(Báo Quảng Ngãi)- Rừng phòng hộ ven biển không chỉ chắn gió, chắn cát mùa nắng nóng, mà còn hạn chế tình trạng xâm thực và sạt lở bờ biển trong mùa mưa bão, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản, đất sản xuất của người dân. Tuy nhiên, đến nay nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển bị thiệt hại do bão số 9 năm 2020 vẫn chưa được khôi phục.
[links()]
Rừng dương liễu chạy dọc ven biển ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) từng được xem là “hàng rào xanh” đẹp nhất khu vực ven biển của tỉnh. Rừng dày, cây lớn xanh tốt đan xen vào nhau tạo thành bức tường vững chắc, giúp việc ngăn cát, chắn gió hiệu quả, góp phần bảo vệ nhà cửa và đất sản xuất của người dân. Tuy nhiên, bão số 9 năm 2020 đã làm hàng nghìn cây dương liễu bị bật gốc, gãy đổ. Chính quyền và người dân địa phương đã nỗ lực chăm sóc, hy vọng sẽ khôi phục lại khu rừng. Tuy nhiên, số lượng cây ngã đổ, bật gốc quá lớn, việc chăm sóc khôi phục rừng gặp nhiều khó khăn.
Rừng ngập mặn bàu Cá Cái, xã Bình Thuận (Bình Sơn) phát triển tốt sau thời gian được trồng mới, phục hồi. |
Còn tại rừng phòng hộ ven biển ở xã Đức Minh (Mộ Đức), trong bão số 9 năm 2020 nhiều cây dương liễu bị gãy đổ. Ông Nguyễn Văn Lan, ở thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh cho biết, mặc dù đã cố gắng chăm sóc nhưng chỉ tái sinh được số ít cây gãy ngang thân, còn những cây bị bật gốc không sống được. Rừng thưa khiến cát bay vào vườn, gió lùa vào nhà. Rất mong cơ quan chức năng có biện pháp trồng dặm để khôi phục lại rừng dương liễu, giúp chắn gió, chắn cát, hạn chế sạt lở và xâm thực để người dân yên tâm sinh sống và sản xuất.
Trong bão số 9 năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 11 nghìn héc ta rừng dương liễu phòng hộ ven biển của tỉnh (chiếm 60% diện tích) bị gãy đổ, bật gốc. Song, đến nay việc khôi phục chỉ dừng lại ở việc chăm sóc tái sinh cây bị gãy ngang, chưa triển khai trồng bổ sung. Phó Trưởng phòng Kinh tế TX.Đức Phổ Bùi Một cho biết, đơn vị đã xây dựng phương án trồng dặm, bổ sung để sớm khôi phục 200ha rừng dương tại 4 xã, phường ven biển. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư theo quy trình “1 năm trồng, 3 năm chăm sóc” quá lớn, từ 150- 200 triệu đồng/ha, nên hiện nay phương án trồng dặm chưa được triển khai.
Riêng tại huyện Bình Sơn, đã trồng mới và phục hồi hơn 100ha rừng ngập mặn ven biển tại xã Bình Thuận; trồng hơn 45ha rừng ven biển tại các xã Bình Phước, Bình Đông, Bình Dương (Bình Sơn). Cây trồng rừng ngập mặn chủ yếu là cóc, bần, dừa nước... Những cánh rừng này hiện đang được chính quyền và người dân địa phương tích cực chăm sóc, bảo vệ và hưởng lợi qua việc khai thác thủy sản. Huyện Bình Sơn tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, phối hợp với Sở VH-TT&DL xây dựng và hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái. Qua đó, vừa tạo sinh kế ổn định và bền vững, vừa tăng trách nhiệm của cộng đồng tham gia bảo vệ và quản lý rừng ven biển, rừng ngập mặn.
Bài, ảnh:
MỸ HOA