(Báo Quảng Ngãi)- Suốt 25 năm qua, cô giáo Phạm Thị Thúy (44 tuổi)-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Thủy, xã Sơn Thủy (Sơn Hà) miệt mài chăm lo cho các thế hệ học trò. Dẫu trải qua nhiều gian khó, cô Thúy vẫn một lòng thắp sáng niềm tin trong sự nghiệp trồng người.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học của Trường CĐ Sư phạm Quảng Ngãi (nay là Trường ĐH Phạm Văn Đồng), cô Phạm Thị Thúy về nhận công tác tại Trường Tiểu học và THCS Sơn Thủy. Nhà ở thị trấn Di Lăng, hằng ngày cô giáo Thúy phải đạp xe vượt qua chặng đường dài gần 30km đến điểm trường lẻ dạy học. Điểm trường chính chỉ có 4 phòng học nên phải dạy đến 3 ca (sáng, trưa, chiều). Đến tối cô giáo Thúy còn tham gia dạy chữ cho các bậc phụ huynh. Công việc vất vả nhưng tiền lương thì “ba cọc ba đồng”. Dẫu thế cô giáo Thúy vẫn quyết tâm bám trường, bám lớp, bởi lòng yêu nghề đối với cô như thể dòng huyết mạch.
Cô giáo Phạm Thị Thúy. |
“Ngày ấy, thấy giáo viên vất vả nên đến mùa thu hoạch, các bậc phụ huynh lại mang đến trường nào là bắp, khoai… biếu cho thầy cô”, cô giáo Thúy kể. Đối với giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, sự quan tâm của các bậc phụ huynh luôn là nguồn khích lệ, giúp họ bám trụ với nghề.
Cô giáo Thúy cho biết, trước đây do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nên các em phải học lớp ghép. Nhiều em 8, 9 tuổi mới được học lớp 1. Thương nhiều lắm học trò vùng cao phải chịu nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cuộc sống gia đình cũng khó khăn chồng chất khi chồng cũng đi dạy học ở các thôn của xã, một mình cô giáo Thúy cáng đáng việc chăm sóc các con. Vất vả là thế, song cô giáo Thúy không ngừng nỗ lực và đã hoàn thành xuất sắc vai trò người mẹ hiền của các con trong gia đình và cũng là người mẹ hiền của học trò ở vùng cao Sơn Thủy.
Năm 2001, cô giáo Thúy giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Thủy. Đến năm 2011 cô được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Thủy. Cô giáo Phạm Thị Thúy dốc sức mình thực hiện mục tiêu xây dựng trường lớp học khang trang. Ở điểm trường Giá Gối, từ chỗ xuống cấp trầm trọng nay đã được tu sửa. Cùng với nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước, cô Thúy đã vận động phụ huynh đóng góp ngày công để sửa trường. Cô Thúy chỉ đạo thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên của trường kết hợp vận động phụ huynh để mua sắm, trang trí phòng học cho các điểm trường lẻ.
Ở các huyện miền núi, việc vận động phụ huynh cho con em ra lớp đã là khó huống hồ là kêu gọi sự đóng góp xây dựng trường. Thế nhưng ở Trường Tiểu học Sơn Thủy, không những học sinh đến lớp đầy đủ mà nhà trường còn thực hiện tốt công tác xã hội hóa, nhất là sự ủng hộ của phụ huynh, góp phần làm cho trường lớp ngày càng khang trang, đảm bảo điều kiện dạy và học.
Với Hiệu trưởng Phạm Thị Thúy, niềm hạnh phúc lớn nhất là được nhìn thấy các em học sinh của mình thành đạt. Cô Thúy vui mừng cho biết, hiện phó chủ tịch xã, chủ tịch xã và nhiều cán bộ công chức của nhiều địa phương trên địa bàn huyện từng là học trò của cô. “Trong những năm tháng đứng trên bục giảng, điều làm cô nhớ nhất là em Đinh Văn Phít- học sinh lớp 5 đã đem gà đến biếu cô. Lúc đó cô không có nhà nên em đã ghi giấy để lại: “Cô ơi, em rất cảm ơn cô. Các bạn người Kinh mua quà và động viên cô lúc cô bị ốm.
Em là người đồng bào, em không có gì, chỉ có con gà biếu cô. Em mong cô mau khỏe…”, cô Thúy nhớ lại. Lời nhắn chất phát của em Phít khiến cô giáo Thúy không sao quên được trong cuộc đời nhà giáo. Em Phít hiện đã thành đạt và sống tại TP.Hồ Chí Minh. Cứ đến ngày nhà giáo Việt Nam, Phít lại kính tặng cuốn sổ và cây bút để tri ân cô giáo Thúy. Đối với cô giáo Thúy đây là món quà tinh thần lớn lao, động viên cô luôn nỗ lực vì các thế hệ học trò thân yêu.
Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, Hiệu trưởng Phạm Thị Thúy được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Bộ GD&ĐT tặng danh hiệu nữ nhà giáo đặc biệt xuất sắc công tác tại miền núi, hải đảo và được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Cô giáo Thúy hiện đang được đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG