Học trò vùng cao: Cháy bỏng ước mơ có nhà nội trú

01:12, 09/12/2011
.

(QNg)- Vượt qua cảnh sống nghèo khổ, băng qua rừng thẳm, sông sâu, học trò ở nhiều xã vùng cao Quảng Ngãi mới đến được lớp học. Con đường đến trường của các em lắm ghềnh thác chông chênh. Đối với học trò vùng cao, nhà ở nội trú luôn là ước mơ cháy bỏng.  

TIN LIÊN QUAN


Những ai đã một lần đi qua con đường "bầm trầy" ở vùng cao Quảng Ngãi, nhất là vào mùa mưa thì chắc hẳn sẽ thấm thía nỗi gian lao, vất vả và hiểm nguy mà học trò vùng cao phải trải qua. Chẳng thể hình dung đó là con đường đi hàng ngày-chỗ trơn trượt, lầy lội, chỗ sỏi đá lô nhô và lội qua không biết bao con suối, ngọn đồi hoang vu, vắng lặng. Mùa mưa này, chúng tôi có chuyến công tác lên xã Trà Thọ, Trà Lãnh (Tây Trà). Đường đi quá xấu nên chúng tôi đành để xe máy ở vệ đường và cuốc bộ. Chỉ đi một đoạn thôi, ai nấy cũng rũ cả người. Thật đáng thương và đáng phục học trò ở vùng cao nơi đây. Nhiều em ngày nào cũng đi bộ từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ để đến trường và lại cuốc bộ từng ấy thời gian từ trường về nhà. Đôi chân các em băng suối, vượt đồi, băng qua cả những hiểm nguy trên con đường đến trường.

 

Những túp lều tạm bợ của học sinh Trường THCS Trà Thọ (Tây Trà).
Những túp lều tạm bợ của học sinh Trường THCS Trà Thọ (Tây Trà).

Em Hồ Văn Toàn (học lớp 9A, Trường Tiểu học-THCS Trà Lãnh) bộc bạch: "Đường đi học khó lắm! Vượt qua 1 con suối lớn, 2 con suối nhỏ, còn đồi thì nhiều lắm chưa đếm hết". Ngày nào cũng vậy, chỉ mới 4 giờ sáng cậu bé người dân tộc Cor này đã bắt đầu hành trình cuốc bộ đến trường. Cậu bé đi học trong màn đêm gió lạnh, đi trong tiếng côn trùng rả rích bao vây.

Hồ Văn Toàn cho biết, những hôm nước lớn thì lội suối nước lên tới ngực, quần áo ướt nhẹp. Dòng nước dữ tợn ở con suối Trà Ích đã từng cuốn trôi học sinh trong mùa lũ. "Xa quá nên khi đến trường là quần áo khô luôn. Sợ nước sông, suối lớn bất ngờ lắm, nhưng phải đi học để sau này có việc làm ổn định, thoát được nghèo", Toàn nói. Chúng tôi phấn khởi khi nghe câu nói của em Hồ Văn Toàn, song lại chạnh lòng khi biết thực tế trên con đường đến trường lắm ghềnh thác chông chênh ấy nhiều học sinh "rơi rụng" dần.

Thầy giáo Lê Văn Tư-Hiệu trưởng Trường TH-THCS Trà Lãnh, buồn rầu bảo: "Năm nào cũng có học sinh bỏ học giữa chừng, còn học kiểu giã gạo thì triền miên. Năm học này học sinh bỏ học nhiều, có tới 13 em. Đi vận động các em ra lớp nhưng không thành". Suốt mấy chục năm gắn bó với công tác giáo dục ở vùng cao, thầy giáo Lê Văn Tư thấm thía cái nghèo khổ, vất vả mà học sinh đồng bào dân tộc thiểu số gặp phải. Thầy giáo Tư nuôi ước nguyện xây dựng nhà bán trú cho học sinh. Thầy giáo Tư bảo: "Tội nhất là học trò ở tổ 2 thôn Trà Lương, tổ 1 thôn Trà Ích. Các em đi bộ hơn chục cây số đường rừng núi mới đến được trường học. Đường đi nguy hiểm lắm. Có nhà ở nội trú thì các em đỡ vất vả hơn". Ước nguyện của thầy giáo Tư cũng như của hàng trăm học trò nơi đây vẫn chỉ là ước mơ cháy bỏng. Bởi hiện tại, Trường THCS Trà Lãnh còn phải mượn tạm nhà sinh hoạt của dân để làm trường học thì lấy đâu ra nhà nội trú cho học sinh.

Đến Trường THCS Trà Thọ, hình ảnh xúc động đầu tiên chúng tôi ghi nhận được là những túp lều dựng quanh trường học. Thầy giáo Trương Quang Thọ-Hiệu trưởng Trường THCS Trà Thọ, cho biết: "Đó là những túp lều dựng cho học sinh ở từ đầu năm học. Trường có 85 học sinh ở nội trú. Nhà các em ở quá xa nên phải ở lại trường. Chúng tôi cũng xót lắm khi thấy học sinh ở trong những túp lều tạm bợ thế này". Ngắm những túp lều lụp xụp, giữa mùa đông, chúng tôi cảm thấy xót xa. Các em học sinh cho biết, nhiều hôm trời mưa, lều bị dột nên ướt nhẹp quần áo và dụng cụ học tập. Giữa đại ngàn, lũ học trò co ro trong màn đêm giá lạnh.

Em Hồ Thị Lê (học sinh lớp 9, Trường THCS Trà Thọ) cho biết: "Nhiều hôm trời mưa lớn lúc nửa đêm, chúng em chạy vô trường trốn. Đứa nào cũng không ngủ, ngồi ở vỉa hè đợi tạnh mưa".  Nhà ở quá xa, nhiều em ở thôn Tre, thôn Nước Biếc cách trường học hơn 15 km đường rừng núi, không thể đi-về trong ngày, nên học trò chỉ còn cách dựng lều "theo" chữ. Em Hồ Thị Du Mỹ học sinh lớp 9 bộc bạch: "Tụi em mong có nhà ở nội trú để không phải thường xuyên đi về nguy hiểm, không phải chịu lạnh, chịu ướt".

 Để "theo" được con chữ, học trò ở Trà Thọ không chỉ khổ về chỗ ở, mà còn thiếu cái ăn. Đầu tuần các em mang gạo và rau xuống trường học. Đến giữa tuần thì phần lớn học sinh ăn cơm với muối trắng. Nhiều khi không còn cái ăn vì trời mưa, núi bị sạt lở nặng, đường về nhà bị "bít" suốt nhiều ngày liền.

Thầy giáo Thọ cho biết: "Đợt mưa lớn vừa rồi, Trường xin xã hỗ trợ gạo cho học sinh, vì đường bị sạt lở nặng các em không thể về nhà. Sợ nguy hiểm đến tính mạng học sinh, nên mỗi khi mưa lớn, nhà trường dặn các em không được về nhà hoặc đang ở nhà thì chưa nên lên trường…". Để chắp cánh ước mơ đến trường đối với học trò vùng cao là quá đỗi gian nan. Không riêng gì học trò ở vùng cao Tây Trà mà ở các huyện miền núi trong tỉnh đều gặp cảnh khó này. Để đôi chân các em “không mỏi” trên con đường đến trường, để vùng cao Quảng Ngãi tiếp cận tri thức, cần lắm sự sẻ chia của cộng đồng, xã hội. Nhà ở nội trú vẫn luôn là ước nguyện cháy bỏng của học trò vùng cao.  



 Bài, ảnh: Phương Lý


.