Truyện ngắn của
THOẠI VĂN
(Báo Quảng Ngãi)- Mùng mười Tết, những hạt mưa đêm qua làm rơi mấy cánh mai vàng nở muộn. Năm nào cũng vậy, cây mai này ra hoa đúng vào dịp Tết. Hoa năm nay nhiều và đẹp hơn năm trước, cánh to, vàng ươm một góc sân. Đấy là cây mai có nguồn gốc từ vùng cao heo hút. Cây mai gợi nhớ kỷ niệm một thời...
Lần đó, ngồi bên gốc sim già lưng chừng đèo hơn mười phút, vẫn chưa ráo mồ hôi. Còn tiết xuân mà nắng như táp lửa. Gió từ thung lũng Ruộng Gò thỉnh thoảng cố trườn qua mấy đồi tranh dưới kia rồi nghẹn lại ở đây. Nhìn đồng hồ, mới chín giờ sáng, hơn hai tiếng rồi. Hai tiếng đi bộ. Lúc tới chân đèo, sương chưa tan. Sương còn luẩn quẩn trên các ngọn cây, dưới hố sâu và cả trên đỉnh núi Eo Chim. Thầy Thành, Hiệu phó Trường Tiểu học Long Môn gạt mồ hôi cười nói:
- Nghỉ ít, rồi đi thầy ơi, đường còn xa lắm. Nghỉ lâu quá chút nữa đi không nổi đâu.
Tôi đứng dậy, lau mồ hôi. Hít thật sâu và thở mạnh. Hình như hơi thở có một phần thông qua lỗ tai! Mới lên được nửa đèo mà thấm mệt. Đèo Eo Chim cao ngất ngưởng. Thầy Thành nói đi lối này là cắt đường, tuy dốc hơi ngược nhưng ngắn hơn. Đi vòng lối kia mất cả giờ chưa tới được đỉnh đèo. Đường này, dốc đứng, mỗi bước khiến đầu gối muốn chạm vào lỗ mũi. Chợt nhớ nhà thơ Quang Dũng viết “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”. Bây giờ chúng tôi đang ngàn thước lên cao đây!
- Vì sao gọi đây là Eo Chim, thầy biết không?
Thầy Thành chỉ tay, tôi ngoái nhìn lại, xóm Ruộng Gò dưới kia những mái nhà sàn hút thẳm bé tí, lẩn khuất trong chòm cây và mù sương, con suối Tam Linh từ Hóc Nhiêu chảy ra, nhỏ như sợi chỉ ngoằn ngoèo uốn lượn qua những thửa ruộng bậc thang, lúa đã chín vàng. Hai dãy núi cao hai bên, tạo hình cánh cung rồi khép lại chỗ này như một cái eo. Thầy nói:
- Qua khỏi chỗ này là đến Làng Giữa, địa phận xã Long Môn. Theo người ta kể, ngày xưa chim từ vùng cao Long Môn, chủ yếu là chim két, đến mùa thường bay qua eo này để xuống các rẫy bắp xã Thanh An ở phía dưới kiếm ăn. Bay xuống thì dễ, nhưng bay lên vì quá cao, nhiều con mỏi cánh lụy ở đèo này. Nghe nói hồi đó người ta còn giăng lưới ở đây bắt chim một cách dễ dàng. Có lẽ vậy mà gọi chỗ này là Eo Chim.
Nghe cách giải thích của thầy cũng có lý và vui vui, chúng tôi đã vượt qua đỉnh Eo Chim và đổ dần về phía tây. Trước khi vào Làng Giữa, phải lội qua đoạn đường bùn sình khá dài. Nước mưa đêm qua, từ trong chân núi chảy tràn trên đường, ẩm ướt. Những năm cuối thế kỷ hai mươi, giao thông vùng núi còn nhiều khó khăn. Phương tiện di chuyển chủ yếu là đôi chân. Người đồng bào vùng cao cũng vậy, không những đi bộ, trên lưng còn cõng theo những gùi củi, gùi chè thiệt to. Vừa đi, họ vừa nhai trầu nói chuyện, tự nhiên, vui vẻ, mũi miệng không giành nhau thở như tôi. Tôi hơi mệt, nhưng cảnh sắc ở đây ít nhiều đã cuốn hút lòng người. Cuối tháng hai, hoa gạo nở. Hoa nở đỏ một góc rừng. Màu đỏ nổi trên nền xanh thẫm, tạo nét chấm phá như có bàn tay sắp xếp của thế giới tự nhiên. Tôi thật sự cảm nhận được vẻ đẹp, vẻ hùng vĩ của núi rừng. Dưới các hố sâu, những khóm tre lồ ô xanh mướt vươn thẳng lên trời. Đang mải mê theo đuổi những ý nghĩ, bỗng thầy Thành chỉ tay về phía xa, thấp thoáng những nếp nhà sàn lưng chừng đồi nói:
- Ráng đi thầy ơi. Gần tới Làng Trê rồi, phía đó là Làng Trê.
Làng Trê là trung tâm xã Long Môn. Vì địa hình chia cắt, ủy ban nhân dân xã, trạm xá và trường học được xây dựng trên sườn đồi. Từ đây nhìn xuống, con đường chúng tôi vừa qua lẩn khuất trong vòm cây. Có tiếng suối chảy nghe rất gần. Ngọn núi Mum sừng sững, khói mây lờ lững trên đỉnh chóp. Sau khi thống nhất chủ trương, phương án với chính quyền địa phương, chúng tôi tiếp tục lên đường. Lúc này, có thêm người đồng hành. Một cán bộ du kích xã người Hrê được phân công đi cùng chúng tôi, nghiêng chiều, thì tới đầu Ngọn Nước. Ngọn Nước là chỗ giáp ranh giữa Làng Trê và Làng Reng. Trước mặt là dãy núi cao chót vót. Từ đây, phải vượt thêm một đèo nữa, đèo Làng Reng. Đèo Làng Reng nằm chếch về phía trái chân núi Mum. Ở đó là khu rừng phòng hộ nguyên sinh. Khả năng vượt đèo trong đêm có phần nguy hiểm, chúng tôi đành ngủ lại chân đèo sáng mai đi sớm.
Ngôi nhà sàn đơn lẻ, chênh vênh bên sườn dốc. Mé bên phải là suối sâu, cây lá um tùm, chỉ thấy những tảng đá to nhô lên từ bờ suối. Mấy cây cau chĩa ngọn lên trời, bắt đầu nở hoa. Mùi hoa cau thoang thoảng. Đêm xuống yên ắng lạ thường. Anh du kích xã, nói gì đó bằng tiếng địa phương, mà chủ nhà tiếp đãi chúng tôi rất nhiệt tình. Ông trải chiếc chiếu còn mới nguyên, đem ra một ấm nước chè đậm, mời chúng tôi. Trăng thượng tuần cố rọi những ánh sáng yếu ớt qua ngọn núi cao phía đằng đông. Trăng ở rừng rất đẹp. Sau một ngày đi bộ rã rời, tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Tỉnh dậy khi tiếng gà rừng te te gáy phía mé đồi và trời đã tờ mờ sáng.
Đèo Làng Reng thấp hơn nhiều so với Eo Chim, nhưng lối đi quá nhỏ. Chúng tôi phải men theo lối mòn, dẫm trên lớp lá khô. Những bước chân khua động làm bọn vắt đen ngóc đầu dậy ngo ngoe đánh hơi bươn tới. Chúng bám vào người, hút máu no, tự buông ra rơi xuống, để lại vết cắn máu rỉ ra không dứt. Chưa qua hết đèo, chân tôi đầy máu. Thấy tôi hốt hoảng, thầy Thành nói: “Không sao đâu, để tôi đắp thuốc cho”. Tưởng thầy có thuốc gì hay, hóa ra là miếng thuốc rê, chấm với ít bột ngọt, vậy mà cầm máu ngay. Thầy nói, đi rừng chuyện vắt cắn là thường, nên phải đem theo thứ này để phòng hờ”. Thầy làm công tác giáo dục vùng cao gần mười năm, có đầy kinh nghiệm. Tôi chân ướt chân ráo, hăng hái xung phong nhận nhiệm vụ vượt đèo, vượt suối. Chúng tôi đi qua khu rừng già, cây lá trên đầu kín bưng, không thấy ánh mặt trời. Bầy khỉ rượt đuổi nhau chí chóe trên cao, trong tiếng gió rừng xào xạc...
Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được Ruộng Cua. Ruộng Cua là xóm nhỏ có hơn mười lăm nóc nhà sàn dọc theo con suối. Nhà tựa lưng vào núi, trước mặt là những thửa ruộng bậc thang. Gió chiều thổi ràn rạt qua thung lũng rạp những lau sậy ven bờ. Đón chúng tôi là một già làng. Vứt miếng trầu đang nhai, ông mời chúng tôi lên nhà.
Lại chiếc chiếu mới được trải ra. Chốc chốc, có người đem đến một chai rượu trắng, người kia đem đến nải chuối chín vàng, người khác một con heo đen sọc dưa bằng trái chân. Vài thanh niên, đem heo ra bờ suối thui lông bằng đuốc sặt và mổ ruột. Có khách từ huyện lên, bà con quý lắm. Nhất định phải ăn gì đó, uống gì đó với họ trước khi bàn công việc. Ăn thì được, nhưng uống tôi quá dở. Bà con mời tôi “Ố lác”. “Ố lác” tiếng Hrê là uống rượu. Để tạo sự thân thiện “Ó rạ” tức là người thân, người nhà, anh em, tôi làm phép chấm ngón tay vào ly rượu và chấm lên đầu, coi như đã uống. Họ nhìn tôi cười vui vẻ. Sợ chút nữa quá chén, công việc chính không thành, tôi vào đề ngay:
- Thưa bà con, thưa các bậc cha mẹ! Theo chủ trương của Nhà nước, con em trong độ tuổi từ sáu đến mười một phải được đến trường. Nhưng vì điều kiện đi lại khó khăn, từ đây qua trường xã rất xa, các cháu nhỏ không tiện đi lại, nên ngành giáo dục huyện nhà muốn mở lớp ở đây, tạo điều kiện thuận lợi cho con em học tập. Chưa dứt lời có tiếng nói:
- Úi, cái gì chứ cái đó tốt quá đi chớ. Nhưng bà con ở đây không có xi măng, không có gạch đá làm sao mà xây cái trường cho được?
Tôi nói:
- Chuyện xây trường kiên cố sẽ có chủ trương sau, trước mắt để có chỗ cho con em học, bà con góp tranh tre, chọn địa điểm cao ráo, ta làm trường tạm bợ, ngành giáo dục sẽ phân công giáo viên về đây giảng dạy. Ý bà con sao? Có đồng tình không?
Tất cả cầm ly rượu lên đưa trước mặt, đồng thanh nói to “Đồng ý, đồng ý”. Thầy Thành nói “Vậy ta uống hết ly này, coi như là quyết tâm. Nhưng bà con ở đây giúp cho tôi danh sách các em nhỏ trong độ tuổi đi học, để chúng tôi sắp xếp lớp”.
- Dễ mà. Ai ngồi đây cũng có con hết. Ở đây có mười sáu nóc nhà. Hơn hai mươi cháu trong độ tuổi đến trường. Thầy Thành nói:
- Thì biết vậy, nhưng đi học phải có tên, có tuổi mới làm danh sách, mới ghi vào học bạ được. Cháu nào chưa có khai sinh, chịu khó lên xã, gặp bộ phận hộ tịch để đăng ký khai sinh.
- Cái đó thầy khỏi lo, chúng tôi biết hết rồi mà. Có đầy đủ hết thầy ơi. Cái khó nhứt là học con chữ thôi. Con chữ khó lắm! Như tui đây học hết lớp ba, để lâu quá nên quên mất.
Tôi chốt lại thời gian, địa điểm, quy cách lớp học ghi vào giấy biên bản giao cho già làng.
Coi như nhiệm vụ chúng tôi đã thành công hơn một nửa. Đêm đó, tôi ngủ lại Ruộng Cua, dự tiệc rượu với bà con và nghe hát ca lêu. Mặt trời lên, chúng tôi từ giã bà con, già làng tiễn chân một khúc đường, nài nỉ tôi cầm cho được một cái đùi heo. Từ chối kiểu nào cũng không được. Về đến trung tâm xã, tôi tặng lại cho anh du kích nói là để uống rượu cho vui. Anh bắt tay tôi thân mật.
Về cơ quan, tôi viết ngay bài bút ký lấy tựa đề “Khi con chữ lên rừng", gửi cho báo Giáo dục và Thời đại. Mấy hôm sau, đang ăn trưa ở quán cơm bụi gần chợ thị trấn. Tôi bỏ đũa đứng dậy chạy ra ngoài, mọi người nhìn theo chẳng hiểu gì. Tôi chỉ lên chiếc loa ở trụ điện ngã ba và ra dấu cho mọi người yên lặng.
Mọi người nghe rõ từng địa danh quen thuộc trong bài viết, Đài Tiếng nói Việt Nam đã chọn đọc bài bút ký của tôi đăng trên báo Giáo dục và Thời đại. Lúc đó hình như cái mặt tôi nghiênh nghiênh, lỗ mũi nở ra thì phải. Mới ăn lưng cơm mà nghe bụng no tới chiều!
Câu chuyện cũ bây giờ đã thành ký ức. Bây giờ, đường đã mở và trường mới đã xây. Chuyện vượt đèo bằng đôi chân không còn nữa.
Khi tôi về miền xuôi, lúc chia tay, thầy Thành bịn rịn lắm. Đem tặng tôi chậu mai làm kỷ niệm. Sáng nay, nhìn những hoa mai nở muộn, tôi nhớ lại một thời vang bóng đã qua.../.