(Báo Quảng Ngãi)- Đầu tháng 10 vừa qua, tỉnh đã mở 2 lớp bồi dưỡng kỹ năng dạy học và sư phạm nghề cho đội ngũ nhà giáo dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của công tác này là nhằm, hướng đến chuẩn hóa về tiêu chuẩn kỹ năng nghề, kết hợp với việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 quy định, nhà giáo dạy trình độ sơ cấp nghề phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên, hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề. Nhằm từng bước chuẩn hóa, Sở LĐ-TB&XH đã mở các lớp bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cần thiết cho giáo viên dạy nghề, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề. Qua những lớp đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần trang bị những kỹ năng cơ bản, những kinh nghiệm cho đội ngũ giáo viên dạy nghề.
Một lớp bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên dạy nghề. ẢNH: X.HIẾU |
Chị Nguyễn Thị Tuyết Linh- Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trà Bồng tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nghề, chia sẻ: “Thời gian qua, tôi cập nhật kiến thức và kỹ năng sư phạm chủ yếu thông qua việc tự rèn luyện. Tuy nhiên, kinh nghiệm đứng lớp, nhất là trong giảng dạy nghề cho đối tượng lao động nông thôn không giống với học sinh. Khi học lớp nghiệp vụ này, tôi được hướng dẫn các kỹ năng sư phạm, cách thức truyền đạt kiến thức cho từng đối tượng học viên sao cho dễ hiểu, cách phối hợp truyền đạt lý thuyết gắn với thực hành... Tất cả kỹ năng đó đều có giá trị thực tiễn, giúp tôi có những bài giảng thiết thực hơn”.
Phụ trách truyền đạt các bài giảng cho giáo viên dạy nghề lần này là giảng viên Võ An Hải- Khoa Sư phạm kỹ thuật (Trường Đại học Vinh). Trên cơ sở khảo sát ý kiến của học viên, ông Hải đã tổng hợp và xây dựng các bài giảng đa dạng và phù hợp với từng đối tượng học viên, mang lại nhiều kiến thức bổ ích. “Cái khó là thời gian của lớp bồi dưỡng khá ngắn, chỉ trong vòng 5 ngày. Trong khi đó, mỗi học viên đến lớp đều mang theo một hoặc nhiều nguyện vọng về những kỹ năng sư phạm, kỹ năng truyền đạt mà họ còn yếu, hoặc muốn cập nhật thêm. Chính vì thế, tôi cố gắng dung hòa giữa các mong muốn của 35 học viên, nhằm đảm bảo cho họ có được những kiến thức mới, bổ ích nhất sau khi kết thúc khóa học”, ông Hải chia sẻ thêm.
Theo Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH) Nguyễn Việt Hùng, tỉnh rất quan tâm đến việc chuẩn hóa, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho nhà giáo dạy nghề sơ cấp. Tổng kinh phí bố trí cho công tác bồi dưỡng khoảng 120 triệu đồng từ ngân sách tỉnh. Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, để tham mưu UBND tỉnh mở tiếp các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên nghề, nhằm chuẩn hóa đội ngũ này. “Trong việc mở lớp, chúng tôi lựa chọn kỹ lưỡng các đơn vị giảng dạy có uy tín trong và ngoài tỉnh như Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Đại học Công nghiệp TP.HCM... nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, góp phần đảm bảo chất lượng của công tác đào tạo nghề”, ông Hùng trao đổi.
Thời gian qua, công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên nghề luôn được các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh quan tâm đầu tư, thực hiện có hiệu quả. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, hiện tổng số giáo viên dạy nghề cơ hữu và tham gia đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 538 người. Trong đó có 413 lượt giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm... Việc thực hiện chế độ giờ giảng, các chế độ, quyền lợi về lương, thưởng và các chế độ khác đối với nhà giáo về cơ bản được các cơ sở đào tạo nghề thực hiện tốt.
VŨ YẾN