Nâng cấp, mở rộng đường Quán Lát - Đá Chát: Sau 3 năm thi công vẫn ngổn ngang

06:02, 17/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Công trình thi công dang dở, một số đoạn, điểm còn vướng mặt bằng. Người dân vào khu tái định cư (TĐC) xây dựng nhà ở từ lâu, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Đó là thực trạng của dự án Nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 624B, đoạn Quán Lát - Đá Chát, sau hơn 3 năm triển khai thi công.
[links()]
 
Công trình có chiều dài hơn 3,34km, qua địa bàn 2 huyện Mộ Đức và Nghĩa Hành, với tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây lắp hơn 50,3 tỷ đồng. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2017, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.
 
Ngổn ngang
 
Ghi nhận trên công trường dự án vào sáng 14/2, tại điểm đầu tuyến nền đường thi công hoàn thành với chiều dài khoảng 500m, nhưng bị cong quẹo chứ không ngay thẳng. Tại vị trí điều chỉnh tuyến mở mới, những miệng cống trống trơn, nền đường nham nhở. Trên công trường không thấy bóng dáng của bất kỳ công nhân hay cán bộ kỹ thuật nào làm việc. Tại vị trí giao tiếp với nền đường cũ và nút giao đường sắt Bắc - Nam, mặt bằng vẫn ngổn ngang.
 
Công trường thi công dự án Nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 624B sau 3 năm vẫn ngổn ngang.
Công trường thi công dự án Nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 624B sau 3 năm vẫn ngổn ngang.
Tại vị trí chỉnh tuyến mở mới (Km3+911 - Km4+972), một đoạn dài khoảng 50m nằm trong quy hoạch thi công dự án thì cây trồng và nhà dân vẫn còn nguyên. Việc đắp đất nền đoạn chỉnh tuyến và thi công cầu Bến Thóc sau nhiều năm vẫn chưa hoàn thành. Trên công trường, một vài phương tiện thi công nằm im lìm; những đống đất đá đổ thành ụ trên công trường cỏ dại mọc lên.
 
“Dự án có hơn 3km mà thi công kéo rê đến nay đã 3 năm rồi chưa xong. Có lúc họ làm khá rầm rộ, nhưng có lúc không có lấy một chiếc xe. Không biết đến khi nào dự án này mới hoàn thành, mới hết cảnh nắng bụi mưa bùn”, ông Nguyễn Lên, ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành), bức xúc nói. 
 
Những bất cập
 
Không những tiến độ dự án kéo dài, mà dự án này có nhiều tồn tại, bất cập. Đơn cử như việc xây dựng 3 khu TĐC Hiệp Sơn, Mỹ Hưng và Phú An với 62 lô đất nền, tuy nhiên, qua quá trình thực hiện bồi thường chỉ có 24 lô đất được giao TĐC, còn lại 38 lô đất chưa sử dụng. Khu TĐC Hiệp Sơn đã thi công hoàn thiện 42 lô đất nền, tổng mức đầu tư hơn 11,4 tỷ đồng, nhưng chỉ có 13 lô đất TĐC được giao cho 11 hộ dân, còn lại 29 lô không sử dụng. Các hộ dân vào làm nhà ở ổn định vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
 
Bà Lý Thị Hiệu, ở khu TĐC Hiệp Sơn cho biết, sau khi giao đất về khu TĐC xây dựng nhà ở, tôi không được cấp điện thắp sáng nên quá trình làm nhà ở phải xin điện của hàng xóm. Còn điện chiếu sáng công cộng thì vẫn chưa hoạt động. Trước Tết vừa qua, các hộ dân cùng góp tiền mở công tơ để thắp sáng và tự trả tiền điện. 
 
Theo chủ trương chung, quá trình thực hiện dự án phải tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư với số tiền 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chi phí thực hiện dự án đã vượt tổng mức đầu tư được duyệt. Trong số các hạng mục làm tăng tổng vốn đầu tư thì khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng đã tăng thêm 18 tỷ đồng, nâng tổng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án lên gần 47 tỷ đồng.
 
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Trần Trung Tín cho hay, tổng mức đầu tư tăng là do giá đất bồi thường mới do UBND tỉnh ban hành thay đổi dẫn đến giá trị bồi thường tăng lên so với dự toán khi lập thủ tục đầu tư. Còn việc một số đoạn tuyến đi cong quẹo là bởi, nếu điều chỉnh cho thẳng tuyến thì sẽ tăng khối lượng, tăng vốn đầu tư và nền đường mới sẽ không chất lượng, do thi công mới hoàn toàn trên đất trồng lúa, trong khi nền đường cũ tính ổn định cao. Đồng thời, tốc độ thiết kế chỉ 60km/giờ nên việc giữ nguyên hiện trạng tuyến một số vị trí là phù hợp. Để đẩy nhanh tiến độ, sắp tới chúng tôi sẽ chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân vật lực thi công và hoàn thành dự án trong năm 2022.
 
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 
 

.