Phòng, chống dịch bệnh thủy sản

09:05, 21/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 1 tháng qua, nhiều diện tích hồ nuôi tôm ở các địa phương trong tỉnh đã xảy ra tình trạng tôm chết hàng loạt do nhiễm vi khuẩn đốm trắng và viêm gan tụy cấp tính, thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng.
 
[links()]
 
Tôm thẻ chân trắng là đối tượng thủy sản chủ lực của tỉnh. Diện tích nuôi tôm vụ đầu tiên của năm 2022 ước đạt 157ha. Trong đợt thả giống vụ đầu năm 2022, gia đình ông Cao Phú Lợi, ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) đã thả nuôi hơn 50 nghìn con tôm giống thẻ chân trắng trong 4 hồ. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 tháng thả nuôi, tôm chết trắng hồ vì bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Ông Lợi cho biết, gần 300 triệu đồng đầu tư vào hồ tôm giờ xem như mất trắng. 
 
Các hộ nuôi tôm cần tuân thủ lịch thời vụ và các khuyến cáo của ngành chức năng, để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Các hộ nuôi tôm cần tuân thủ lịch thời vụ và các khuyến cáo của ngành chức năng, để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Không riêng hộ gia đình ông Lợi, hơn 1 tháng qua, hơn 6,6ha diện tích hồ nuôi tôm của các hộ dân ở huyện Tư Nghĩa, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi đã xảy ra tình trạng tôm chết hàng loạt, do nhiễm vi khuẩn đốm trắng và viêm gan tụy cấp tính, thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng.
 
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ngô Hữu Hạ cho biết, diễn biến thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản và thường trực nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Hiện nay, hầu hết vùng nuôi trồng thủy sản trong tỉnh hạ tầng thiếu đồng bộ. Hệ thống cấp thoát nước chung nhau, hệ thống giao thông không thuận lợi... nên gặp khó khăn trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tình trạng xả thải chưa qua xử lý ra môi trường tại các cơ sở sản xuất vẫn còn xảy ra. Nhiều hộ thả nuôi với mật độ quá dày, không tuân thủ lịch thời vụ... khiến dịch bệnh dễ hình thành và bùng phát. Ngoài ra, công tác quản lý vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến công tác phòng ngừa và giám sát dịch bệnh. 
 
Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lưu hành, lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn cho người nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới là rất cao, nếu không có biện pháp chủ động kiểm soát dịch bệnh, nhất là con giống và khâu chuẩn bị ao nuôi trong điều kiện thời tiết diễn biến bất lợi. 
 
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ tập trung theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh thủy sản, nhất là dịch bệnh trên đối tượng nuôi chủ lực, để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, kiểm soát dịch bệnh và giảm thiệt hại cho người nuôi. Đồng thời, khuyến cáo người dân thả nuôi thủy sản theo đúng lịch thời vụ, mật độ nuôi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng sẽ tổ chức tập huấn cho hộ nuôi, thực hiện quan trắc môi trường để kịp thời đưa ra những cảnh báo cho người nuôi trồng thủy sản. Về lâu dài, để đáp ứng công tác giám sát dịch bệnh trên đối tượng thủy sản chủ lực, Sở NN&PTNT đề nghị tỉnh bố trí kinh phí xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu hiện trạng vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. 
 
“Việc xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm, sẽ góp phần đẩy mạnh hiệu quả trong quản lý, theo dõi biến động ngành nuôi trồng thủy sản; xây dựng được bản đồ dịch tễ và dự báo lây lan trên phạm vi toàn tỉnh, nhằm gửi thông tin cảnh báo trực tiếp đến người dân, kịp thời ứng phó với dịch bệnh”, ông Ngô Hữu Hạ cho hay.
 
Bài, ảnh: V.YẾN
 
 
 

.