Nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả

05:03, 13/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Linh hoạt, chủ động, nhạy bén nắm bắt thị trường, nhiều hợp tác xã (HTX) không chỉ cung cấp sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mà còn liên kết, sản xuất bao tiêu nguyên liệu cho người dân. Nhiều HTX đã phát huy nội lực, đổi mới cả về chất và lượng khẳng định vai trò, ý nghĩa của kinh tế tập thể.
[links()]
 
Đổi mới dịch vụ
 
Điện thoại thông báo có cuộc gọi từ thành viên HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê, bà Nguyễn Thị Thu Ba (54 tuổi), ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) vội nghe máy. Khi biết có khách cần tham quan rừng dừa nước, bà Thu Ba nhanh nhẹn chuẩn bị dụng cụ. Là một trong những người ở thôn Trường Định gắn bó mật thiết với rừng dừa nước nơi này, giờ đây, ngoài công việc chèo ghe, đan lá dừa vốn đã quen thuộc, bà Ba còn đưa đón, giới thiệu cho khách về rừng dừa nước, để có thêm thu nhập.
 
Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê (TP.Quảng Ngãi) đưa khách tham quan rừng dừa nước.
Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê (TP.Quảng Ngãi) đưa khách tham quan rừng dừa nước.
Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê thành lập vào năm 2021. Thành viên là 16 hộ dân gắn bó lâu năm với rừng dừa nước. Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những hoạt động du lịch cộng đồng mà HTX dự định thực hiện bị gián đoạn. Với những tín hiệu khả quan từ đầu năm đến nay, HTX đã thực hiện kết nối để đưa khách tham quan rừng dừa nước. Không những vậy, nhiều người dân sống tại các thôn khác của xã Tịnh Khê, từ khi có dịch vụ tham quan của HTX  cũng đã có dịp ngắm nhìn rừng dừa nước của quê hương.
 
“Hợp tác xã mong muốn xây dựng hoạt động du lịch cộng đồng bài bản, chuyên nghiệp và kết nối các điểm di tích lịch sử, cảnh đẹp trong vùng để triển khai các dịch vụ chèo thuyền tham quan di tích rừng dừa nước, trải nghiệm cùng cộng đồng, ăn uống, lưu trú ở homestay. Từ những công việc quen thuộc của người dân như chèo ghe, đan lá dừa, nấu những món ăn dân dã... HTX sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch để thu hút du khách, từ đó tăng thêm thu nhập và việc làm cho các thành viên. Đó chính là hướng đi mới để người dân không còn phụ thuộc vào nghề nông mà vẫn có thu nhập trên chính quê nhà”, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê Nguyễn Văn Dũng cho hay.
 
Đáp ứng nhu cầu thị trường
 
Từng là cơ sở nhỏ sản xuất tinh bột nghệ, ông Huỳnh Sang (55 tuổi), ở phường Nguyễn Nghiêm (TX.Đức Phổ) đã chọn hướng thành lập HTX Sản xuất và Kinh doanh hàng nông sản Bốn Vân, nhằm mục tiêu mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm vươn xa hơn. Không đi theo kênh giới thiệu tại chợ truyền thống, ông Sang đưa các sản phẩm của HTX tham dự các hội chợ, triển lãm, trưng bày... để quảng bá, tiếp cận rộng rãi với khách hàng.
 
Đại diện Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh hàng nông sản Bốn Vân (TX.Đức Phổ) giới thiệu những sản phẩm của mình.
Đại diện Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh hàng nông sản Bốn Vân (TX.Đức Phổ) giới thiệu những sản phẩm của mình.
Được công nhận đạt chuẩn Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP, sản phẩm tinh bột nghệ Bốn Vân càng được nhiều người biết đến, tin tưởng và khẳng định thương hiệu trên thị trường. Trung bình mỗi năm, HTX nhập khoảng 200 tấn nguyên liệu để sản xuất. Điều đáng nói là, để xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, HTX Bốn Vân còn liên kết thực hiện vùng nguyên liệu 12ha tại các xã Sơn Tân, Sơn Lập, Sơn Liên (Sơn Tây), với giống nghệ sẻ phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, mang lại năng suất cao, đảm bảo hàm lượng curcumin. Hợp tác xã Bốn Vân đã trở thành đơn vị tiên phong trong khâu liên kết sản xuất, tiêu thụ và nhất là bao tiêu đầu ra cho người trồng nghệ. Mới đây, tại Hội nghị kết nối giao thương sản phẩm tỉnh Quảng Ngãi vào hệ thống phân phối TP.Hồ Chí Minh do Sở Công thương tổ chức, những sản phẩm của HTX Bốn Vân, trong đó có tinh bột nghệ, đã được nhiều người quan tâm, mua về sử dụng.
 
"Mỗi sản phẩm, dịch vụ cần có loại hình hoạt động phù hợp. Những sản phẩm nông sản của chúng tôi phù hợp với mô hình hoạt động của HTX. Điều quan trọng chính là phải chọn sản phẩm đáp ứng với nhu cầu, xu hướng tiêu dùng và thực hiện sản phẩm sau thu hoạch để tăng giá trị, thời gian sử dụng, hiệu quả hơn so với sản phẩm thô", ông Huỳnh Sang cho biết. 
 
Khuyến khích phát triển hợp tác xã
 
Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Mân, hiện nay có nhiều người, nhất là các bạn trẻ đã lựa chọn khởi nghiệp với mô hình HTX. Nhiều HTX đổi mới xúc tiến quảng bá, tìm đầu ra, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, trong đó nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Bên cạnh đó, sự đồng hành, quan tâm từ phía chính quyền địa phương đã góp phần trợ lực, khuyến khích các HTX phát triển.
 
Bài, ảnh: BẢO HÒA
 
 
 
 

.