Phục hồi kinh tế, ổn định cuộc sống người dân

09:02, 24/02/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình (Nghị quyết số 11), Quảng Ngãi đã tập trung hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và triển khai đầu tư các công trình phục vụ dân sinh.
 
Năm 2023 là năm cuối cùng thực hiện chương trình này, vì vậy, Quảng Ngãi đang tiếp tục khơi thông dòng vốn, tận dụng tốt các cơ hội, để khôi phục phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) trên địa bàn.
 
Chương trình ý nghĩa
 
Nghị quyết số 11 ra đời có ý nghĩa rất lớn. Thông qua các chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực, nghị quyết đã góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đối với Quảng Ngãi, chương trình này tạo cơ hội để sớm phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Đây là nghị quyết gồm các chính sách ngắn hạn, chưa từng có tiền lệ, chủ yếu thực hiện trong 2 năm (2022 - 2023). Đối tượng thụ hưởng cũng rất đặc biệt, bao gồm người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế. Vì thế, việc triển khai thực hiện nghị quyết cũng mang tính cấp bách và Quảng Ngãi đã vào cuộc với quyết tâm cao, tạo ra những kết quả quan trọng.
 
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Hà giải ngân nguồn vốn ưu đãi từ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Hà giải ngân nguồn vốn ưu đãi từ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ đã bố trí tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình Phục hồi và phát triển KT - XH gần 228 nghìn tỷ đồng cho các địa phương, bộ, ngành để thực hiện các chính sách hỗ trợ, gồm cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), hỗ trợ lãi suất, tiền thuê nhà, giảm thuế, phí là 80,8 nghìn tỷ đồng và chi đầu tư phát triển 147 nghìn tỷ đồng. Riêng Quảng Ngãi, nguồn vốn được Chính phủ bố trí thực hiện chính sách hỗ trợ và chi đầu tư phát triển khoảng 1.100 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, Quảng Ngãi đã giúp các đối tượng thụ hưởng có cơ hội phục hồi kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống. 
 
Đưa vốn ưu đãi đến người dân, doanh nghiệp
 
Tổng nguồn vốn Ngân hàng CSXH Việt Nam bố trí cho Ngân hàng CSXH tỉnh ban đầu để thực hiện chương trình này trên 586 tỷ đồng (năm 2022 gần 271 tỷ đồng; năm 2023 hơn 315 tỷ đồng). Sau đó, Quảng Ngãi đề nghị bổ sung thêm 7 tỷ đồng để cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập (2 tỷ đồng), cho vay thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP) là 5 tỷ đồng.
 
Phối cảnh Trung tâm Y tế TX.Đức Phổ sau khi được cải tạo, nâng cấp từ nguồn vốn Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phối cảnh Trung tâm Y tế TX.Đức Phổ sau khi được cải tạo, nâng cấp từ nguồn vốn Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả cho vay các chương trình ưu đãi theo Nghị quyết số 11 đến ngày 31/12/2022 trên địa bàn Quảng Ngãi đạt hơn 267 tỷ đồng, với 5.634 lượt hộ vay. Trong đó, cho vay giải quyết việc làm gần 202 tỷ đồng, với 4.185 hộ; cho vay học sinh, sinh viên (HSSV) mua máy tính, thiết bị học trực tuyến gần 11 tỷ đồng (1.082 HSSV); cho vay nhà ở xã hội trên 41 tỷ đồng (110 hộ); cho vay cơ sở giáo dục gần 5 tỷ đồng (61 khách hàng); cho vay phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 9 tỷ đồng (196 khách hàng). Tăng trưởng dư nợ các chương trình theo Nghị quyết số 11 hiện là 211 tỷ đồng; gồm cho vay giải quyết việc làm 150 tỷ đồng, cho vay HSSV mua máy tính, thiết bị học trực tuyến gần 11 tỷ đồng, cho vay mua nhà ở xã hội khoảng 37 tỷ đồng, cho vay cơ sở giáo dục gần 5 tỷ đồng.
 
Theo đánh giá của Ngân hàng CSXH tỉnh, đạt được kết quả này là nhờ sự phối hợp của các đơn vị, địa phương liên quan trong việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến, triển khai các chính sách và phối hợp rà soát nhu cầu vay vốn, đề nghị bổ sung nguồn vốn kịp thời. Các địa phương kịp thời phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng, làm cơ sở triển khai thực hiện hỗ trợ và cho vay ngay sau khi UBND tỉnh có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện. Năm 2023, dự kiến các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11 khoảng 227 tỷ đồng. Hiện tỉnh đang chỉ đạo các ngân hàng và địa phương phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tổ chức triển khai giải ngân nguồn vốn này.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh Võ Phiên cho biết, đây là chương trình rất ý nghĩa đối với Quảng Ngãi. Tỉnh đang kiến nghị trung ương tăng nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, để có điều kiện, đảm bảo nguồn vốn, đáp ứng cho người dân khôi phục, tái đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống.
 
Đầu tư nhiều công trình quan trọng
 
Năm 2023, Quảng Ngãi được trung ương bố trí hơn 3.000 tỷ đồng đầu tư công trình, dự án; trong đó có hơn 560 tỷ đồng thuộc nguồn vốn Chương trình Phục hồi và phát triển KT - XH. Để có thể giải ngân hết nguồn vốn này trong năm 2023 - năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết số 11, Quảng Ngãi đã tính toán, lựa chọn công trình sát với mục tiêu của chương trình, đảm bảo tạo sức lan tỏa của chủ trương này đến cộng đồng. Sau đó, tập trung lập dự án, hoàn thiện thủ tục, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng khởi công dự án khi được trung ương bố trí vốn.
 
Khởi công xây dựng Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh, tại xã Tịnh Sơn từ nguồn vốn Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Khởi công xây dựng Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh, tại xã Tịnh Sơn từ nguồn vốn Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Quảng Ngãi dành phần lớn nguồn vốn này để đầu tư xây dựng mới Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm (TX.Đức Phổ), với tổng mức đầu tư mỗi cơ sở y tế này dự kiến là 100 tỷ đồng. Đồng thời, đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng và mua sắm thiết bị cho 4 trung tâm y tế các huyện: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức và TX.Đức Phổ, với tổng nguồn vốn 137 tỷ đồng. Mục đích nhằm góp phần nâng cao năng lực, chất lượng khám và chữa bệnh tuyến huyện, giảm tình trạng quá tải cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến trên, giảm chi phí khám, điều trị cho người bệnh, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân. Số kinh phí còn lại, tỉnh dự kiến xem xét đầu tư hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, thiết thực giúp nông dân trong tỉnh nâng cao năng suất cây trồng, tạo thu nhập, từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
 
Hiện tại, các đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án thuộc nguồn vốn Nghị quyết số 11 đang tích cực chuẩn bị đầy đủ điều kiện để khởi công xây dựng trước ngày 30/6/2023 và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 

.