Chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục

01:08, 28/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích tại hội nghị tổng kết năm học 2014-2015, triển khai nhiệm vụ năm học 2015-2016 diễn ra vào sáng 26.8. Nhiều đại biểu cũng đã bày tỏ tâm huyết, nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.

TIN LIÊN QUAN

Cần khắc phục hạn chế   

Qua báo cáo của Sở GD&ĐT cho thấy, trong năm học vừa qua, ngành đã tập trung thực hiện việc đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá học sinh. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường. Số lượng học sinh bỏ học giữa chừng giảm. Sở GD&ĐT cũng như các địa phương mạnh dạn luân chuyển, thuyên chuyển cán bộ quản lý, giáo viên. Cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương chủ động trong quản lý, chỉ đạo đối với lĩnh vực giáo dục...

 Năm học 2015-2016, các trường học tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện ngành GD&ĐT.
Năm học 2015-2016, các trường học tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện ngành GD&ĐT.


Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Đó là tình trạng HS  bỏ học vẫn còn ở mức cao, nguyên nhân chủ yếu do học yếu. Một số đơn vị còn nhiều phòng học nhờ, học tạm, học ghép nên chưa thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Tỷ lệ trẻ em suy sinh dưỡng vẫn còn cao, nhất là ở các huyện Tây Trà, Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Tây...

Một số cán bộ quản lý vi phạm trong quản lý, điều hành và một số GV chậm đổi mới phương pháp. Theo nhận định của Sở GD&ĐT, chất lượng giáo dục chưa thật sự bền vững, HS yếu vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, chưa thật sự phát huy tính chủ động, sáng tạo của HS. Tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi vượt cấp vẫn còn nhiều và ngày càng tăng. Tại hội nghị, ông Đoàn Dụng-Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị thủ trưởng các cơ sở giáo dục phải giải quyết dứt điểm những tồn tại ở đơn vị để tập trung chăm lo có hiệu quả công tác đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích cho rằng: “Ngành giáo dục đã có sự chuyển biến trong cách nghĩ, cách làm, chất lượng giáo dục ở tỉnh ta có sự chuyển biến theo hướng thực chất hơn”. Tuy nhiên, theo đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thì vẫn còn nhiều trăn trở trong thực hiện công tác đổi mới ngành giáo dục. “Dạy và học như thế nào thì mục đích cuối cùng là để học sinh phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ, là dạy người, dạy chữ, dạy nghề. Làm sao cho học sinh ngày càng năng động, sáng tạo, phát triển tiềm năng, tố chất tốt đẹp… Do đó phải chỉ đạo các trường chủ động thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ chứ không chờ đợi hướng dẫn của cấp trên”, đồng chí Lê Quang Thích nhấn mạnh.

TP.Quảng Ngãi: Chưa hài lòng về chất lượng giáo dục

Ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Quảng Ngãi cho biết, trong thời gian qua lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục. Thành phố đã hoàn thành quy hoạch mạng lưới trường, lớp học đến năm 2025; đề án phát triển GD&ĐT đến năm 2030 và đề án luân chuyển cán bộ quản lý.

Trong vòng 3 năm trở lại đây, thành phố đã đầu tư cơ sở vật chất ở các trường, với tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng. Thành phố đã đạt tỷ lệ trên 50% trường học đạt chuẩn quốc gia... Thế nhưng theo ông Dũng: “Mặc dù là trung tâm của tỉnh nhưng chất lượng giáo dục chưa cao, chúng tôi vẫn chưa thật sự hài lòng”.  Minh chứng là qua khảo sát của Sở GD&ĐT, các trường ở TP.Quảng Ngãi chưa phải là tốp đầu về chất lượng, mà là ở Mộ Đức, Đức Phổ, Bình Sơn. Về cơ sở vật chất ở các xã mới sáp nhập, nhiều trường còn gặp khó khăn. Thời gian tới, TP.Quảng Ngãi sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các xã này.
 

Trao học bổng “Thủ khoa đất Quảng”
 Tại hội nghị, 4 thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia đã được tặng học bổng “Thủ khoa đất Quảng”, gồm có em Kiều Quốc Sang (Trường THPT Ba Gia) đạt 29,25 điểm khối B và 3 HS của Trường THPT chuyên Lê Khiết là em Nguyễn Thị Khánh Vân  29 điểm khối B; Phạm Ngô Thành Đạt  28,75 điểm khối A; Đặng Thanh Huy  thủ khoa tốt nghiệp của tỉnh và đạt 28,5 điểm khối B. Mỗi em được tặng 10 triệu đồng. Khi học ĐH, nếu đạt kết quả bình quân trên 7.5 thì  mỗi em sẽ được tài trợ 10 triệu đồng/năm học. Đây là quỹ học bổng do ông Nguyễn Văn Kỳ Chủng-Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thiên Việt sáng lập và tài trợ.             

Khó khăn cần tháo gỡ ở miền núi

Trao đổi về nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, ông Phạm Sơn-Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà trăn trở: “Cần phải tập trung thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú để ngăn học sinh bỏ học, đồng thời cũng là giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục”. Ông Sơn cho biết, Tây Trà xây dựng được 5 trường phổ thông dân tộc bán trú, trong đó có 4 trường đi vào hoạt động. Nhưng chỉ có ở Trường THCS Trà Thọ là đảm bảo tốt điều kiện để các em ăn, ở, còn ở các trường khác thì thiếu thốn, tạm bợ. Nhiều học sinh vẫn phải đi về trong ngày, cuốc bộ hàng chục cây số, băng rừng, lội suối mới đến được trường học…

Đây chính là trở ngại lớn, dẫn đến tình trạng nhiều học sinh ở Tây Trà đi học theo kiểu giã gạo, mà như thế sẽ khó mà nâng cao chất lượng giáo dục.

Ông Đỗ Ngọc Đức-Hiệu trưởng Trường THPT Trà Bồng thì cho rằng, cần thiết phải giáo dục cho học sinh ý thức ham học, xác định được động cơ học tập thì mới hy vọng cải thiện chất lượng giáo dục ở miền núi. Theo ông Đức thì hiện nay nhiều học sinh THPT bị chi phối bởi yếu tố bên ngoài của xã hội dẫn đến chán học. Ngành giáo dục quyết liệt chỉ đạo thực hiện đổi mới, tuy nhiên vì đối tượng học sinh như thế nên đã tạo sức ỳ trong giáo dục. “Giáo viên cần phải tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh ở miền núi, để tạo sức bật trong giáo dục”, ông Đức đề xuất.

Bài, ảnh: Phương Lý


 


.