(Báo Quảng Ngãi)- Toàn ngành GD&ĐT đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý, giảng dạy và học tập, đảm bảo chương trình khung và nâng cao chất lượng giáo dục.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành GD&ĐT và đội ngũ giáo viên đã biến thách thức thành cơ hội để sáng tạo, linh hoạt chuyển từ giảng dạy trực tiếp sang trực tuyến, vừa đảm bảo truyền đạt kiến thức cho học sinh vừa phòng, chống dịch. Nhiều mô hình, ứng dụng dạy học trực tuyến như E-Learning, phần mềm Zoom, Google Meet, Microsoft Teams... được triển khai từ bậc tiểu học đến THPT.
Thầy Đỗ Ngọc Bích, Trường THCS Tịnh Ấn Tây (thành phố Quảng Ngãi) ứng dụng công nghệ thông tin trong tiết dạy tiếng Anh. ẢNH: TRỊNH PHƯƠNG |
Nhiều năm nay, Trường THPT Trà Bồng đã đẩy mạnh áp dụng CNTT vào quản lý, giảng dạy và học tập. Hiệu trưởng Trường THPT Trà Bồng Nguyễn Cộng Hòa cho biết, việc áp dụng CNTT giúp trường thuận lợi hơn trong quản lý. Hiện nhà trường đang triển khai thí điểm giáo án điện tử và cho học sinh thử nghiệm giấy phép qua hệ thống. Việc ứng dụng CNTT vào quản lý và hoạt động dạy học thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT.
Thời gian qua, nhiều trường học trong tỉnh được trang bị tivi, bảng tương tác... tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Thầy Huỳnh Văn Năm, giáo viên tiếng Anh, Trường THCS Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ, khi áp dụng CNTT vào giảng dạy, các tiết học khá sinh động cả về hình ảnh lẫn âm thanh. Từ đó, học sinh hiểu bài nhanh và phát âm tiếng Anh chuẩn hơn.
Tại Trường THCS Nguyễn Tự Tân (Bình Sơn), cơ sở vật chất ngày càng đảm bảo, đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Theo thầy Đỗ Ngọc Bích, giáo viên môn Toán - Tin, học tốt môn tin học sẽ giúp học sinh áp dụng CNTT tốt hơn vào các môn học khác. Thầy, cô phải chú trọng hướng dẫn học sinh thực hành kỹ lưỡng để kết thúc lớp 6, các em biết soạn văn bản. Lớp 7 học thành thạo phần mềm excel để tính toán trên máy tính. Đến lớp 8 biết lập các chương trình và lớp 9 phải biết truy cập và tạo các trang mạng, địa chỉ hộp thư điện tử...
Em Nguyễn An Nhiên, lớp 6C, Trường THCS Nguyễn Tự Tân bắt đầu tiếp cận môn Tin học từ năm lớp 3. Đến lớp 6, em Nhiên được học thêm nhiều nội dung và có thể soạn thảo văn bản thành thạo. "Bây giờ, em có thể sử dụng nguồn học liệu điện tử tốt hơn, nhờ đó việc học hỏi, mở rộng, nâng cao kiến thức được tốt hơn", em Nhiên bày tỏ.
TRỊNH PHƯƠNG