Điều hay trong Hương ước trại Lâm Sơn

10:03, 12/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hương ước trại Lâm Sơn là bản hương ước Hán Nôm được chúng tôi tìm thấy tại một làng quê ở huyện Nghĩa Hành. Đây là hương ước được ban hành vào năm Bảo Đại thứ 12 (1937), có những điểm rất đặc biệt vì không tìm thấy ở các bản hương ước khác.  
[links()]
 
Chuyện về trại Lâm Sơn
 
Vào thời Đồng Khánh, trại Lâm Sơn là một trong 15 trại thuộc tổng Nghĩa Trung, huyện Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Vào năm Thành Thái thứ 2 (1890), châu Nghĩa Hành được thành lập trên cơ sở phần đất phía tây nam của huyện Chương Nghĩa cũ, bao gồm cả huyện miền núi Minh Long ngày nay và thuộc Sơn phòng Nghĩa Định. Năm Thành Thái thứ 11 (1899), Sơn phòng bị triệt bỏ, vùng đất phía tây châu Nghĩa Hành thành đồn Minh Long, vùng đất phía đông châu Nghĩa Hành thành huyện Nghĩa Hành, với các tổng Hành Thượng và Hành Trung. Vào năm Thành Thái thứ 13 (1901), các xã phía bờ nam sông Vệ lại được nhập vào huyện Nghĩa Hành, thành một tổng nữa, là tổng Hành Cận. Từ đó đến năm 1945, huyện Nghĩa Hành có 3 tổng: Hành Thượng, Hành Trung và Hành Cận, với 45 xã.
 
Bìa và một số trang trong Hương ước trại Lâm Sơn, hiện còn lưu giữ tại nhà ông Đoàn Pháp Luật, ở thôn Phước Lâm, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành).                                         Ảnh: ĐĂNG VŨ
Bìa và một số trang trong Hương ước trại Lâm Sơn, hiện còn lưu giữ tại nhà ông Đoàn Pháp Luật, ở thôn Phước Lâm, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành). Ảnh: ĐĂNG VŨ
Tên trại Lâm Sơn nay không còn. Tuy nhiên, tại đây vẫn còn một ngôi đình cổ, đó là đình Lâm Sơn, ở thôn Phước Lâm, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành). Đình Lâm Sơn được xây dựng vào thời Gia Long, lưu giữ 7 đạo sắc phong của các triều vua, từ Tự Đức đến Khải Định. Theo tài liệu lưu chiếu bằng chữ Hán tại đình Lâm Sơn thì vào thời Gia Long đã có 5 người thuộc các họ Nguyễn, Lê đến đây lập trại, đình, chùa, gồm các ông: Nguyễn Đăng Hượu, Nguyễn Đăng Phú, Nguyễn Văn Khởi, Nguyễn Văn Khấu, Lê Văn Hiên. 
 
Nội dung bản hương ước
 
Bản Hương ước trại Lâm Sơn gồm có 12 trang chữ Hán, khổ 15x 30cm, bằng chất liệu giấy dó, còn khá nguyên vẹn. Có triện của trại Lâm Sơn hình tròn dẹp đóng ở tên hương ước. Đính kèm tập hương ước này còn có 18 trang chữ Hán khác, giấy dó, cùng khổ, ghi chép danh mục các giấy tờ, khế ước, biên bản, giữa bên giao và bên nhận.
 
Hương ước trại Lâm Sơn có 9 mục. Mục thứ nhất quy định về chiếu ngồi. Chiếu ngồi trong đình làng được quy định theo phẩm hàm do triều đình ban, có danh sách liệt kê. Mục thứ hai quy định về các kỳ đại hội, sinh hoạt của Hội đồng Đại hào mục. Mục thứ ba về tế tự. Trong mục này nói về việc bầu chọn chủ bái kiêm giữ sắc phong cho bản trại; việc trích 2 sào ruộng hương dụng (dùng cho làng) lấy hoa lợi để chi dùng cho việc nhang đèn. Quy định về tế tự mỗi năm (gồm 4 lễ: Tế xuân, tống ôn, tế đông và chạp đình)... Mục thứ tư về khánh điếu, quy định 2 khoản về điếu tang và hôn thú. Mục thứ năm là việc cầm phòng (tuần phòng), có 5 khoản, gồm các động tĩnh trong trại; chống trộm cắp; bảo vệ hoa lợi; bảo vệ lâm cấm; chăm lo, gìn giữ đê đập trong trại. Trong từng việc có phân công các chức dịch trông coi cũng như xử phạt khá cụ thể. 
 
Mục thứ sáu về công ích, công lợi. Mục này có 6 khoản, gồm: Vệ sinh công cộng; sửa sang cầu đường; cứu giúp tai nạn; khuyến khích học hành; cấm thả trâu bò vào ăn ở bờ ruộng; cấm lội vào đánh bắt cá trong điền thổ có hoa lợi. Mục thứ 7 về quân cấp điền thổ. Mục thứ 8 về phân bổ sưu thuế. Mục thứ 9 về thưởng, phạt trong trại, gồm 6 khoản: Khen thưởng cho sĩ  tử trong làng đỗ bằng Yếu lược, Khóa sinh, Sơ học...; chiếu lệ trích biếu bạc cho tế xuân; xử phạt những người nào làm trái hương ước; xử phạt những người nào cuốc phá hai bên đường tư ích, hoặc đào mương nước chạy ngang; xử phạt những kẻ trộm cắp, kể cả những người có chức vụ; xử phạt con cái mà bất hiếu với cha mẹ, con em bất kính, huynh trưởng không lo việc giáo huấn...
 
Nét riêng biệt  
 
Giống như nhiều hương ước khác trong cả nước, hương ước trại Lâm Sơn không chỉ là một bản ghi chép về các điều khoản do cộng đồng dân cư tại địa phương cam kết, đồng thuận giữ gìn thuần phong, mỹ tục, bảo vệ và phát triển các mặt của đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội trong xóm làng mà còn phản ánh thực trạng đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương.
 
Như đã nói, hương ước trại Lâm Sơn  gồm 12 trang chữ Hán và 18 trang kê biên danh mục nhiều loại giấy tờ khác nhau. Việc đính kèm danh mục kê biên các loại giấy tờ, bằng sắc, chung với bản hương ước và đều gọi chung là tập Hương ước Lâm Sơn, là cách riêng của trại Lâm Sơn mà không thấy nơi nào có.
 
Các trang kê biên đều có đóng dấu, có bản giao nhận giữa cựu Hương bạ Nguyễn Mại cho Hương bạ mới là Đoàn Phục, rất cụ thể về tình trạng từng loại một, vào ngày Mùng 2 tháng 8 năm Bảo Đại thứ 9 (1933), gồm: 7 đạo thần sắc; một quyển châu bạ; một quyển sổ bạ nhân đinh; các châu bằng, lưu chiếu; bản trưng đất cát trắng; một bản xin tu bổ đình; một quyển sổ bạ điền thổ, cùng nhiều tờ cúng ruộng đất cho bản trại và nhiều văn khế bán ruộng và thuê ruộng của bản trại; một số tờ đồng thuận trích lập hương hỏa; biên bản trích xuất hoa lợi trả tiền tu sửa đình; nhiều văn khế thuê ruộng của bản trại...
 
Việc kê khai hết sức cụ thể chứng tỏ các bậc hương chức, bô lão cùng nhân dân trại Lâm Sơn không chỉ cẩn trọng với giấy tờ, văn khế, mà còn thể hiện sự trân trọng với tiền nhân, bởi đó là tài sản vật chất lẫn tinh thần của nhiều thế hệ ở trại Lâm Sơn hàng trăm năm bồi đắp, tích cóp cho con cháu đời sau.
 
NGUYỄN ĐĂNG VŨ
 
 
 

.