Nghĩa vợ, tình chồng

02:08, 20/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sáng sớm, Nga đã chạy sang nhà bà Duyên, cô ngó nghiêng.  “Ông ấy đi rồi hả mẹ?”, Nga hỏi với ra vườn khi không thấy bóng dáng ông Quang đâu.“Đi từ sớm rồi. Thế mày sang có việc gì đấy?”, cặm cụi nhổ đám cỏ dại đang chen chân vào mấy chậu rau muống, bà Duyên hỏi lại con gái.

Nga phủi chân rồi ngồi lên tấm phản đặt trước hiên nhà rồi chậc lưỡi bảo mẹ, “hay con với mẹ sang nhà con đấy xem thế nào rồi nói cho nó ra ngô ra khoai. Chứ... cứ để mãi thế, ai mà coi cho được”.

Không biết bà Duyên có nghe rõ lời con gái không mà mãi không thấy trả lời. Thoáng chốc, nắng đã vụt lên đầu ngọn tre mà bà vẫn vạch từng ngọn rau để xem xem mình có nhổ sót tí cỏ nào không. Thấy mẹ mình chẳng có chút động thái nào, Nga đành lủi thủi đi về.

Ngồi thừ người trước đám rau. Bà Duyên tự nói với mình, “hay mình cứ sang đấy nói chuyện với cô ấy. Mà nói chuyện gì đây? Cô trả chồng cho tôi ư?...”. Rồi bà lắc đầu, bước vào nhà chuẩn bị bữa trưa.


Xấp xỉ 60 tuổi, bà Duyên vẫn còn rất khỏe mạnh. Không đẹp nhưng như cái tên của bà, sự duyên dáng của người phụ nữ thôn quê chân chất dấu trong đôi mắt hay cười, vóc dáng nhanh nhẹn, hoạt bát. Lấy chồng, sinh được hai người con gái, ông Quang chưa bao giờ thúc ép bà phải đẻ cho được thằng con trai nối dõi, nên bà cũng ngừng đẻ để lo chuyện làm ăn. Vợ chồng bà xây dựng cơ ngơi trên đất Mộc Châu, với bạt ngàn ngô khoai, mùa trái nào buôn thức nấy, làm ăn có tiếng chỉnh chu nên người trong vùng đều quý mến. Giờ cuộc sống khá giả, con cháu đề huề cả, những tưởng như vậy là viên mãn rồi. Ai ngờ...

Bà bảo, đúng là đời bà chưa trải chữ “ngờ” nên giờ đây đời cho bà “nếm thử”. Ai cũng bảo bà điên, nếm với trải cái gì, cái ngữ ấy thì vứt đi cho rồi, cần gì đến nữa. Bà cười cười...

Họp gia đình. Anh chị em nhà bà 7 người, nhà ông Quang 11 người kéo lên ngồi chật kín cả nhà. Ông Quang đã đi đâu mất. Bà Duyên ngồi trên chiếc ghế con ở giữa nhà. Mọi người trút câu hỏi lên đầu bà, dồn dập. “Mình có làm gì sai đâu mà như đang bị hỏi cung thế nhỉ?”, bà tự nhủ.

Ai đó nói, “thế cô định thế nào? Cần chúng tôi giúp sức sang nhà đấy đánh cho nó một trận thì cô nói chúng tôi một tiếng”.
“Đánh là đánh thế nào? Phải báo công an lên lập biên bản, giam nó vào tù đi”.
“Vợ chồng cô đã làm đơn ly hôn chưa? Tài sản phân chia thế nào?”
“Bỏ cho rồi chị ạ. Cái ngữ ấy thì còn giữ làm gì cho nhọc người. Rồi lại ngựa quen đường cũ thôi”.
...
Ồn ào, lao xao. Cả một buổi trôi qua mà không có ý kiến chung nhất nào được đưa ra. Những câu hỏi chỉ nhằm thỏa mãn cơn tò mò của mọi người, lơ lửng trên đầu mà không có lời đáp lại. Bà Duyên vẫn chỉ cười...

Ba tháng. Lời ong tiếng ve theo bà Duyên từ đầu ngõ nhà mình ra đến chợ, về tận quê nhà bà. Bà im lặng.

Sáu tháng. Ông Quang vẫn về nhà đều đặn ăn cơm. Biết mình sai nên ông đi nhẹ, nói khẽ khi về đến nhà. Từ dạo bà phát hiện ông qua lại với người phụ nữ khác, ông và bà chưa nói với nhau lời nào. Cơm canh bà lo đầy đủ, nhưng vắng tiếng bà tâm sự chuyện chợ, chuyện hàng. Bà chỉ cười khi nghe ông hỏi “sao bà không trách gì tôi”.

Chín tháng. Ông thông báo mình sắp có con trai. Bà Duyên chết lặng. Đến lúc này bà không còn cười nữa.
Câu chuyện lại được thổi bùng lên trên bàn ăn các gia đình từ đầu làng đến cuối làng. Bà Duyên vẫn một mực giữ thái độ im lặng của mình, không trách móc ông Quang nửa lời, càng khiến cho ông bồn chồn, lo lắng. Bà con, hàng xóm cũng chẳng hiểu bà muốn gì. Ai cũng đòi hỏi bà phải có thái độ rõ ràng, chuyện bà cứ ậm ờ như không phải việc của mình khiến họ khó chịu, họ tức giận thay bà.       

Một ngày cuối hè. Như thường lệ, ông Quang về nhà ăn bữa cơm chiều. Nắng xiên khoai hắt vào cánh cửa gỗ khóa trái. Bên trên cửa, chữ bà Duyên nắn nót ghi lại bằng hòn than, “ông ăn cơm ở nhà cô ấy ít hôm nhé. Cơm nào mà chẳng giống cơm nào. Tôi vào thăm con gái vài ngày”.

Vài ngày của bà Duyên kéo dài tận 3 tháng. Cô con gái ở Sài Gòn nghĩ mẹ đang buồn nên cũng chẳng hối thúc bà về sớm, có bà vào chăm cháu cũng đỡ phần nào. Rồi cũng bất ngờ như lúc đến, bà Duyên bảo, mẹ đã mua vé, mai về.
Vừa đến xuống ga, nghe tiếng gọi giật từ đằng sau, bà Duyên quay lại. Ông Quang như già đi thêm chục tuổi, lưng địu thằng con mới hơn 2 tháng đang thiêm thiếp ngủ. “Tôi chờ bà lâu lắm đấy. Sao mãi bà mới chịu về. Tôi thèm cơm bà nấu”, ông Quang trách móc. Thoáng ngỡ ngàng, rồi bà Duyên đưa tay đỡ thằng bé ôm vào lòng. Bà bảo, “Tôi chỉ chờ câu nói đấy của ông”. Rồi bà và ông cùng cười vang.

Tiếng cười của cả hai hòa vào không gian ồn ào của nhà ga, hòa cùng tiếng vọng của còi tàu ngân vang cho hành trình mới...

LI LAM


 


.