(Báo Quảng Ngãi)- Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và thi công dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 là rất quan trọng, bởi đây là tuyến giao thông huyết mạch. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tiến độ dự án chưa đạt kế hoạch đề ra.
Để đảm bảo dự án về đích theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, huyện Bình Sơn và các đơn vị liên quan đang tập trung cao độ để hoàn thành những phần việc thuộc trách nhiệm của mình...
Ì ạch từ GPMB đến thi công
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1027-Km1045+780 là đoạn cuối cùng của tuyến đường thiên lý Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh chưa được nâng cấp. Để hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo tính kết nối cao, đảm bảo an toàn giao thông, Bộ GTVT đã đồng ý chủ trương đầu tư. Tháng 11.2016, dự án chính thức khởi công xây dựng.
Vướng mặt bằng nên công tác thi công gặp rất nhiều khó khăn. |
Đến nay, thời gian thực hiện dự án đã hơn một năm, nhưng công tác GPMB và thi công rất ì ạch. BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã lập 40 phương án bồi thường đối với 1.488/1.488 hộ và trình UBND huyện Bình Sơn 36 phương án, trong đó đã phê duyệt 32 phương án (1.376 hộ/1.488 hộ, đạt 93%), còn lại 4 phương án/70 hộ đã trình huyện, nhưng chưa phê duyệt. Trong số 32 phương án đã phê duyệt, đến nay đã chi trả tiền bồi thường cho 927 hộ/1.376 hộ (67,3%). Bàn giao được 15,53km/24,5km (63,3%) mặt bằng thi công của hai bên tuyến.
Trong tháng 9.2017, tại buổi làm việc với chủ đầu tư, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ ra những khuyết điểm gây nên tình trạng chậm trễ trong khâu GPMB dự án và gia hạn mốc thời gian hoàn thành GPMB vào ngày 31.12.2017.
Việc mặt bằng bị vướng, tiến độ thi công dự án cũng gặp không ít khó khăn. Dọc tuyến những ngày qua công tác thi công ngừng hẳn vì thời tiết bất lợi, nhưng hơn hết là do mặt bằng bị “chặt khúc”, nên các nhà thầu không thể triển khai thi công liên tục được. Quan sát của phóng viên, đoạn qua địa bàn huyện Bình Sơn được chia làm 3 gói thầu chính đều rơi vào cảnh thi công “nhát gừng”. Theo các nhà thầu, thì với khối lượng công việc đảm trách, nếu có mặt bằng sạch thì thời gian thi công không thể kéo dài như hiện tại.
Tập trung tháo gỡ mặt bằng và hoàn thành dự án
Theo Phó Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Trần Trung Tín, tồn tại, vướng mắc hiện nay của dự án là rất lớn. Trong đó, đoạn qua xã Bình Chánh còn 12 hộ chưa trình duyệt và 5 hộ bị vướng nguồn gốc đất, nên chưa đủ cơ sở lập phương án. Đối với đoạn qua xã Bình Nguyên, có tổng cộng 453 hộ bị ảnh hưởng và hiện vướng 2 trường hợp.
Trong đó, ga Trì Bình không bồi thường về đất (đất do nhà nước quản lý), được bồi thường phần tài sản với tỷ lệ khấu hao 30%, khoảng 130 triệu đồng. Tài sản này do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang quản lý khai thác, nhưng phải có ý kiến chấp thuận của Bộ GTVT cử đơn vị này làm đại diện pháp nhân thực hiện các trách nhiệm liên quan GPMB, nên để có cơ sở trình phê duyệt phương án thì phải có ý kiến của Bộ GTVT.
Cũng theo ông Tín, bên cạnh một bộ phận người dân chưa thống nhất về mức giá đền bù, công tác tái định cư cũng gặp khó. Trong đó có 35 trường hợp diện tích đất ban đầu trước thu hồi nhỏ hơn 100m2, nên chưa được xem xét bố trí TĐC, nên đề nghị huyện Bình Sơn sớm trình UBND tỉnh xem xét cho ý kiến. Đồng thời, vận động dứt điểm những trường hợp nào xét thấy các kiến nghị của hộ dân là hợp lý, thì thống nhất chi trả tiền để hộ dân bàn giao mặt bằng thi công.
“Để đảm bảo tiến độ dự án, huyện Bình Sơn cần chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu tầm quan trọng của dự án để sớm bàn giao mặt bằng. Tăng cường công tác xác nhận nguồn gốc đất để làm cơ sở xem xét đền bù”, ông Tín kiến nghị.
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC