500 trí thức trẻ tình nguyện đến với vùng sâu, vùng xa

07:02, 01/02/2010
.

Trong 10 năm tới (từ năm 2010 - 2020), khoảng 500 trí thức trẻ tình nguyện sẽ đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng trên cả nước, để góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo ở địa phương. Đây là nội dung Dự án "Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng giai đoạn 2010- 2020".
 
Dự án vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu cụ thể là gắn phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa bàn chiến lược. Đồng thời, tạo việc làm và môi trường để trí thức trẻ phát huy những kiến thức đã được học để vận dụng vào thực tế, qua đó tự khẳng định bản thân, tích lũy kinh nghiệm công tác, rèn luyện đội ngũ trí thức trẻ gắn bó với nhân dân nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
 
 
 Trí thức trẻ tình nguyện về cơ sở góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương
Trí thức trẻ tình nguyện về cơ sở góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương
Các đoàn viên thanh niên đã tốt nghiệp trường đại học, cao đẳng, hoặc trung cấp chuyên nghiệp có thời gian đi công tác tình nguyện mỗi đợt là 24 tháng. Các trí thức trẻ sẽ tham gia các hoạt động góp phần phát triển kinh tế- xã hội; mở lớp tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xóa mù chữ phổ cập giáo dục; tập hợp và giáo dục thanh thiếu niên trên địa bàn và tham gia xây dựng đơn vị, hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
 
Hưởng chế độ như công nhân viên quốc phòng
 
Trong thời gian công tác tại các khu kinh tế quốc phòng, tri thức trẻ tình nguyện được Đoàn kinh tế quốc phòng ký hợp đồng trách nhiệm, được hưởng mức trợ cấp sinh hoạt hàng tháng theo hệ số lương khởi điểm tương đương như đối với công nhân viên quốc phòng và được hưởng các khoản phụ cấp như tiền ăn, tiền điện nước sinh hoạt, quần áo, phụ cấp khu vực, phụ cấp trách nhiệm,...
 
Bên cạnh đó, tri thức trẻ tình nguyện còn được thanh toán tiền công tác phí theo chế độ khoán công tác phí đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; được hỗ trợ ban đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung; được hoãn, miễn nghĩa vụ quân sự khi hoàn thành nhiệm vụ dự án; được tham gia sinh hoạt tại các tổ chức Đảng, Đoàn tại địa phương và xét kết nạp Đảng, Đoàn nếu đủ điều kiện.
 
Sau khi hoàn thành Dự án, trí thức trẻ được Bộ Quốc phòng cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành nhiệm vụ và được xét tặng huy hiệu "Thanh niên tình nguyện" kèm theo 3 tháng tiền trợ cấp sinh hoạt phí hiện hưởng.
 
Nếu thi tuyển vào công chức, viên chức thì được cộng điểm ưu tiên và sau khi bổ nhiệm vào ngạch được nâng lương lần đầu sớm hơn quy định 12 tháng. Những đối tượng này cũng được ưu tiên khi xét tuyển đại học, sau đại học, nghiên cứu sinh ở nước ngoài.
 
Một chính sách đúng đắn và cần thực hiện lâu dài
 
Đây không phải lần đầu Đảng và Nhà nước ta thực hiện chính sách này. Thực tế, giai đoạn 2000-2002, đã có 538 trí thức trẻ về 125 xã đặc biệt khó khăn của 10 tỉnh để giúp địa phương xoá nạn mù chữ, phát triển nông lâm nghiệp, xây dựng đời sống văn hoá...10 tỉnh tiếp nhận trí thức trẻ vào thời điểm đó là: Lạng Sơn, Hoà Bình, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Bình Phước, Sóc Trăng, Cà Mau. Trong số 538 trí thức, có 246 người trình độ đại học, cao đẳng, còn lại là trình độ trung học chuyên nghiệp. Đông nhất là sinh viên thuộc các ngành Sư phạm, Nông nghiệp, Luật. Độ tuổi trung bình của đội viên là 24,2.
 
Tại nhiều tỉnh cũng phát động những chiến dịch đưa tri thức trẻ về với vùng sâu, xa, điển hình như tỉnh Bình Phước, tính đến cuối năm 2009 đã có 27.668 lượt thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện, triển khai được 5 dự án trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn miền núi, xây dựng cơ sở xã, phường thu hút 232 trí thức. Kết thúc dự án đã có 176 trí thức được bố trí công tác lâu dài tại cơ sở.
 
Tại tỉnh Quảng Nam từ năm 2004-2008 đã phối kết hợp với các ngành liên quan triển khai dự án đưa 180 trí thức trẻ tình nguyện về công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa ở 6 huyện vùng núi cao của tỉnh. Trong đó có 70 thanh niên tốt nghiệp đại học, cao đẳng và 110 thanh niên tình nguyện tốt nghiệp các ngành kinh tế để cùng với chính quyền địa phương giúp nhân dân nơi đây phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng chính quyền cơ sở.
 
Như vậy, tận những nơi vùng cao, biên giới, vùng sâu, xa, hải đảo, sự hiện diện của các tri thức trẻ tình nguyện đã góp phần quan trọng giúp đồng bào các dân tộc nâng cao về nhận thức, hiểu biết về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tiếp thu khoa học, kỹ thuật áp dụng vào cuộc sống sinh hoạt, lao động, sản xuất, sớm vươn lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.
 
Những tri thức trẻ tình nguyện sau thời gian cùng công tác sinh hoạt với bộ đội đã có phong cách sinh hoạt như “bộ đội”, nhiều người trong số họ có nguyện vọng thiết tha tiếp tục được cống hiến, trưởng thành, được phục vụ tiếp trong quân ngũ. Họ đã giúp đồng bào các dân tộc ý thức sâu sắc rằng: Muốn thoát khỏi đói, nghèo, lạc hậu, trước hết cần học tập, xoá cái “nghèo” trong nhận thức, kiến thức và cách thức làm ăn. Đó chính là “chìa khoá” để giúp bà con thoát khỏi cánh cửa nghèo nàn, lạc hậu, đi tới tương lai tươi sáng hơn.
 
Theo VGP

.