(Báo Quảng Ngãi)- Nuôi hải sâm kết hợp ốc hương đem lại giá trị kinh tế cao, giảm ô nhiễm môi trường, được xem là hướng phát triển mới, góp phần khôi phục nghề nuôi trồng thủy sản ven biển.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hiệu quả cao
“Sau gần 4 tháng thả nuôi, ốc hương và hải sâm phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 85%. Điều này cho thấy, ốc hương và hải sâm hợp với điều kiện tự nhiên ở khu vực ven biển huyện Mộ Đức”, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông huyện Mộ Đức Trần Đình Hùng cho biết.
Tận dụng cơ sở vật chất của những hồ nuôi tôm trên cát, đầu tháng 6.2018, Trung tâm Khuyến nông huyện Mộ Đức tiến hành vệ sinh hồ và xử lý nguồn nước, thả nuôi 2.500 con hải sâm (100 con/kg) và 1kg ốc hương (32 nghìn con/kg), với diện tích 0,4ha mặt nước. Đến nay, trọng lượng ốc hương đạt 230 con/kg, hải sâm đạt 5-6 con/kg.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III Nha Trang (Khánh Hòa), kết quả này là rất khả quan và ấn tượng. Bởi một số vùng ven biển các huyện Bình Sơn, Đức Phổ cũng đã được thả nuôi hải sâm, nhưng tỷ lệ sống thấp, tăng trưởng chậm.
Mô hình nuôi hải sâm được kỳ vọng sẽ góp phần khôi phục nghề nuôi trồng thủy sản ven biển. |
Với giá bán 200.000-280.000 đồng/kg như hiện nay, theo tính toán, lợi nhuận của mô hình nuôi hải sâm và ốc hương mang lại có thể đạt trên 500 triệu đồng/ha/vụ.
Mở rộng quy mô
Được xem là “thủ phủ” của nghề nuôi tôm trên cát, nhưng những năm gần đây, vùng ven biển huyện Mộ Đức lại trầm lắng vì tôm bị dịch bệnh, chết hàng loạt. Vì vậy, thành công của mô hình nuôi hải sâm kết hợp ốc hương hứa hẹn sẽ giúp khu vực ven biển này khôi phục lại nghề nuôi trồng thủy sản.
“Không chỉ giải bài toán kinh tế, hải sâm cũng sẽ là đối tượng giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển gây ra. Vì vậy, song song với việc chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng mô hình nuôi hải sâm đơn hoặc kết hợp ốc hương, huyện sẽ hỗ trợ người dân trong việc tìm kiếm doanh nghiệp, hợp đồng bao tiêu sản phẩm”, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Vũ Nhân cho biết.
Kỹ thuật nuôi hải sâm đơn giản, nhưng vì đối tượng này khá “mẫn cảm” với môi trường, nên việc phục hồi và lựa chọn, xử lý môi trường nuôi không đảm bảo, sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả. Hơn nữa, bài học về nghề nuôi tôm trên cát vẫn còn hiện hữu, đặc biệt là vấn đề đầu ra của sản phẩm và tác động môi trường.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Sở NN&PTNT, thức ăn của hải sâm là các sinh vật phù du, chất mùn bã hữu cơ, chất thải của ốc hương, nên hải sâm được ví như “nhà máy vệ sinh trong hồ nuôi”. Do đó, việc phát triển hải sâm ở các địa phương ven biển không chỉ đa dạng đối tượng, phương thức, công nghệ nuôi, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Sẽ triển khai 27 mô hình ươm hải sâm giống và thương phẩm Sở NN&PTNT cho biết, từ vụ sản xuất đông xuân 2017 - 2018 đến năm 2020 sẽ triển 27 khai mô hình nuôi hải sâm đơn hoặc hải sâm ghép với ốc hương, tôm tại vùng ven biển các huyện: Đức Phổ, Mộ Đức, Bình Sơn. Ngoài ra, Sở cũng thả bổ sung 20 nghìn con giống hải sâm vùng ven biển các huyện Đức Phổ, Mộ Đức và khu bảo tồn biển Lý Sơn. Tổng nguồn vốn thực hiện gần 5 tỷ đồng. |
Bài, ảnh: MỸ HOA