(Báo Quảng Ngãi)- Minh Long là một trong những địa phương ở miền núi “nóng” tình trạng tảo hôn. Để từng bước giảm thiểu tình trạng này, Trung tâm DS - KHHGĐ huyện đã phối hợp với các hội, đoàn thể tăng cường công tác truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cuộc sống "gia đình trẻ thơ"
Về những xã vùng cao của huyện Minh Long, chúng tôi không khó bắt gặp những "bà mẹ nhí” thay vì đến trường thì ê a ru con. Chính thực trạng này mà tình trạng đói nghèo, thất học... bám riết lấy những "gia đình trẻ thơ". Khi được hỏi, hầu hết các em chẳng hiểu gì về chuyện vợ chồng, cứ thương nhau rồi đến với nhau, gia đình hai bên cũng chẳng phản đối, thế là thành đôi sống chung với nhau. Đinh Thị T. ở thôn Phiên Chá, xã Thanh An là một trong những trường hợp ấy. Bỏ học khi mới đến lớp 8 và lấy chồng từ thuở 15. Vì thế, giờ đây trông T. già hơn so với tuổi, vì phải vất vả nuôi đứa con mới hơn 1 tuổi.
Cán bộ dân số xã Thanh An tuyên truyền những hệ lụy của tảo hôn cho chị em phụ nữ Hrê |
Bà Đinh Thị Ui, mẹ T. lý giải về việc con lấy chồng sớm: “Tụi nó ưng nhau, tôi khuyên bảo nó không nghe, nên cũng không cản, vì nó cũng lớn rồi”. Với đồng bào vùng cao, tảo hôn đã tồn tại khá lâu, nhưng để thông tư tưởng, thay đổi nếp nghĩ của họ, thì không thể thực hiện một sớm một chiều. Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Lê Vũ Lương, cho biết: “Khi kết hôn trong độ tuổi quá nhỏ, các em rơi vào tình trạng thiếu cân bằng cả về thể chất, tinh thần, lẫn kinh tế để xây dựng một gia đình.
“Việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho giới trẻ không dễ thực hiện nếu thiếu sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, hội đoàn thể. Vì vậy, thời gian tới, Trung tâm sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp để thực hiện hiệu quả hơn công tác vận động, tuyên truyền”. Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện LÊ VŨ LƯƠNG |
Về phía nam giới, các em chưa chuẩn bị tinh thần cho mình thành một người cha, người chồng, người trụ cột trong gia đình. Tương tự với các em nữ, cơ thể lẫn tâm sinh lý cũng chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ kiến thức để chăm sóc cho mình lẫn em bé khi mang thai và sau khi sinh. Chính điều này đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của thai nhi trong bụng, có nguy cơ sẩy thai, đẻ non, con sinh ra dễ bị suy dinh dưỡng. Cả hai vợ chồng do còn quá trẻ, chưa tự chủ, kinh tế gia đình lệ thuộc vào bố mẹ hoàn toàn, nên rất dễ dẫn đến chuyện rạn nứt tình cảm, nguy cơ ly hôn cao”.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Trong hai năm 2015-2016, trên địa bàn huyện có khoảng 40 cặp vợ chồng tảo hôn. Trước thực trạng đó, huyện Minh Long đã triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 15-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe giới tính, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trung tâm DS-KHHGĐ huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện và các xã mở các đợt tuyên truyền, vận động nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong cộng đồng dân cư tại huyện, đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trung tâm đã chủ động xây dựng mô hình câu lạc bộ thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Từ khởi đầu chỉ có 5 câu lạc bộ, đến nay sau 3 năm hoạt động đã thành lập được 24 câu lạc bộ. Ngoài phổ biến các chủ trương, chính sách DS-KHHGĐ, các cặp vợ chồng tham gia đều đăng ký không có con cái, người thân tảo hôn. Các hội viên tham gia mô hình đều được phổ biến những kiến thức về hệ lụy của tảo hôn.
Phối hợp với hội phụ nữ các cấp cùng già làng, trưởng thôn để tuyên truyền, vận động, tổ chức các hình thức vui chơi, sinh hoạt văn hóa lành mạnh vào các ngày lễ Tết; tổ chức các buổi khám sức khỏe cho mẹ và bé; tập huấn kinh nghiệm chăm sóc thai nhi, cho con bú; lồng ghép tuyên truyền mạnh về vấn nạn tảo hôn, Luật Chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em và Luật Hôn nhân gia đình...
Bài, ảnh: Trí Phong