Hơn 2,4ha ruộng lúa bị bỏ hoang

02:11, 17/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những thửa ruộng của người dân thôn Lâm Lộc Nam, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) từng là cánh đồng lúa xanh tốt. Thế nhưng, gần 4 năm qua, người dân ở đây phải bỏ hoang đồng ruộng, do ngập úng kéo dài.
Năm 2015, các công trình khu dân cư, cơ quan hành chính thuộc Trung tâm Hành chính huyện Sơn Tịnh mới được xây dựng, nên một số thửa ruộng nằm gần đó trở thành nơi chứa nước.
 
Ông Nguyễn Chín, người dân địa phương cho biết: Ngày trước, nơi đây trồng lúa rất tốt, do đất đai màu mỡ, việc chăm sóc, thu hoạch cũng thuận lợi do gần đường. Nhưng mấy năm nay, không thửa ruộng nào gieo sạ được, do kênh mương bị bồi lấp, cả cánh đồng như cái ao đựng nước. 
 
Cánh đồng lúa ở thôn Lâm Lộc Nam xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) giờ trở thành đồng cỏ dại um tùm.
Cánh đồng lúa ở thôn Lâm Lộc Nam xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) giờ trở thành đồng cỏ dại um tùm.
Theo những người dân ở đây, lúc đầu tuy có ngập nước nhưng họ vẫn gieo sạ, vì không muốn lãng phí đất. Nhưng sau đó cây lúa không phát triển được, nên người dân đành bỏ hoang, để cỏ dại mọc um tùm, với tổng diện tích đất bỏ hoang hơn 2,4ha. Bức xúc trước thực trạng đó, người dân đã gửi đơn đến các cấp chính quyền yêu cầu giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng xử lý.
 
Ông Bửu, một hộ dân có đất không sản xuất được cho rằng, nếu đã quy hoạch khu vực này làm khu dân cư, hay công trình nào đó thì Nhà nước nên thu hồi hết và san nền, đằng này làm nửa vời rồi để đó, trong khi người dân không có đất sản xuất, việc làm thì không ổn định.
 
Theo lãnh đạo UBND huyện Sơn Tịnh, tình trạng nhiều diện tích đất trồng lúa của người dân thôn Lâm Lộc Nam, xã Tịnh Hà bị ngập nước không sản xuất được là có, huyện cũng đã nắm được kiến nghị của người dân.
 
Tuy nhiên, công tác đền bù, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng vẫn chưa được thực hiện, do chưa có quy định về mức hỗ trợ, nên địa phương chưa đủ cơ sở pháp lý để hỗ trợ cho dân.
 
Qua kiểm tra thực tế vẫn chưa xác định được mức độ, phạm vi ảnh hưởng của từng dự án làm ảnh hưởng đến diện tích đất trồng lúa của người dân, nên chưa thể xác định trách nhiệm và nguồn chi phí hỗ trợ cho dân.
 
Cũng theo lãnh đạo huyện Sơn Tịnh, hiện nay huyện đang lấy ý kiến của các sở, ngành để thống nhất cách tính đơn giá, nguồn kinh phí hỗ trợ và đã có văn bản gửi UBND tỉnh xin chủ trương thực hiện, nhưng tỉnh vẫn chưa có ý kiến.
 
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 

.