(Báo Quảng Ngãi)- Hoạt động đầu tư công của Quảng Ngãi giai đoạn gần đây được triển khai cơ bản đảm bảo nguyên tắc, mục tiêu, đã đem lại hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số bất cập trong đầu tư công, nhất là về phân bổ vốn cần được nghiên cứu, khắc phục.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Gia tăng vốn đầu tư công
Theo nghị quyết HĐND tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư công của Quảng Ngãi là 18.106 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, tổng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh giai đoạn này đã tăng thêm 3.685 tỷ đồng, đạt mức 21.791 tỷ đồng.
Trong cơ cấu tổng vốn này, thì nguồn vốn trung ương tăng không đáng kể, còn nguồn vốn địa phương thì không ngừng tăng, cụ thể: Năm đầu kỳ 2016 là 1.811 tỷ đồng, năm cuối kỳ 2020 tăng hơn gấp đôi, ở mức 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do năm 2020 hụt thu rất lớn, nên nguồn vốn ngân sách địa phương thực tế đã giảm chỉ còn 3.000 tỷ đồng (thu từ quỹ đất giảm từ 2.000 tỷ đồng xuống còn 1.000 tỷ đồng).
Cầu Cổ Lũy (TP.Quảng Ngãi) có tổng vốn đầu tư 2.250 tỷ, đã hoàn thành sau 3 năm thi công. |
Từ số vốn này, tỉnh đã đầu tư rất nhiều công trình, trong đó có những công trình lớn như: Cầu Cổ Lũy (2.250 tỷ đồng), đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc (gần 1.500 tỷ đồng), cầu Thạch Bích (600 tỷ đồng), cảng Bến Đình (262 tỷ đồng), cầu sông Rin (245 tỷ đồng) và hàng loạt công trình ở các địa phương có tổng mức đầu tư từ 100 - 140 tỷ đồng... Đây là những công trình được tỉnh kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên toàn địa bàn tỉnh. Đặc biệt là kết nối, tạo nên trục giao thông liên hoàn, nâng tầm đô thị trước yêu cầu bứt phá xây dựng tỉnh Quảng Ngãi từng bước trở thành địa phương có tốc độ phát triển cao hơn bình quân của cả nước.
Đối với hoạt động đầu tư trung hạn tại các địa phương, thực hiện theo nguyên tắc xây dựng tổng vốn đầu tư cho cả giai đoạn đã tạo nên sự chủ động, khắc phục sự chồng chéo, xóa bỏ dần cơ chế "xin - cho" trong đầu tư công. Không ít địa phương đã gắn kết đầu tư công với mục đích lớn hơn mà công trình, dự án đặt ra là vươn đến tầm chiến lược phát triển toàn diện.
Đơn cử như huyện Lý Sơn, 5 năm qua đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các công trình lớn, từng bước đưa Lý Sơn trở thành huyện đảo mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh. Trong khi đó, tại huyện Ba Tơ, ngoài chú trọng phát triển giao thông miền núi, còn đầu tư các tuyến kè sông, di dời trụ sở, đảm bảo mục tiêu phát triển hài hòa, an toàn trước diễn biến ngày càng phức tạp của thiên tai.
“Đầu tư công trong 5 năm tới phải tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Riêng với TX.Đức Phổ sẽ thực hiện phương châm, vốn ngân sách tập trung tạo quỹ đất sạch để thu hút tư nhân vào đầu tư công trình trên đất".
Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ
TRẦN PHƯỚC HIỀN
|
Phân khai vốn sát thực tế hơn
Theo kế hoạch, tại kỳ họp HĐND cuối năm 2020, Quảng Ngãi sẽ ban hành nghị quyết về đầu tư công trung hạn, quyết định tổng vốn cho cả giai đoạn 2021 - 2025. Căn cứ vào nghị quyết, UBND tỉnh sẽ thực hiện phân bổ vốn cụ thể cho từng năm.
Trong 5 năm tới, hậu quả của suy giảm kinh tế do dịch Covid-19 gây ra sẽ kéo dài nhiều năm nữa, nên rất có thể tổng mức đầu tư công sẽ không tăng đáng kể. Nguồn thu ngân sách của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, từng giai đoạn khả năng sẽ hụt thu so dự toán ban đầu. Vì vậy, ngoài phân bổ vốn và thúc đẩy giải ngân, còn đặt UBND tỉnh vào yêu cầu mới là linh hoạt, sáng tạo trong điều hành đầu tư công.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh nhấn mạnh: Quảng Ngãi xác định cần thiết phải cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và một số định hướng đến năm 2030, nhằm chuyển đổi và hình thành cơ cấu đầu tư hợp lý, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư công và chất lượng thể chế quản lý đầu tư công; thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của tỉnh, giai đoạn 2021- 2025. Theo đó, các sở, ngành, địa phương ngay bây giờ phải tính đến việc làm thế nào để thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn, gắn với kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch vay, trả nợ công, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hằng năm 100%.
Theo Quyền Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven, trong giai đoạn đến, tỉnh cần tiếp tục ưu tiên vốn đầu tư các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hay những nơi bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư".
Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh Tạ Công Dũng thì kiến nghị: "Tỉnh cần quan tâm phân bổ vốn theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huyện Sơn Tịnh hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện hạ tầng trung tâm huyện lỵ mới, nên cần được bố trí đủ vốn để thực hiện công trình, dự án. Đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng bệnh viện cho huyện, vì cuối năm 2020, 11/11 xã của huyện sẽ đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng không thể đăng ký là đạt huyện nông thôn mới, vì thiếu tiêu chí bệnh viện".
Vốn cho xây dựng nông thôn mới
Trong 5 năm qua, huyện Nghĩa Hành được ưu tiên bố trí nguồn vốn khoảng 600 tỷ đồng, từ đó đã đầu tư để huyện về đích nông thôn mới. Còn huyện Tư Nghĩa, nhờ lồng ghép các nguồn vốn đã hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bộ từ huyện đến xã, nên sẽ được công nhận huyện nông thôn mới trong năm 2020.
|
Bài, ảnh: THANH NHỊ