Nagasaki tổ chức tưởng niệm 75 năm thảm họa bom nguyên tử

08:08, 09/08/2020
.
Ngày 9-8, thành phố Nagasaki (Nhật Bản) tổ chức lễ tưởng niệm 75 năm ngày Mỹ thả trái bom nguyên tử cuối cùng được sử dụng trong chiến tranh xuống đây.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dâng hoa tưởng niệm các nạn nhân thảm họa bom nguyên tử tại Nagasaki - Ảnh: AFP
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dâng hoa tưởng niệm các nạn nhân thảm họa bom nguyên tử tại Nagasaki - Ảnh: AFP
Những người sống sót, người thân của họ và một số quan chức nước ngoài đã có mặt tại buổi lễ tưởng niệm và cùng lên tiếng kêu gọi hòa bình thế giới.
 
Những người tham gia cầu nguyện trong im lặng vào đúng 11h02 sáng ngày 9-8, theo giờ địa phương. Đây là thời gian trái bom nguyên tử thứ 2 và cuối cùng sử dụng trong thời chiến được thả xuống thành phố này, theo Hãng tin AFP.
 
Số lượng người tham gia lễ tưởng niệm năm nay chỉ còn 1/10 so với những năm trước vì dịch bệnh COVID-19. Toàn bộ buổi lễ được trực tiếp bằng cả tiếng Nhật và tiếng Anh. 
Tượng đài tưởng niệm nạn nhân thảm họa bom nguyên tử Nagasaki - Ảnh: AFP
Tượng đài tưởng niệm nạn nhân thảm họa bom nguyên tử Nagasaki - Ảnh: AFP
Thị trưởng Nagasaki, ông Tomihisa Taue, tuyên bố "sự kinh hoàng thật sự của vũ khí hạt nhân vẫn chưa được truyền tải đủ đến toàn thế giới", mặc cho nỗ lực của những người sống sót trong nhiều thập kỷ qua.
 
Trong bức thư gửi đến buổi lễ kỷ niệm, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (UN) Antonio Guterres cũng nhấn mạnh rằng "viễn cảnh vũ khí hạt nhân được sử dụng có chủ đích, kể cả do vô tình hoặc do tính toán sai lầm, đều rất nguy hiểm". 
 
"Tiến bộ lịch sử trong giải trừ vũ khí hạt nhân đang gặp nguy hiểm... Xu hướng đáng báo động này phải được đảo ngược", ông Guterres cảnh báo.
 
Vào thời điểm Nagasaki bị đánh bom, ông Terumi Tanaka, nay 88 tuổi, chỉ mới 13 tuổi và đang ở nhà. Ông hồi tưởng lại thời khắc mọi thứ trở nên sáng lóa và rồi cảnh tượng sau đó.
 
"Tôi thấy nhiều người bị thương và bị bỏng nặng khủng khiếp chạy đi sơ tán", ông Tanaka kể lại. Cụ ông này khẳng định tất cả những người sống sót mong muốn thể giới loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, vì "chúng ta không bao giờ muốn thế hệ trẻ trải qua điều tương tự".
 
Buổi tưởng niệm diễn ra trong bối cảnh mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên đang hiển hiện và căng thẳng Mỹ - Trung ngày một leo thang trên trường quốc tế.
 
"Tôi quyết tâm tiếp tục kêu gọi thế giới để Nagasaki là thành phố cuối cùng hứng chịu bom hạt nhân. Tôi hi vọng thế hệ trẻ sẽ nhận lấy biểu tượng hòa bình này và tiếp tục tiến lên", ông Shigemi Fukahori, 88 tuổi, người sống sót sau vụ đánh bom, phát biểu tại buổi tưởng niệm.
 
Trái bom nguyên tử đầu tiên được Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima vào ngày 6-8-1945, cướp đi sinh mạng của khoảng 140.000 người. Số người chết đã bao gồm cả những người sống sót sau vụ nổ nhưng sau đó qua đời vì nhiễm phóng xạ.
 
Ba ngày sau, Mỹ thả trái bom thứ 2 xuống Nagasaki, khiến 74.000 người thiệt mạng.
 
Sau 2 sự kiện trên, Nhật chính thức tuyên bố đầu hàng Chiến tranh Thế giới thứ II vào ngày 15-8-1945.
 
Mỹ chưa từng chấp nhận lời yêu cầu xin lỗi của Nhật Bản về sinh mạng của những người vô tội mất đi trong 2 vụ đánh bom.
 
Nhiều nhà lịch sử phương Tây tin rằng 2 vụ đánh bom là việc làm cần thiết để nhanh chóng chấm dứt chiến tranh. Nhiều người khác xem đây là hành động không cần thiết, thậm chí là tàn bạo.
 
Theo NGUYÊN HẠNH/Tuổi Trẻ Online
 

.