Đấu giá quyền khai thác cát: Cần đảm bảo công khai, minh bạch

06:02, 15/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi chuẩn bị đưa ra đấu giá quyền khai thác các mỏ cát ở 3 huyện Nghĩa Hành, Ba Tơ, Sơn Tịnh và TP.Quảng Ngãi, nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng và tạo nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, việc đấu giá các mỏ cát cần được kiểm soát tốt, đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh thất thoát ngân sách.
[links()]
 
Vào 15 giờ, ngày 11/2, Sở TN&MT chính thức "khóa sổ" không nhận tiền đặt trước của các doanh nghiệp (DN) tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa có kết quả thăm dò đối với mỏ cát thôn Vạn Xuân 2, xã Hành Thiện và mỏ cát thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh (đều thuộc huyện Nghĩa Hành). Số tiền đặt trước đối với mỏ cát Vạn Xuân 2 (3,11ha, trữ lượng 52 nghìn mét khối) là 40 triệu đồng; còn mỏ cát Xuân Đình (4,67ha, trữ lượng 75 nghìn mét khối) là 57 triệu đồng. Các thủ tục, đủ điều kiện đấu giá 2 mỏ cát nói trên đã cơ bản hoàn tất. Dự kiến thời gian tổ chức phiên đấu giá từ ngày 14  -  24/2.
 
Khu vực sông Vệ thuộc thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) sẽ đấu giá khai thác cát.
Khu vực sông Vệ thuộc thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) sẽ đấu giá khai thác cát.
Trước đó, ngày 28/12/2021, Sở TN&MT đã ra thông báo về việc bán, tiếp nhận hồ sơ đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở thôn Vạn Xuân 2 và thôn Xuân Đình. Cơ quan tổ chức đấu giá là Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh. Về giá khởi điểm, bước giá được thực hiện theo Quyết định số 647 ngày 26/7/2021 của UBND tỉnh.
 
Quyền Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Đức Trung cho biết, sau khi đấu giá xong 2 mỏ cát tại huyện Nghĩa Hành, Sở tiếp tục triển khai đấu giá 4 mỏ còn lại được UBND tỉnh phê duyệt đấu giá năm 2022, thuộc các huyện: Ba Tơ (2 mỏ cát ở thôn Bắc Lân và thôn Tân Long Trung, xã Ba Động); Sơn Hà (1 mỏ cát CS6, ở xã Sơn Bao); TP.Quảng Ngãi (1 mỏ cát ở thôn An Lộc, xã Tịnh Long). Việc đấu giá dự kiến kết thúc trong quý I/2022.
 
Theo ông Trung, có nhiều DN tham gia đấu giá 2 mỏ cát Xuân Đình và Vạn Xuân 2. Lần đấu giá này, giá khởi điểm không phải là giá được xác định bằng mức tiền cụ thể, mà dựa vào "tham số R'', vì tất cả các mỏ cát đưa ra đấu giá đều chưa được thăm dò. Theo đó, giá khởi điểm được xác định là R (5%) và cao hay thấp phụ thuộc vào mỏ cát đó có trữ lượng nhiều hay ít. Đây là đổi mới trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, đảm bảo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản và đấu giá tài sản. Trước đó, trong lần đấu giá 5 mỏ cát đầu tiên vào tháng 7/2017, UBND tỉnh đã xác định giá khởi điểm cụ thể là 14 nghìn đồng/m3 (chưa bao gồm các khoản thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường).
 
Điều đáng nói là, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, khắc phục một số bất cập từng xuất hiện trong các lần đấu giá hơn 20 mỏ cát trước đó. Như mỏ cát ở xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), nhiều DN tham gia nhưng khi ra đấu giá chỉ đến bước giá thứ 3 là dừng lại và kết quả giá trúng đấu giá chênh lệch giá khởi điểm không đáng kể. Năm 2018, cuộc đấu giá mỏ cát Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) phải dừng lại giữa chừng, vì phát hiện DN không đủ điều kiện tham gia đấu giá...
 
Việc tổ chức đấu giá mỏ cát nếu đảm bảo công khai, minh bạch, lành mạnh sẽ mang lại kết quả rất cao, chống thất thu ngân sách. Đơn cử như năm 2018, khi đấu giá mỏ cát thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi), giá khởi điểm chỉ 3 tỷ đồng. Thế nhưng, sau đó giá được chốt ở mức 18,2 tỷ đồng, cao hơn 15,2 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 

.