Tựa như một dòng sông...

09:01, 25/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, nhưng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất Ấn - Trà vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay. Nó tựa như một dòng sông luôn đầy ắp nước mát, bồi đắp phù sa ngọt lành cho đất và người Quảng Ngãi.   
 
Dòng sông Trà Khúc thơ mộng.  ẢNH:  NGUYỄN ĐĂNG LÂM
Dòng sông Trà Khúc thơ mộng. ẢNH: NGUYỄN ĐĂNG LÂM
Những cư dân đầu tiên trên đất Quảng Ngãi là người Sa Huỳnh và người Chăm. Vào đầu thế kỷ XX, các nhà khảo cổ học người Pháp (M.Vinet, Labare, H.Parmentier, M.Coloni...) đã phát hiện ở vùng đầm nước ngọt An Khê, Long Thạnh, Phú Khương (nay là phường Phổ Thạnh và xã Phổ Khánh, TX.Đức Phổ) một khối lượng lớn các mộ chum thuộc giai đoạn sơ kỳ sắt. Từ đó hình thành khái niệm văn hóa Sa Huỳnh để chỉ hệ thống các di tích tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh, kéo dài từ sơ kỳ đồng thau đến sơ kỳ sắt, phân bố từ Sa Huỳnh đến Đồng Nai, lan rộng tận nhiều vùng ở Đông Nam Á, hải đảo. Kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học từ sau năm 1975 đến nay, đặc biệt là các cuộc khai quật ở Long Thạnh, Bình Châu (Bình Sơn) và Xóm Ốc, suối Chình (Lý Sơn), Gò Quê (Bình Sơn), đã góp phần khẳng định văn hóa Sa Huỳnh là nền văn hóa bản địa, có sự tiếp biến, lan tỏa, giao thoa với các nền văn hóa trong và ngoài nước.
 
Vương quốc của người Chăm xuất hiện tiếp sau người Sa Huỳnh, tồn tại trên đất Quảng Ngãi từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XV. Thành cổ Châu Sa là thành đất của người Chăm còn tương đối nguyên vẹn. Kiến trúc - điêu khắc ở phế tích tháp Chánh Lộ hình thành một phong cách riêng mang tên “phong cách Chánh Lộ”. Bộ Linga - Yoni tìm thấy trong cuộc khai quật phế tích tháp núi Bút gần như nguyên vẹn và có trọng lượng vào loại lớn nhất Việt Nam. Văn hóa Chăm còn có thể nhận ra ở lễ hội cúng cá Ông, tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na, kỹ thuật chế tác ghe bầu...
 
Tượng tu sĩ Chăm được công nhận là bảo vật quốc gia, hiện trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.  Ảnh: LÊ HỒNG KHÁNH
Tượng tu sĩ Chăm được công nhận là bảo vật quốc gia, hiện trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Ảnh: LÊ HỒNG KHÁNH
Năm 1402, dưới triều đại nhà Hồ, vùng đất nay là tỉnh Quảng Ngãi trở thành một bộ phận của quốc gia Đại Việt. Tuy vậy, phải đến sau cuộc hành binh năm 1471 của vua Lê Thánh Tông, nơi đây mới thực sự bắt đầu công cuộc khai khẩn và xây dựng một cách vững chắc với nỗ lực to lớn, kiên trì của cộng đồng các dân tộc anh em Hrê, Cor, Ca Dong và Kinh.
 
Niên hiệu Minh Mạng thứ 13 (1832), khi đã xác lập nền tự chủ vững mạnh trên dải đất kéo dài từ Cao Bằng đến tận Hà Tiên, làm chủ và khai phá vùng biển và hải đảo tiếp giáp phía đông, nhà Nguyễn tiến hành cuộc cải tổ hành chính quan trọng bậc nhất thời cận đại, chia cả nước làm 31 đơn vị hành chính - lãnh thổ, gọi là tỉnh trực thuộc chính quyền trung ương. Tỉnh Quảng Ngãi lúc bấy giờ là phần đất tỉnh Quảng Ngãi ngày nay và 2 quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Trong quá trình đấu tranh gian khổ với các trở lực thiên nhiên và xã hội, các dân tộc anh em ở Quảng Ngãi đã xây dựng và bồi đắp những truyền thống văn hóa quý báu, đó là đức tính cần cù, nhẫn nại, ham hiểu biết, đoàn kết, yêu thương, trân trọng tình làng, nghĩa xóm. Quảng Ngãi tự hào với những đóng góp to lớn về sức người, sức của trong công cuộc khai khẩn phương Nam, trong phong trào nông dân Tây Sơn mà Quảng Ngãi là Tây Sơn tả đạo, phong trào kháng Pháp với cuộc khởi nghĩa đầu tiên do Lê Trung Đình lãnh đạo (tháng 7/1885), cuộc vận động Duy Tân, phong trào kháng thuế cự sưu ở Trung kỳ đầu thế kỷ XX...
 
Từ khi có Đảng, truyền thống tốt đẹp đó lại được phát huy lên một tầm cao mới, mà đỉnh cao là chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với phong trào cách mạng 1930 - 1931 và những chiến thắng vang dội như Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ (tháng 3/1945), khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (tháng 8/1959), chiến thắng Ba Gia (tháng 5/1965), chiến thắng Vạn Tường (tháng 8/1965)... Tên tuổi những nhân vật lịch sử như Trần Quang Diệu, Trương Đăng Quế, Trương Định, Lê Trung Đình, Nguyễn Nghiêm, Trương Quang Trọng, Nguyễn Chánh, Phạm Văn Đồng… cùng với nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ, những gương nghĩa liệt, hiếu tử... đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng.
 
Nghệ nhân ưu tú Đinh Văn Trên, ở xã Sơn Thành (Sơn Hà), biểu diễn sáo tà vố.                                                           Ảnh: ĐìNH QUANG
Nghệ nhân ưu tú Đinh Văn Trên, ở xã Sơn Thành (Sơn Hà), biểu diễn sáo tà vố. Ảnh: ĐìNH QUANG
Khối óc thông minh và bàn tay khéo léo của người Quảng Ngãi còn thể hiện qua ngành nghề thủ công truyền thống như đúc đồng, làm mạch nha, làm kẹo gương, đường phổi, đường phèn, đan nón, dệt thổ cẩm... Quảng Ngãi là quê hương của những làn điệu dân ca độc đáo như hát hố, hát nhân ngãi, hò giật trì, hát múa bả trạo, hát múa sắc bùa, hát bài chòi... của người Kinh; hát ra nghé, xà ru, ca lêu, ca choi của các dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong. Ngoài ra, còn có nhiều lễ hội độc đáo như lễ cầu ngư, đua thuyền tứ linh ở miền biển; lễ về nhà mới, lễ cầu mùa... ở miền núi; cùng với kho tàng phong phú về truyện cổ, tục ngữ, ca dao.
 
Toàn tỉnh hiện có 32 di tích lịch sử - văn hóa đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có 1 di tích đặc biệt, 144 di tích cấp tỉnh, 76 địa điểm lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được đưa vào danh mục bảo vệ. Những kho tàng lịch sử - văn hóa đó tựa như một “dòng sông văn hóa” trên đất Quảng Ngãi chảy dọc dài từ non cao đến hải đảo. Từng giọt phù sa mang nội lực tinh thần kiên trung, bền bỉ của các dân tộc anh em bao đời chung lưng đấu cật, từng ngày lặng lẽ bồi đắp cho Quảng Ngãi thắm đượm tình đất, tình người.
 
NGUYÊN TÚ
 
 
 

.