Khởi nghiệp với xưởng sản xuất tàu hủ ky

10:02, 24/02/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chị Lê Thị Hiền, ở thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) khởi nghiệp thành công với mô hình sản xuất tàu hủ ky. Các sản phẩm tàu hủ ky do cơ sở của chị Hiền sản xuất đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố.
 
[links()]
 
Sau khi tốt nghiệp trung cấp kế toán, chị Hiền đi làm ở một số nơi để tích lũy kinh nghiệm. Năm 2016, vợ chồng chị mở cơ sở kinh doanh hoa, cây cảnh. Năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ hoa, cây cảnh giảm sút, nên vợ chồng chị tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. “Các thành viên trong gia đình tôi đa phần đều ăn chay trường. Mẹ tôi bán thực phẩm chay. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, đồ chay được người tiêu dùng sử dụng, nhất là món tàu hủ ky. Vì vậy, tôi bắt đầu tìm hiểu và kinh doanh món tàu hủ ky”, chị Hiền chia sẻ.
 
Chị Lê Thị Hiền thực hiện các công đoạn sản xuất tàu hủ ky.
Chị Lê Thị Hiền thực hiện các công đoạn sản xuất tàu hủ ky.
Chị Hiền cho biết, tàu hủ ky hay còn gọi váng đậu, làm từ đậu nành. Trong quá trình nấu đậu hủ thông thường sẽ vớt lấy lớp váng mỏng xuất hiện trên bề mặt nồi sữa đậu để làm thành tàu hủ ky. Lớp váng này có chứa rất nhiều đạm và chất béo nên tốt cho sức khỏe. Nguyên liệu này dùng để chế biến rất nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng. “Làm đậu hủ ky đòi hỏi phải có kỹ thuật, quy trình khắt khe, nếu không sẽ bị hỏng. Tôi tự động viên mình phải cố gắng, vì nếu dễ dàng thì nhiều người đã làm và thành công. Tiền đầu tư mua sắm máy móc, dây chuyền sản xuất rất tốn kém. Tàu hủ ky có thị trường tiêu thụ rộng, nên vợ chồng tôi quyết tâm mở xưởng sản xuất. Đến tháng 8/2022, xưởng sản xuất tàu hủ ky của vợ chồng tôi chính thức đi vào hoạt động”, chị Hiền kể.
 
Cứ tưởng sau khi học nghề vững, đầu tư dây chuyền hiện đại thì mọi việc sẽ ổn thỏa, nhưng khi bắt tay vào sản xuất, chị Hiền liên tiếp gặp thất bại. Sản phẩm làm ra không đạt chất lượng. “Gần 3 tháng liền, vợ chồng tôi làm hỏng hơn 1 tấn đậu nành. Tàu hủ ky làm ra không dai, chỉ có thể mang cho bò uống. Thế nhưng không nản lòng, vợ chồng tôi tìm cách khắc phục dần, sai đến đâu sửa đến đó. Đến tháng 12/2022, chúng tôi mới thật sự thành công với việc sản xuất tàu hủ ky. Tàu hủ ky làm ra có màu vàng ươm,  cùng với mùi thơm từ đậu nành và có độ giòn, làm ra đến đâu bán hết đến đó. Không chỉ bán trong tỉnh mà cơ sở của tôi còn cung cấp tàu hủ ky cho một số tỉnh lân cận. Trung bình mỗi tháng tôi xuất bán gần 1 tấn tàu hủ ky với giá khoảng 60 nghìn  đồng/kg”, chị Hiền cho hay.
 
Hiện cơ sở sản xuất của chị Hiền tạo việc làm cho 3 lao động sơ chế nguyên liệu đậu nành. Còn việc nấu, làm ra tàu hủ ky thì đều do vợ chồng chị Hiền đảm nhận. Chị Hiền cho biết, công việc làm tàu hủ ky mất nhiều thời gian, kỹ thuật khó nên chúng tôi vẫn đang trong quá trình tìm lao động để dạy nghề. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất để cung cấp thêm nhiều sản phẩm cho thị trường.
 
Bài, ảnh: H.THU
 
 

.