(Báo Quảng Ngãi)- Mở rộng liên kết giữa doanh nghiệp (DN) với hộ nông dân thông qua hợp tác xã (HTX) để tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản đang là một xu hướng tất yếu trong giai đoạn phát triển hiện nay. Tuy nhiên, để có được sự kết nối bền vững cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên.
Hiệu quả từ liên kết
Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có 9 HTX mới được thành lập, đạt 150% kế hoạch năm, nâng tổng số HTX đang hoạt động lên 214 HTX, với trên 317.500 xã viên. Tuy doanh thu, lợi nhuận không cao, nhưng các HTX nông nghiệp đã tổ chức thực hiện hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ sản xuất cho nông dân.
Mô hình liên kết sản xuất khoai lang Nhật giữa HTX dịch vụ Nông nghiệp Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) với nông dân bước đầu phát huy được hiệu quả. |
Thông qua việc hợp tác thực hiện các chương trình, dự án, nhiều HTX đã có thêm nguồn thu, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên. Đơn cử như HTX dịch vụ Nông nghiệp Tịnh Thọ (Sơn Tịnh), với mô hình trồng khoai lang Nhật Bản đã đem lại thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích cho người dân gấp đôi so với trồng lúa và gấp 1,5 lần so với các loại cây trồng khác. Mô hình này đã thu hút trên 40 hộ dân là thành viên HTX tham gia và được HTX hỗ trợ trên 50% tiền giống và bao tiêu đầu ra.
Giám đốc HTX dịch vụ Nông nghiệp Tịnh Thọ Đỗ Minh Trang cho biết: Trong thời gian tới, HTX sẽ nhân rộng mô hình lên 11ha, nhằm giúp nhiều hộ nông dân phát triển kinh tế. Đồng thời, tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để khoai lang Nhật có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Trên địa bàn huyện Nghĩa Hành cũng có 6 HTX nông nghiệp thực hiện thành công việc liên kết sản xuất lúa giống với các DN. Sản phẩm sau khi thu hoạch được DN thu mua, năng suất, giá trị cao hơn so với lúa thường 20 - 30%...
Mở rộng hoạt động liên kết
Thực tế hiện nay cho thấy, hầu hết các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở việc liên kết sản xuất, tiêu thụ một số nông sản chủ yếu là lúa giống, hoặc một số mặt hàng đặc trưng của miền núi, như chè Minh Long, heo nuôi thảo dược ở Ba Động (Ba Tơ) với quy mô nhỏ. Còn những sản phẩm nông nghiệp mang tính sản xuất đại trà như ớt, dưa hấu, rau đậu các loại, gia súc, gia cầm... thì nông dân vẫn phải “tự bơi”.
Trong cơ chế thị trường hiện nay, người nông dân chưa có đủ kỹ năng đàm phán với DN, cũng như nắm bắt thông tin thị trường, nên dễ bị ép giá, thua lỗ khi thị trường có biến động mạnh. Vì thế, mô hình liên kết giữa DN - HTX - hộ nông dân cần được phát huy, nhằm phát huy hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản cho nông dân và sự phát triển bền vững của DN.
Tuy nhiên, để sự liên kết này phát triển bền vững, các ngành chức năng cần có sự hỗ trợ cho các HTX về kiến thức quản lý, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân và tạo cơ chế, chính sách ưu đãi cho các DN khi tham gia mô hình liên kết này.
Qua đó mới phát huy vai trò của HTX nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay, thật sự là người đại diện, bảo hộ cho nông dân tham gia chuỗi liên kết có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho các thành viên. Đây cũng là hướng phát triển bền vững cho DN- HTX và nông dân khi mà thị trường mặt hàng nông sản ngày càng mở cửa và cạnh tranh quyết liệt.
Bài, ảnh: HỒNG HOA