Tín dụng tăng trưởng khả quan

07:05, 24/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Kinh tế dần hồi phục, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang được cải thiện đã giúp dòng vốn tín dụng lưu thông hiệu quả hơn. Nhờ đó, hoạt động tín dụng những tháng đầu năm 2022 đã tăng trưởng khá tốt.         
 
[links()]
 
Nguồn vốn huy động và cho vay đều tăng
 
Những tháng đầu năm 2022, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh có gam màu sáng nhờ chính sách mở cửa và chương trình phục hồi kinh tế và phát triển của Chính phủ phát huy tác dụng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Quảng Ngãi 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt hơn 20,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 733 triệu USD, tăng 39%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,23 tỷ USD, tăng 59%.
 
Các ngân hàng đang tập trung cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Các ngân hàng đang tập trung cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Kinh tế dần hồi phục, “sức khỏe” doanh nghiệp (DN) đang được cải thiện giúp dòng vốn được lưu thông hiệu quả. Giám đốc Vietcombak Quảng Ngãi Võ Văn Linh cho biết, tính đến ngày 30/4/2022, dư nợ tín dụng của chi nhánh đạt 8.700 tỷ đồng, tăng 56% so với cuối năm 2021. Tổng vốn huy động đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2021. Chi nhánh đã cân đối nguồn vốn để kịp thời cho vay phát triển kinh tế - xã hội, nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi, ổn định sản xuất, kinh doanh.
 
Theo đại diện các ngân hàng thương mại, nếu như 4 tháng đầu năm 2021, thị trường tín dụng tăng trưởng âm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì năm nay, tín dụng đã tăng tưởng mạnh ở tất cả các phân khúc khách hàng. Nguyên nhân là do từ đầu năm đến nay, giá dầu tăng nên nhu cầu thanh toán tăng. Khách hàng khối DN quay trở lại guồng sản xuất; trong khi đó, chi phí nguyên, vật liệu tăng dẫn đến nhu cầu vốn tăng cao. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng, hoạt động mua bán cho vay bất động sản tăng trưởng đáng kể, thúc đẩy nhu cầu hấp thụ vốn trên thị trường.
 
Tính đến cuối tháng 4/2022, tổng nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt 69,6 nghìn tỷ đồng, tăng gần 3,8% so với cuối năm 2021. Tổng dư nợ ước đạt 60,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,16% so với cuối năm 2021. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn ước đạt hơn 36,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 60,3% tổng dư nợ, tăng gần 8% so với cuối năm 2021. Dư nợ cho vay trung, dài hạn ước đạt gần 24 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng dư nợ, tăng 1,14% so với cuối năm 2021.
 
Tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh
 
Nhu cầu vốn tăng, cùng với nỗ lực hạ lãi suất đã giúp các ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng khá tốt. Trong những tháng đầu năm nay, mặt bằng lãi suất có biến động do nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng nhưng mức điều chỉnh không quá lớn. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm, trung dài hạn từ 7,5% - 8,8%/năm; vay sản xuất, kinh doanh thông thường từ 6,3% - 9,86%/năm đối với ngắn hạn, từ 10% - 12,09%/năm đối với trung, dài hạn.
 
Theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các chi nhánh tổ chức tín dụng đã có nhiều giải pháp linh hoạt mở rộng tín dụng, chủ động tiếp cận nắm bắt tình hình hoạt động của DN, tiết giảm tối đa thời gian vay vốn để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, dòng vốn của các tổ chức tín dụng được lưu thông hiệu quả hơn. Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục tập trung vốn cho DN, đặc biệt là hỗ trợ những DN gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 và hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.
 
Cùng với ưu tiên dòng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng tiếp tục thực hiện hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN sau khi dịch bệnh được kiểm soát thông qua cơ chế Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất thấp. Qua đó, tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn duy trì, ổn định và phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh.
 
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
 
Lũy kế từ ngày 13/3/2020 - 31/3/2022, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 767 khách hàng, với tổng giá trị nợ của khách hàng có phát sinh số dư được cơ cấu lại tại thời hạn trả nợ là 4.476 tỷ đồng. Miễn, giảm lãi suất vay vốn cho 134 khách hàng với tổng giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi là 51,88 tỷ đồng. Cho vay mới với mức lãi suất thấp hơn so với trước dịch đạt 57,787 nghìn tỷ đồng. Qua đó, đã tạo điều kiện cho DN giảm bớt áp lực trả nợ vay; giảm chi phí để duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn và phục hồi tăng trưởng.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 
 

.