(Báo Quảng Ngãi)- Vùng đất quế Trà Bồng hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ. Trong thành tựu chung của huyện, ngành GD&ĐT đã có những đóng góp quan trọng. Nhiều thế hệ thầy, cô giáo đã dành cả tuổi thanh xuân cống hiến cho sự nghiệp trồng người trên vùng cao này.
[links()]
Gieo chữ trên đất quế
Thầy Nguyễn Hữu Danh đã có hơn 37 năm gắn bó với nghề giáo ở các xã vùng cao huyện Trà Bồng, hiện đang dạy ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Sơn Trà. Với thầy Danh, những ngày đầu trong hành trình đưa con chữ đến với học trò ở các xã vùng cao của huyện Trà Bồng là những hồi ức không bao giờ quên. Thầy Danh nhớ nhất là những ngôi nhà mà người dân cho giáo viên ở nhờ. “Khi tôi mới lên đây, trường lớp khá tạm bợ, khung cảnh rất buồn. Nhưng gắn bó rồi quen và càng thấy thương học sinh vùng cao này”, thầy Danh nhớ lại.
Thầy Nguyễn Hữu Danh - Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Sơn Trà (Trà Bồng) hướng dẫn các em học sinh trong giờ học. |
Cách đây 5, 10 năm, huyện Trà Bồng thường xuyên đối mặt với tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học giữa chừng. Tuy nhiên, những năm gần đây, các chính sách hỗ trợ cho học sinh miền núi đã góp phần giữ chân các em. Chính quyền rất quan tâm việc chuyển đổi, thành lập trường bán trú để tạo điều kiện cho học sinh theo học cái chữ. Từ năm 2015 đến nay, huyện đã chuyển đổi, thành lập 19 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và THCS. Điều này đã góp phần nâng bước học sinh đến trường.
Thầy Nguyễn Đỗ Khanh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Trà 2 cho rằng, từ khi trường có bếp ăn bán trú, có khu nội trú, học sinh nhà xa có điều kiện ăn, ở lại trường nên sức khỏe của các em được nâng lên. Thầy cô quản lý giờ giấc từ ăn ở, học tập của các em tiện lợi hơn. Nhờ đó, chất lượng giáo dục tăng lên rõ rệt.
Những thành tựu quan trọng
Đến nay, ngành GD&ĐT huyện Trà Bồng phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Nếu năm học 1994 - 1995, toàn huyện chỉ có 21 trường học, 232 lớp học, với hơn 6.600 học sinh và có hơn 30% trẻ em trong độ tuổi không được đến trường, thì đến nay, toàn huyện có 57 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT, với hơn 15,6 nghìn học sinh, 1.180 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ đạt chuẩn 100% và trên chuẩn 20%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và tốt nghiệp THCS đạt từ 90 - 95%. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT ngày càng cao.
Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng Đinh Thị Thu Hương, chất lượng giáo dục ở huyện năm sau luôn cao hơn năm trước và dần thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương trong huyện. Một điều đáng mừng là, thời gian gần đây, học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh luôn đoạt giải cao, thậm chí có giải nhất, giải nhì...
Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Đỗ Đình Phương nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng giáo dục, huyện đã chú trọng đổi mới phương thức giảng dạy và bám sát chương trình của Bộ GD&ĐT. Huyện luôn chỉ đạo ngành GD&ĐT tập trung hỗ trợ cho học sinh, nhất là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, huyện luôn ưu tiên các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học. Chỉ tính riêng giai đoạn 2015 - 2020, huyện Trà Bồng đã xây mới 120 phòng học kiên cố, 26 phòng chức năng, 174 phòng hành chính quản trị và 17 phòng hỗ trợ học tập... Cơ sở vật chất trường lớp ngày càng khang trang, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Đến nay, huyện Trà Bồng có 17/57 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia...
Bài, ảnh:
NHỊ PHƯƠNG