Nhà bán trú dân nuôi: “Bà đỡ” cho học sinh miền núi

09:03, 05/03/2012
.

(QNg)- Hiện nay, 6 huyện miền núi của tỉnh có trên 15 trường nội trú và nhà bán trú đảm bảo cho hơn 3.000 em học sinh các cấp ở và học tập. Trong khi đó, theo thống kê của ngành giáo dục, trong năm học 2011-2012, các huyện miền núi trong tỉnh có gần 12.000 học sinh có nhu cầu ở bán trú. Do đó, việc xã hội hoá nguồn vốn để đẩy nhanh xây dựng các nhà bán trú cho các cấp học ở miền núi là yêu cầu cấp thiết, góp phần giữ học sinh bám lớp và nâng cao chất lượng giáo dục ở những vùng còn nhiều khó khăn này.

TIN LIÊN QUAN


Tây Trà là huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh. Dân số tuy không đông nhưng sống phân tán trên những địa hình phức tạp nên việc đi lại của học sinh gặp nhiều khó khăn. Ông Phạm Sơn- Phó Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà cho biết, năm học này trên địa bàn huyện có gần 1.600 em học sinh có nhu cầu ở bán trú. Tuy nhiên, do việc đầu tư chưa đồng bộ và nguồn kinh phí phân bổ cho công tác này còn hạn chế nên tỉ lệ học sinh được ở bán trú còn thấp. Những trường có bán trú thì cũng xây dựng tạm bợ, không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của học sinh. Như ở Trường tiểu học và THCS Trà Khê, đến nay vẫn chưa có nhà bán trú nên hàng ngày các em phải đi về khoảng 14 km đường núi.

 Căn phòng 15m2 này là nơi ở của 15 nữ sinh Trường tiểu học và THCS Trà Bùi (Trà Bồng).
Căn phòng 15m2 này là nơi ở của 15 nữ sinh Trường tiểu học và THCS Trà Bùi (Trà Bồng).


Vào mùa mưa, các em phải xin ở nhờ hoặc thuê nhà dân xung quanh trường để ở. "Mùa lũ năm ngoái, chúng tôi phải trích kinh phí từ ngân sách để thuê một căn nhà nhỏ chừng 50m2 của dân ở cạnh trường cho hơn 20 học sinh ở lại trong một tháng. Đồng thời hỗ trợ tiền mua gạo, thức ăn cho các em. Giáo viên của trường thì góp tiền mua mì tôm về nấu cho học sinh"- Ông Trịnh Văn Thức - Chủ tịch UBND xã Trà Khê cho biết. "Không chỉ mùa mưa lũ mà vào mùa nắng, những hôm học cả ngày, các em phải đi về hết 4 tiếng đồng hồ thì lấy đâu ra sức để học. Những em chịu đựng không nổi thì mang theo cơm trưa đến trường và ngủ tạm trên bàn học để chiều học"- Chị Huỳnh Thị Hoàng, giáo viên của trường thổ lộ.  

Em Hồ Văn Điệp, ở tổ 4, thôn Sơn 2, mong ước: "Hàng ngày em phải đi bộ hơn 1 giờ đồng hồ mới đến được trường. Mùa mưa lũ thì em phải ở nhờ nhà bạn Hồ Văn Ôn ở gần trường. Em rất mong trường có nhà bán trú để chúng em không phải vất vả đi về".Thầy Nguyễn Trí Dũng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm, nếu có nhà bán trú thì nhà trường sẽ tổ chức dạy phụ đạo cho các em nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Hơn nữa, ở gần giáo viên sẽ tiện lợi hơn cho các em trong việc học tập. Các em có thể đến hỏi trực tiếp giáo viên khi cần. Giáo viên cũng sẽ dễ dàng quản lí các em, nhất là trong tình trạng học sinh đi học "giã gạo" như hiện nay sẽ được hạn chế. Toàn trường hiện có hơn 100 em có nhu cầu ở bán trú.  

Hiện nay, huyện Tây Trà còn có hai trường chưa có nhà ở bán trú cho học sinh là Trà Khê và Trà Thọ. Trước đây, một số phụ huynh ở Trà Thọ và Trà Nam phải dựng lều cho con em ở tạm trong mùa mưa. Hiện nay, Trà Thọ chuẩn bị xây dựng trường chuẩn quốc gia nên sẽ có đề án xây dựng nhà ở bán trú riêng. Còn Trà Khê do mới xây dựng điểm trường mới vào năm 2007 nên vẫn chưa có nhà bán trú. "Việc xây dựng nhà bán trú là điều mà chúng tôi luôn mong mỏi nhằm bù đắp một phần thiếu thốn, thiệt thòi cho học sinh miền núi"- Ông Phạm Sơn- Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà, nói.

Đây cũng là thực trạng chung của ngành giáo dục các huyện miền núi trong tỉnh. Chúng tôi thật sự xót xa khi nhìn cảnh hơn 30 em học sinh của Trường tiểu học và THCS Trà Bùi (Trà Bồng) ở chung trong một căn phòng rộng khoảng 25m2, mọi hoạt động ăn, học, ngủ nghỉ đều diễn ra trong chính căn phòng này. Toàn trường có gần 330 học sinh nhưng chỉ có 95 em được ở bán trú.

"Năm 2008, Chương trình Phát triển vùng huyện Trà Bồng đã đầu tư xây dựng 2 phòng bán trú với diện tích 25m2/phòng. Trường ưu tiên cho 60 học sinh ở xa nhất, nhưng có đến 95 em có nhu cầu ở lại nên chúng tôi đã sử dụng 2 phòng học (15m2/phòng) cho những em còn lại ở tạm"- Bà Nguyễn Thị Hương - Hiệu phó bậc tiểu học của trường cho biết. Tuy nhiên các phòng này hiện tại đã xuống cấp. Điều kiện thiếu thốn là vậy nhưng các em vẫn cảm thấy rất vui vì không phải đi về trên những quãng đường xa. Em Hồ Văn Cường, học sinh lớp 7 Trường THCS Trà Bùi, kể: Nhà em ở tận thôn Quế, cách trường học hơn 20km. Mỗi lần đến trường phải mất một ngày. Mùa mưa phải nghỉ học vì lội qua 5 con suối rất nguy hiểm. Như bạn Hồ Ngọc Thái (lớp 7) trong một lần từ nhà đến trường đã bị nước suối cuốn đi nhưng may mà có người phát hiện nên bạn Thái được cứu vớt. "Nhà bán trú tuy chật, nhất là vào những hôm thời tiết nắng nóng, ngủ dậy là mồ hôi nhễ nhại, nhưng dù sao như thế cũng tốt lắm rồi. Nếu không có nhà bán trú thì tụi em sẽ không được đi học"- em Hồ Văn Cường, nói.

"Trước thực trạng trên, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã phối hợp với Báo Tuổi trẻ kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ và lồng ghép từ các nguồn vốn khác để thực hiện Dự án xây dựng nhà bán trú dân nuôi cho 6 huyện miền núi trong tỉnh. Chương trình này khi phát động đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh... Trong quý I/2012 sẽ triển khai thực hiện dự án với tổng kinh phí khoảng 7 tỷ đồng và được chia làm 2 giai đoạn. Dự kiến giai đoạn I sẽ hoàn thành trong tháng 8/2012 để chào mừng Đại hội Đoàn thanh niên tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIII"- Anh Trần Quang Tòa- Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết.

Hy vọng, với Dự án xây dựng Nhà bán trú dân nuôi do Tỉnh đoàn triển khai sẽ sớm hoàn thành, góp phần giúp học sinh miền núi Quảng Ngãi có điều kiện ăn ở, học tập tốt hơn.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.