(Báo Quảng Ngãi)- Dù đã có nhiều cải thiện, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiêu khê, ỳ ạch và thiếu linh hoạt, khiến DN bị thiệt hại...
Đợi thủ tục, DN thanh lý hàng!
Vụ hè thu 2017, Công ty TNHH KH&CN Nông Tín (Công ty Nông Tín) sản xuất 30ha lúa chất lượng cao tại xã Hành Dũng và Hành Nhân (Nghĩa Hành). Tổng sản lượng lúa thu trên 150 tấn (tương ứng 100 tấn gạo). Tuy nhiên, sau khi thu hoạch, gạo của Công ty Nông Tín chưa được bán ra thị trường, vì các ngành chức năng cho rằng “sản phẩm chưa đủ hồ sơ pháp lý”!
Theo yêu cầu, Công ty Nông Tín đã lập đầy đủ bộ TTHC, đề nghị các ngành chức năng kiểm tra và cấp các chứng nhận liên quan đến nguồn gốc, mã vạch, các chỉ tiêu chất lượng và an toàn thực phẩm.
Thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê, khiến lĩnh vực nông nghiệp chưa thu hút nhiều nhà đầu tư. |
Theo phản ánh của Công ty Nông Tín, khi tiếp nhận hồ sơ, các đơn vị đều có giấy hẹn là sau 15-30 ngày sẽ trả kết quả. Vấn đề là, sau thời gian trên, các đơn vị trả kết quả thủ tục này, lại yêu cầu bổ sung thủ tục khác. Vì vậy, DN phải chạy tới chạy lui gần 5 tháng mà vẫn chưa làm xong “giấy thông hành” cho sản phẩm gạo.
Giám đốc Công ty Nông Tín Nguyễn Văn Tấn, cho rằng: Lẽ ra khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ "bộ phận một cửa" phải kiểm tra các giấy tờ, thủ tục. Nếu phát hiện hồ sơ có sai sót hoặc thiếu thì yêu cầu DN bổ sung một lần. Đằng này họ cứ để đến ngày hẹn trả hồ sơ mới thông báo cho DN biết là thiếu cái này, sai cái kia. “Hồ sơ chúng tôi nộp từ đầu vụ đến cuối vụ vẫn chưa giải quyết xong. Điều này khiến hơn 100 tấn gạo của chúng tôi không được bán theo giá thị trường là 25.000 đồng/kg gạo trắng và 45.000 đồng/kg gạo đen, mà phải bán thanh lý với giá bình quân 6.500 đồng/kg. Thiệt hại gần 2 tỷ đồng”, ông Tấn bức xúc.
DN đầu tư nông nghiệp “gánh” quá nhiều thủ tục
Không chỉ Công ty Nông Tín, mà một số đơn vị sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi cũng như các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng bị thiệt hại do TTHC “hành”.
Đơn cử như sau đợt mưa lũ cuối năm 2016, để giúp người dân vùng lũ kịp thời xuống giống vụ sản xuất đông xuân 2016-2017, ngành nông nghiệp đã yêu cầu một số đơn vị kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh cung ứng lúa giống theo hình thức “cấp trước trả sau”. Tuy nhiên, đã một năm trôi qua mà đến thời điểm này, một số DN tiên phong cung ứng giống giúp dân vùng lũ vẫn chưa được hoàn trả kinh phí... do vướng TTHC!
Trong khi đó, một số DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng phàn nàn thủ tục đầu tư vào dự án nông nghiệp quá rườm rà. Để hoàn thiện đầu tư một dự án nông nghiệp, DN phải trải qua hàng chục TTHC các loại. Điều này khiến DN mất thời gian, chi phí và lỡ cơ hội đầu tư.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, số lượng DN trong lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp có tốc độ tăng trưởng chậm, nhưng lại giải thể cao hơn các DN ở các lĩnh vực khác. Quy mô các DN chủ yếu ở mức vừa và nhỏ với tổng vốn dưới 5 tỷ đồng. Thậm chí trên 50% DN có quy mô siêu nhỏ. Bên cạnh đó, khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của các DN nông nghiệp hạn chế, phương tiện máy móc lạc hậu...
Ngoài ra, các DN cũng cho rằng, không chỉ bộ TTHC rườm rà mà công tác quản lý sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi cũng như các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp lỏng lẻo và chồng chéo theo kiểu “mỗi ngành một khúc”.
“Một loại giống mà có chục đơn vị kiểm tra, đánh giá. Điều này không chỉ khiến DN tốn thời gian, chi phí mà còn tạo lỗ hổng trong công tác quản lý”, Giám đốc Trung tâm Giống Quảng Ngãi Đoàn Văn Nhân cho biết.
“Lỗ hổng” đó chính là ngay cả cơ quan quản lý cũng không nắm rõ địa điểm, thời gian, kết quả sản xuất giống của DN. Vì vậy, nhiều giống được công nhận, nhưng chất lượng và khả năng chống chịu chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Vì vậy, DN cho rằng, bên cạnh việc kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, bãi bỏ một số TTHC không cần thiết, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cũng cần kiểm tra, chấn chỉnh những cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt công tác cải cách TTHC; đồng thời nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh thành lập “đầu mối” quản lý. Nhất là công tác quản lý sản phẩm nông sản để tránh tình trạng “mỗi ngành quản lý một khúc” như hiện nay.
Bài, ảnh: MỸ HOA