(Báo Quảng Ngãi)- Một trong những nội dung quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hình thành vùng sản xuất lớn gắn với cơ giới hóa nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị cạnh tranh sản phẩm. Tuy nhiên, công tác dồn điền đổi thửa và đầu tư, ứng dụng thiết bị cơ giới hóa còn gặp khó khăn, dẫn đến kết quả thực hiện chưa đạt như mong đợi.
[links()]
Thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng như chính quyền các địa phương đã nỗ lực xây dựng và triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nông dân đầu tư mua sắm và ứng dụng cơ giới hóa phục vụ sản xuất. Bà Nguyễn Thị Linh, ở thôn Dương Quang, xã Đức Thắng (Mộ Đức) cho biết, ngoài máy làm đất và máy gặt đập liên hợp đã được sử dụng rộng rãi trong gieo sạ, thu hoạch lúa, tôi mong sẽ có nhiều loại máy móc hiện đại ứng dụng vào sản xuất để thay thế sức lao động của nông dân, như máy bay phun thuốc không người lái, vừa thuận lợi lại bảo vệ sức khỏe nông dân.
Còn bà Nguyễn Thị Hạnh, ở thôn An Hòa Nam, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) cho rằng, từ khi có máy quấn rơm, máy cắt và tạo bánh cỏ, tôi không còn lo lắng chuyện thiếu thức ăn cho bò trong mùa mưa lạnh. Rơm, cỏ sau khi quấn có thời gian bảo quản lâu nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, giúp người nuôi bò thuận lợi và chủ động trong chăn nuôi.
Ứng dụng cơ giới hóa chỉ mới tập trung ở khâu làm đất và thu hoạch lúa, chưa mở rộng ra nhiều khâu chăm sóc trên nhiều đối tượng cây trồng. |
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phổ Thuận (TX.Đức Phổ) Phạm Văn Dậy cho biết, nhu cầu sử dụng các phương tiện, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp của nông dân ngày càng cao, HTX rất muốn đầu tư phát triển dịch vụ. Tuy nhiên, chi phí đầu tư lớn, trong khi HTX không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng vì không có tài sản thế chấp. Hợp tác xã đã xây dựng phương án kinh doanh dịch vụ cung ứng và cho thuê máy bay phun thuốc không người lái, máy cắt và cuộn cỏ, các cơ sở sản xuất cũng đồng ý hỗ trợ cung ứng sản phẩm qua các chính sách bán hàng hấp dẫn. Thế nhưng, nguồn vốn lưu động của HTX hạn chế, ngân hàng không cho vay nên HTX không thể thực hiện phương án này.
Ngoài ra, khó khăn của việc ứng dụng cơ giới hóa chính là vùng sản xuất nhỏ lẻ, lại “nhiều bờ, nhiều thửa”. Từ năm 2020 đến nay, do thiếu nguồn lực nên các địa phương trong tỉnh đã dừng thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, do vậy nhiều vùng sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Đối với việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; trong đó có quy định hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân mua máy sản xuất nông nghiệp. Chính sách này tuy hấp dẫn, nhưng để đến được đối tượng thụ hưởng không phải dễ dàng, vì vướng các thủ tục, điều kiện ràng buộc...
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Ngô Văn Thanh, cùng với việc khơi thông nguồn vốn, cần phải đào tạo kỹ năng, kỹ thuật sử dụng và quản lý trang thiết bị, máy móc cho thành viên HTX, những cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ. Ngoài ra, việc đầu tư cho cơ giới hóa phải gắn với cơ sở hạ tầng, nhất là dồn điền đổi thửa phải được thực hiện một cách đồng bộ và liên tục nhằm phát huy vai trò và hiệu quả của máy móc, thiết bị nông nghiệp. Việc ban hành và thực thi các chính sách của Nhà nước cần kịp thời, mức hỗ trợ phù hợp với giá cả thị trường nhằm tạo động lực cho người dân, HTX đầu tư máy móc công suất lớn phục vụ sản xuất.
Bài, ảnh:
MỸ HOA