Giữ gìn nét tinh hoa của dân tộc

02:12, 20/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngoài thành công và nổi tiếng trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu Toán học, làm thơ, viết thư pháp… Thạc sĩ Toán học - Nhà sưu tập Phan Bá Trình (SN 1965), quê ở La Hà (Tư Nghĩa), giảng viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng, Ủy viên Ban chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tại Quảng Ngãi... còn có niềm đam mê sưu tập cổ vật - đá cảnh. Hiện, Phan Bá Trình đang sở hữu một bộ sưu tập với rất nhiều những kỷ vật, tác phẩm quý có giá trị.

Đối với thầy Trình, sưu tập đồ cổ là tâm nguyện muốn lưu giữ di sản Việt Nam, nét văn hóa truyền thống của cha ông từ ngàn đời để con cháu, bạn bè trong nước và ngoài nước biết đến. Mỗi kỷ vật, mỗi tác phẩm đều là “con cưng” tinh thần của thầy.

 

Nhà sưu tập Phan Bá Trình bên tủ đựng các cổ vật có từ khoảng 700 năm về trước, trong bộ sưu tập của mình.
Nhà sưu tập Phan Bá Trình bên tủ đựng các cổ vật có từ khoảng 700 năm về trước, trong bộ sưu tập của mình.


Trong căn nhà nhỏ với không gian hẹp của mình, thầy Trình dành phần lớn diện tích sắp xếp, trưng bày các hiện vật cổ vật có từ khá lâu đời. Những kỷ vật đó có ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn ở các thời đại gồm các vật dụng có liên quan đến sinh hoạt, đời sống của người Việt trong quá khứ như đồ đồng (mâm đồng, thau đồng…), gốm sứ (chén, đĩa, ly, bình...), khảm xà cừ… Tất cả được chạm khắc tinh xảo. Trong đó, có bình cổ lớn có khắc bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt có từ khoảng một ngàn năm trước.

Để có được những hiện vật quý giá, thầy Trình đã phải kỳ công mày mò, tìm kiếm, trao đổi, thu mua… ở khắp nơi: Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, các tỉnh miền Tây, các tỉnh Tây Nguyên… từ nhiều nguồn như qua bạn bè, sách báo, internet. Đặc biệt là từ nguồn văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi. Thậm chí là đi mua từ những người bán phế liệu, người dân…Thầy không bỏ qua bất cứ nguồn hy vọng nào để tìm và mua cho được kỷ vật về lưu giữ. Thầy nâng niu từng kỷ vật; gìn giữ, bảo vệ chúng thật cẩn thận như những đứa con của mình vậy.

Khác với nhiều người sưu tập cổ vật vì sở thích tức thời, vì lợi nhuận… thầy Trình sưu tập cổ vật để gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa, tinh hoa của người Việt, từ đó giáo dục con cháu hướng về cội nguồn. Chính tình yêu quê hương, đất nước thẳm sâu trong tim mà thầy đã không quản công tìm tòi. Thầy xem đây là một phần sống trong cuộc đời mình, cũng là tâm nguyện suốt đời.

Ngoài sưu tập cổ vật, thầy Trình còn sưu tập đá cảnh. Đây là một thú vui nghệ thuật tao nhã nhưng đòi hỏi người sưu tập cũng phải có niềm đam mê, mắt thẩm mỹ, sự hiểu biết với nghề…Những tác phẩm đá cảnh của thầy có giá trị mang tầm lịch sử và nghệ thuật rất lớn. Chúng có từ hàng triệu năm, do trải qua quá trình biến đổi của thiên nhiên như từ núi lửa, nham thạch và các hiện tượng khác hình thành nên; do thiên nhiên, tạo hóa khắc tạo một cách tinh tế, đẹp và có ý nghĩa. Các tác phẩm đó được thầy Trình nhọc công, gian khổ, lặn lội…tìm thấy trong các cánh rừng, ở biển, ở các khe suối…

Tôi hỏi vì sao thầy lại say mê sưu tập cổ vật - đá cảnh và gắn bó với nghề? Thầy Trình tâm sự: Có lẽ đó là nghiệp duyên, niềm đam mê, tình yêu…Và điều đặc biệt, thầy muốn giữ gìn, bảo tồn di sản, nét văn hóa, tinh hoa của người Việt Nam, nhằm giáo dục con cháu nhớ về và biết ơn cội nguồn cha ông; để thế giới biết đến đất nước, con người Việt Nam…

 

Bài, ảnh: Đoàn Hiền
 


.