Chưa quan tâm thiết lập mã số vùng trồng

08:10, 31/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thiết lập cấp mã số vùng trồng (MSVT) và cơ sở đóng gói nông sản là quy định bắt buộc của nước nhập khẩu, nhằm kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, việc thực hiện MSVT chưa được các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện.
 
Năm 2022, TP.Quảng Ngãi và các huyện Mộ Đức, Trà Bồng, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh đăng ký 10 vùng trồng ớt, dưa hấu mới, với tổng diện tích 182ha. Nhưng đến thời điểm này, chưa có vùng nào được cấp MSVT. Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho biết, huyện đã tổ chức triển khai và hướng dẫn những đơn vị, cá nhân tham gia trồng dưa hấu thực hiện các thủ tục để ngành chức năng cấp MSVT. Tuy nhiên, vì diện tích trồng dưa nhỏ lẻ, đầu ra lại bấp bênh, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước nên người dân không mặn mà với MSVT. Thậm chí, nhiều vùng trồng dưa hấu đã được cấp MSVT nhưng người dân sản xuất các loại cây trồng khác.
 
Quảng Ngãi chưa có cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm và thủy sản đăng ký và cấp mã số cơ sở đóng gói.
Quảng Ngãi chưa có cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm và thủy sản đăng ký và cấp mã số cơ sở đóng gói.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh có 41 vùng trồng đã được cấp MSVT từ năm 2018, nhưng hiện 21 vùng trồng chuối và dưa hấu (tại các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, TP.Quảng Ngãi và TX.Đức Phổ) không có khả năng duy trì MSVT. Còn 20 vùng trồng dưa hấu tại các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức và TP.Quảng Ngãi chưa được các tổ chức, cá nhân đăng ký duy trì MSVT theo quy định. Nguyên nhân là diện tích vùng trồng phân tán, diện tích nhỏ lẻ nên không đảm bảo mức tối thiểu 10ha/vùng trồng. Việc tiêu thụ nông sản bấp bênh nên người dân đã trồng xen canh nhiều loại cây trồng trên diện tích đã được cấp MSVT, nên không đáp ứng các quy định của Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng.
 
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hành Nhân (Nghĩa Hành) Nguyễn Văn Đóa cho biết, hợp tác xã có vùng trồng chôm chôm, bưởi da xanh, chuối ngự, với diện tích 100ha. Các sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, nhưng vùng trồng chưa được cấp MSVT. Hơn nữa, các mặt hàng trái cây tiêu thụ sản phẩm cũng chỉ mới tập trung ở thị trường nội địa, một số thị trường xuất khẩu thì chưa áp dụng những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe hay quy định về MSVT. Vì vậy, trên địa bàn tỉnh chưa triển khai thực hiện MSVT cho sản phẩm cây ăn quả.
 
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Thế Vĩnh cho biết, vụ đông xuân 2022 - 2023, chi cục sẽ triển khai thực hiện cấp MSVT đối với các loại nông sản tiêu thụ nội địa, cũng như xúc tiến cấp MSVT đối với các sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời, phối hợp với chính quyền cơ sở xác định các đối tượng cây trồng ưu tiên cấp MSVT theo điều kiện cụ thể của từng địa phương; hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp MSVT cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu; kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý MSVT và sử dụng MSVT của các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 

.