(Báo Quảng Ngãi)- Sau 2 năm Liên minh Châu Âu (EC) áp “thẻ vàng”, ngành thủy sản cả nước nói chung, Quảng Ngãi nói riêng đã có nhiều động thái tích cực để khắc phục. Nhất là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân, ban hành khung pháp lý, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sau lần kiểm tra thứ nhất vào cuối năm 2018, trong tháng 11 này, EC tổ chức đợt kiểm tra lần thứ 2 về kết quả thực hiện các khuyến nghị chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), trước khi quyết định gỡ “thẻ vàng” hay tăng mức “thẻ đỏ”.
Chuyển biến tích cực
Từ khi EC rút “thẻ vàng” thủy sản đến nay, các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền cho ngư dân về những văn bản pháp luật, quy định của Việt Nam và các nước trong khu vực; những rủi ro và hậu quả pháp lý do việc khai thác hải sản bất hợp pháp gây ra...
Vì vậy, ngư dân trên địa bàn tỉnh không chỉ nắm bắt và tuân thủ các quy định của pháp luật theo hướng tự nguyện; mà còn chuyển từ khai thác kiểu “có gì bắt nấy” sang đánh bắt có chọn lọc, đúng luật và có trách nhiệm.
“Hậu quả của việc sử dụng phương tiện và ngư cụ sai quy định, khai thác kiểu tận diệt là sản lượng hải sản ở các ngư trường trong nước ngày càng sụt giảm. Còn đi khai thác trái phép ở nước ngoài thì gặp rất nhiều rủi ro, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng”, ngư dân Võ Bá Nha, xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết.
Ngành thủy sản kỳ vọng EC sẽ gỡ "thẻ vàng", sau những nỗ lực thực hiện các khuyến nghị, nhất là công tác kiểm soát quá trình khai thác và thu mua hải sản. |
Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đã tiệm cận với thế giới. Từ việc nâng chế tài xử phạt ngư dân vi phạm (tịch thu giấy phép khai thác thủy sản, xử phạt hành chính lên đến 1 tỷ đồng); bổ sung một số đối tượng thủy sản (chủ yếu là hải sâm) vào danh sách cấm khai thác, vận chuyển và buôn bán... Vì vậy, từ năm 2017 đến nay, không còn xảy ra tình trạng ngư dân vi phạm khai thác ở các quốc đảo trên Thái Bình Dương.
Ngoài ra, nhiều tàu có chiều dài từ 24m trở lên của ngư dân trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (máy Movimar) theo quy định. “Công tác tuyên truyền đã mang lại hiệu quả rõ rệt, ngư dân thay đổi nhận thức và hành vi khai thác thủy sản, giúp nghề cá trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực”, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Thủy sản tỉnh Phùng Đình Toàn cho biết.
“Về khía cạnh tích cực, “thẻ vàng” thủy sản là một cú huých cần thiết để chúng ta chuyển đổi quyết liệt nghề cá, nhằm phát triển bền vững và có trách nhiệm. Vấn đề lúc này là cần sự chia sẻ khó khăn với ngư dân và hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân, để sau “thẻ vàng”, đội tàu chúng ta không yếu đi, mà ngược lại sẽ là những ngư dân chuyên nghiệp tiếp tục vươn khơi mạnh mẽ”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
NGUYỄN XUÂN CƯỜNG
trả lời tại phiên chất vấn của Quốc hội, ngày 6.11.2019
|
Kỳ vọng gỡ thẻ
Mặc dù có nhiều nỗ lực, song hiện vẫn còn tình trạng ngư dân không bật thiết bị định vị và chưa chấp hành việc ghi nhật ký đánh bắt. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC về IUU, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
Thay vì chỉ kiểm tra xác suất, thì mặt hàng thủy sản của nước ta bị kiểm soát 100% trước khi xuất khẩu vào Châu Âu. Vì vậy, thủy sản nước ta tụt từ vị trí thứ 2 xuống thứ 5 về xuất khẩu sang EU. Dự kiến năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này chỉ đạt 1,35 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2018.
Khắc phục tình trạng này, ngành thủy sản sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để ngư dân và các doanh nghiệp nắm bắt, thực hiện đúng quy định trong quá trình khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu hải sản.
Ngoài ra, Ban Quản lý các Cảng cá tỉnh tiếp tục kiểm tra, đối chiếu hành trình, vùng biển, ngư trường, sản lượng khai thác hải sản của tàu cá, kiên quyết không cho bốc dỡ sản phẩm khai thác trái phép, không thu mua nguyên liệu của các tàu vi phạm...
Với những nỗ lực thực hiện xuyên suốt các khuyến nghị của EC về IUU trong 2 năm qua, ngành thủy sản kỳ vọng EC sẽ gỡ “thẻ vàng” trong đợt kiểm tra lần này.
Bài, ảnh: MỸ HOA