Phụ huynh lơ là đội mũ bảo hiểm cho trẻ em

08:11, 30/11/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Theo Luật Giao thông đường bộ, trẻ em trên 6 tuổi khi ngồi trên xe gắn máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách. Quy định là thế, nhưng chẳng mấy phụ huynh quan tâm.

TIN LIÊN QUAN

Phớt lờ

Dạo một vòng các trường tiểu học vào giờ tan trường, hình ảnh dễ nhận thấy là hàng trăm học sinh ùa ra cổng trường nhốn nháo, mắt đảo ngang dọc tìm người thân đến đón. Một phụ huynh có thể đèo hai đến ba em nhỏ nhưng không em nào đội mũ bảo hiểm, thậm chí cả phụ huynh cũng thế.

Một phụ huynh tên Thiên có con học lớp 4 tại Trường Tiểu học thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) nói rất tự nhiên: “Nhà ở gần trường, đi không cho tiện chứ đội mũ bảo hiểm chi cho phức tạp. Trẻ con cảnh sát giao thông không bắt đâu mà lo!”.

Một cô giáo về hưu đang làm dịch vụ đưa đón học sinh về nhà chăm sóc, lo ăn trưa tại Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP. Quảng Ngãi) phân bua: “Tôi nhận đón học sinh về nhà cho chúng ăn trưa, chiều lại chở đi học nên một lúc phải chở bốn nhóc, thời gian đâu mà chở nhiều lần. Việc đội mũ bảo hiểm hay không là do cha mẹ các cháu. Mình đảm bảo chở các cháu an toàn là đủ rồi”.

 

Phụ huynh chở ba, học sinh không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy là hình ảnh dễ thấy khi tan trường.
Phụ huynh chở ba, học sinh không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy là hình ảnh dễ thấy khi tan trường.


Trong khi đó, nhiều phụ huynh ở Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo cho hay, khi mới có quy định họ cũng mua mũ bảo hiểm cho con đội vì sợ cảnh sát giao thông phạt. Thời gian gần đây, không ai đoái hoài nên họ cũng chẳng bận tâm.

Một số ít thì bảo rằng, biết rõ việc không đội mũ bảo hiểm cho con em là vi phạm và nhiều lần nhà trường cũng nhắc nhở, nhưng họ thấy kệ nệ vì một lúc có khi chở vài cháu, tay xách, nách mang rắc rối.

Cũng không ít phụ huynh cho rằng, đội mũ bảo hiểm ở lứa tuổi này là quá sớm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển phần xương sọ của cháu nên cho con đội mũ vải.

Chưa kể đến việc cha mẹ chở theo con nhưng lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu. Điều này vô hình dung khiến cho trẻ em lầm tưởng rằng những hành vi của bố mẹ là đúng nên bản thân cũng noi theo.

Ý thức phụ huynh là chính

Theo Luật Giao thông đường bộ quy định người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.

Theo đó, trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe gắn máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách. Luật đã rõ, nhưng chẳng mấy phụ huynh quan tâm.

Thầy Trần Quang Hiếu- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Chánh chia sẻ: Tuần nào chào cờ, nhà trường cũng tuyên truyền, phổ biến, nhắc nhở học sinh phải đội mũ bảo hiểm để tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, giảm thiểu tối đa những tai họa khi có tai nạn giao thông xảy ra. Thế nhưng vẫn còn không ít phụ huynh lơ là. Ngay cả bản thân phụ huynh cũng không gương mẫu thực hiện nên việc giáo dục ý thức cho học sinh rất khó.

 

Phụ huynh cần
Phụ huynh cần gương mẫu để xây dựng ý thức chấp hành Luật Giao thông cho con em mình.


Về phía cơ quan thực thi pháp luật, Thượng úy Lê Vũ Toàn- Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và trật tự công cộng, Công an huyện Tư Nghĩa cho biết, lâu nay việc xử phạt trẻ em trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, tuyên truyền là chính. Mấu chốt vẫn là ý thức của phụ huynh trong việc bảo vệ con em mình trước nguy cơ tiềm ẩn của tai nạn giao thông.

Thời gian qua, sự gia tăng các vụ tai nạn giao thông mà nạn nhân là trẻ em cũng gia tăng đáng kể. Mỗi năm có khoảng 12.000 người bị chết, 20.000 người bị thương do tai nạn giao thông, trong đó, nạn nhân là trẻ em chiếm khoảng 35%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông thương tâm, nhưng chủ yếu vẫn là do ý thức và nhận thức về an toàn giao thông của các bậc phụ huynh và bản thân các em nhỏ còn rất hạn chế.

Để hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông, các ngành chức năng và nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền cho các em những kiến thức thiết thực về an toàn giao thông; thường xuyên tổ chức các hình thức thi tìm hiểu về luật an toàn giao thông, thi thực hành các kỹ năng tham gia giao thông để giúp trẻ có thói quen tốt tuân thủ luật mỗi khi ra đường. Ngoài ra, các bậc phụ huynh phải luôn tự giác chấp hành, xây dựng cho con em mình ý thức tự giác chấp hành luật giao thông.


Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.