có trách nhiệm quản lý, hạn chế phương tiện có tải trọng lớn lưu thông, thì mới đảm bảo chất lượng công trình.
Đầu tư bê tông 424km đường nông thôn
Theo Đề án hỗ trợ xi măng để xây dựng đường GTNT, miền núi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh sẽ phân bổ về các địa phương khoảng 47 nghìn tấn xi măng, để thực hiện bê tông 424km đường GTNT. Trong đó, ưu tiên cho các xã thuộc diện đầu tư về đích NTM, phấn đấu đến năm 2025, có tối thiểu 119 xã đạt tiêu chí về GTNT.
|
Bài, ảnh:
LÊ ĐỨC