Hàng loạt dự án nông nghiệp bỏ hoang

09:05, 23/05/2019
.

(Baoquangngai.vn) – Những năm qua, Mộ Đức là địa phương dẫn đầu trong thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao, với nguồn vốn đăng ký đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, rất nhiều dự án đang bỏ hoang, chậm tiến độ hoặc vẫn còn trên giấy.

Trên địa bàn xã Đức Minh hiện có 3 dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao thì có 2 dự án đang bỏ hoang và 1 dự án vẫn còn nằm trên giấy. 

Năm 2017, UBND tỉnh cho quyết định đầu tư Dự án trang trại tổng hợp của ông Lê Thái tại xã Đức Minh. Dự án có quy mô 5ha, tổng mức đầu tư trên 6,7 tỷ đồng. Nhà đầu tư đã bắt tay triển khai dự án, đầu tư hệ thống phun tưới tự động, trồng măng tây, rau, quả sạch, xây chuồng trại chăn nuôi. 

Tuy nhiên, dự án vừa khai sinh đã chết yểu vì “cầm đèn chạy trước ô tô”. Nhà đầu tư dự án triển khai dự án khi chưa tạo được sự đồng thuận của người dân trong vùng dự án.

“Nhà tôi có 8 sào đất mà dự án chỉ hỗ trợ 20 triệu đồng, trong khi với diện tích ấy, mỗi năm tôi thu được từ 60 - 80 triệu đồng nhờ sản xuất rau màu, trồng cây thuốc lá. Dù chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức đối thoại, gỡ vướng, nhưng người dân nhất quyết không chịu giao đất, bởi lẽ mức hỗ trợ quá “bèo”, chỉ 2,5 triệu đồng/sào” - một người dân trong vùng dự án cho hay.

 

Dự án dang dở vì vướng mặt bằng.
Dự án trang trại tổng hợp Lê Thái tại xã Đức Minh dang dở vì vướng mặt bằng.

Vướng mắt trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, dự án bây giờ bỏ hoang hóa, cỏ mọc hoang dại. Diện tích trồng rau sạch quá lứa không buồn thu hoạch, trong khi số tiền nhà đầu tư bỏ ra không nhỏ.

Cách đó không xa, Dự án chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao OFB Mộ Đức có quy mô gần 21ha, dự kiến tổng vốn đầu tư hơn 114,6 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư nuôi trồng HSCB cũng đang trong tình trạng tương tự.

Sản phẩm đầu tư của dự án là chăn nuôi 1.000 con bò, trồng nha đam, dưa lưới, táo xanh, nho, nuôi trùn quế. Người dân trong vùng dự án đã phá dở hoa màu, cây cối, rừng sản xuất, dời mồ mả ông bà tổ tiên để nhường đất cho dự án. 

Nhà đầu tư đã tiến hành xây dựng tường rào, xây khu vực chuồng trại chăn nuôi, nhà điều hành và trồng nha đam. Tổng nguồn vốn đã đầu tư khoảng 3 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 2.2019 sẽ đưa bò về nuôi.

Thế nhưng, từ tháng 11.2018 đến nay, diện tích nha đam vừa trồng đã bắt đầu khô héo vì chưa đầu tư hệ thống nước tưới. Hệ thống chuồng trại xây dựng dang dở rồi bỏ hoang không một bóng người.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Mộ Đức có 20 dự án nông nghiệp. Bên cạnh thuận lợi thu hút đầu tư nhờ quỹ đất sạch lớn nên kêu gọi số lượng lớn dự án, tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi chỉ có 5 dự đã triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. 

Dự án OFB Mộ Đức đầu tư dang dở rồi bỏ hoang 6 tháng qua.

Đó là Dự án đầu tư phát triển vùng trồng măng tây xã Đức Chánh, Đức Thắng; Dự án trang trại Gia Lâm Phát; Dự án trang trại kết hợp trồng cây lâm nghiệp Phát Lộc; Dự án sản xuất rau an toàn Minh Tuấn và Dự án cánh đồng lớn sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao theo hướng VietGap.

Trong số 15 dự án còn lại rất nhiều dự án rơi vào tình trạng vẫn còn nằm trên giấy dù đã cho chủ trương từ 2 năm trước; một số dự án chậm tiến độ; có dự án không triển khai đầu tư; dự án thì xin gia hạn chủ trương đầu tư. Không ít dự án vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng kéo dài…

Thực tế cho thấy, hàng loạt các dự án chậm tiến độ, triển khai dang dở rồi bỏ hoang, cầm chừng để giữ đất gây lãng phí hàng trăm ha đất, bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Vũ Nhân cho biết, quan điểm của huyện là tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư vào đầu tư dự án, tạo ra mối liên kết bền vững giữa người sản xuất và doanh nghiệp. 

Với những dự án tiến độ triển khai chậm, huyện sẽ đôn đốc khẩn trương đầu tư đi vào sản xuất. Ngược lại, những dự án không triển khai, huyện sẽ đề nghị các sở, ngành chức năng của tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi dự án.

Bài, ảnh: PV


.