Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở khu vực miền núi: Tránh chồng chéo, trùng lặp

10:05, 23/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 cần được rà soát và điều chỉnh phù hợp với thực tế. Mục tiêu nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp.
 
[links()]
 
Điểm chung của các xã miền núi là địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, tỷ lệ hộ nghèo cao, huy động nguồn lực từ nhân dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Ngoài ra, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập gắn với giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương là một trong những thách thức lớn trong quá trình xây dựng NTM ở các xã miền núi. Vì vậy, xây dựng xã đạt chuẩn NTM ở khu vực miền núi gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, không ổn định và thiếu bền vững. Như các xã Long Sơn và Thanh An (Minh Long), sau thời gian được công nhận xã đạt chuẩn NTM, các tiêu chí có dấu hiệu giảm, nhất là thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Hiện tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) của xã Long Sơn tăng từ dưới 5% lên 19% và xã Thanh An hiện có đến 25% hộ nghèo.
 
Xây dựng và chuyển giao cho người dân các mô hình sản xuất mới, hiệu quả, nhằm tăng thu nhập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền huyện Sơn Hà.     Ảnh: T.PHONG
Xây dựng và chuyển giao cho người dân các mô hình sản xuất mới, hiệu quả, nhằm tăng thu nhập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền huyện Sơn Hà. Ảnh: T.PHONG
Từ thực trạng này, ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM ở các xã miền núi đã phân tích và đánh giá cụ thể về nguồn lực, khả năng thực hiện các tiêu chí NTM tại địa phương mình, để có lộ trình và hướng thực hiện phù hợp. Vì có đến 14/19 tiêu chí NTM liên quan trực tiếp đến thôn, nên một số xã đã thay đổi mục tiêu thực hiện, chuyển từ xây dựng “xã NTM” sang “thôn NTM”. Chủ tịch UBND xã Long Hiệp (Minh Long) Đinh Thiết cho biết, xây dựng “thôn NTM”, chính quyền và người dân sẽ bớt áp lực, vì chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại thôn sẽ thấp hơn, nhưng tập trung hơn, nên mức độ lan tỏa của chương trình sẽ rộng hơn. Chẳng hạn như nhóm tiêu chí hạ tầng, nếu đầu tư thực hiện đồng loạt trên toàn xã, sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì nguồn lực lớn, mặt bằng hẹp do địa hình đồi núi. Nhưng nếu đầu tư từng thôn, thì vừa dễ bố trí nguồn lực lại vừa sức dân. 
 
Tuy nhiên, giai đoạn 2021 - 2026, các địa phương miền núi cùng lúc triển khai thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, nên một số nội dung và tiêu chí của 2 chương trình có sự trùng lặp. 
 
Đơn cử như Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 đặt ra mục tiêu là 100% số trường lớp, trạm y tế được xây dựng kiên cố, trong khi các hạng mục này đã được thực hiện trước đó theo Chương trình Xây dựng NTM, nên chính quyền các địa phương băn khoăn không biết có tiếp tục thực hiện nữa không. Nếu thực hiện thì việc giải ngân, triển khai như thế nào? Hay như Chương trình Xây dựng NTM tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, còn Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 lại tập trung vào chính sách giảm nghèo, để cải thiện điều kiện sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả 2 chương trình mục tiêu quốc gia trên, song song với việc tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và tích cực tham gia, chính quyền các địa phương kiến nghị ngành chức năng sớm có hướng dẫn quy trình thực hiện. "Điều này sẽ giúp địa phương chủ động huy động và lồng ghép các nguồn vốn, để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, trọng tâm là xây dựng và chuyển giao các mô hình phát triển sản xuất, nhằm nâng cao sản lượng và giá trị nông sản, góp phần tăng thu nhập cho người dân", Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho biết.
 
THANH PHONG
 
 
 

.