Cần kiểm tra việc sử dụng thuốc diệt cỏ trên diện rộng

03:07, 16/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc Trung tâm Giống mía, thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) sử dụng một lượng lớn thuốc diệt cỏ để làm sạch cỏ mía, khiến người dân và chính quyền địa phương lo ngại.

TIN LIÊN QUAN

Chính quyền nói “có”, doanh nghiệp nói “không”

Theo phản ánh của người dân và chính quyền xã Hành Thiện, ngày 27.6, một số công nhân của Trung tâm Giống mía sử dụng xe công nông gắn hệ thống vòi phun để phun thuốc diệt cỏ tại xứ đồng Cây Trâm. Khi phát hiện trên ruộng mía có lọ thuốc với thành phần chính là chất 2,4D, cán bộ xã Hành Thiện đề nghị các công nhân tạm dừng việc phun thuốc, nhưng họ cho rằng: “Chúng tôi chỉ phun thử nghiệm một vạt nhỏ”.

Với diện tích phun thuốc 1,6ha, nên Trung tâm Giống mía phải sử dụng xe công nông.
Với diện tích phun thuốc 1,6ha, nên Trung tâm Giống mía phải sử dụng xe công nông.


Tuy nhiên, đến ngày 28 và 29.6, những công nhân này lại tiếp tục phun thuốc diệt cỏ ở các ruộng mía lân cận. Điều đáng nói, khu vực Trung tâm Giống mía phun thuốc diệt cỏ nằm gần khu dân cư xóm 2, thôn Phú Lâm, khiến người dân lo lắng.

“Khu vực phun thuốc diệt cỏ có tuyến kênh dẫn nước từ đập Hóc Cài về phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân KDC xóm 2. Vì vậy, người dân lo ngại nguồn nước sẽ bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe”, Chủ tịch UBND xã Hành Thiện Mai Duy Tuấn cho biết.
 

Ngày 8.2.2017, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 278 về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất 2,4D và Paraquat ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Trong các thuốc trừ cỏ chứa 2,4D có một lượng chất Chlorophenol tồn tại trong đất lâu và có thể chuyển hóa thành chất dioxin, có khả năng kích thích tế bào ung thư phát triển, gây đột biến tế bào và dị dạng cơ thể người và động vật máu nóng. Còn Paraquat có khả gây ảnh hưởng nhiều đến chức năng phổi, thận, tim…

Theo Giám đốc Trung tâm giống mía Trương Minh Thuận  thì đơn vị có phun thuốc diệt cỏ, nhưng tuân thủ chủng loại, thời hạn sử dụng và kỹ thuật pha chế. Loại thuốc diệt cỏ mà đơn vị sử dụng không phải là Rada 720SL, mà Wamrincombi 800WP và Saicoba 800EC. Diện tích phun thuốc là 1,6ha và nằm ở xa KDC. Về lý do lọ thuốc Rada720SL có mặt trên ruộng mía, ông Thuận khẳng định: “Đó là chai thuốc mẫu mà nhà sản xuất gửi”.

Ông Thuận cho rằng, nhà sản xuất có gửi cho trung tâm 3 mẫu thuốc diệt cỏ, nhưng sau khi đối chiếu danh mục, phát hiện Rada720SL có thành phần chính là 2,4D, nên đơn vị chỉ chọn dùng Wamrincombi 800WP và Saicoba 800EC. “Vì 3 loại thuốc trên được đóng chung một thùng, cán bộ trung tâm cũng sơ ý, nên mang luôn lên ruộng mía, khiến người dân hiểu nhầm, ông Thuận giãi bày.

Đề nghị ngành chuyên môn kiểm tra, xử lý

Không đồng tình với lý giải của Giám đốc Trung tâm Giống mía, Chủ tịch UBND xã Hành Thiện Mai Duy Tuấn, cho rằng: “Không có chuyện không sử dụng thuốc mà lại có vỏ chai lọ ngay tại ruộng”. Hơn nữa, việc phun thuốc diệt cỏ trên diện rộng đã được trung tâm thực hiện nhiều năm nay.

Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Giống mía Trương Minh Thuận cho rằng, lượng thuốc diệt cỏ được phun vừa đủ, nồng độ thực tế thấp hơn hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất từ 30-40%, nên chỉ đủ thấm vào đất, không trôi theo dòng chảy. Theo tìm hiểu của phóng viên, khi hồ chứa nước Hóc Cài được xây dựng, các tuyến kênh dẫn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân đều chạy ngang ruộng mía của trung tâm. Vì vậy, khi đơn vị này sử dụng thuốc diệt cỏ, người dân lo lắng nguồn nước ô nhiễm là có cơ sở.

Với thực trạng trên, chính quyền và người dân xã Hành Thiện đề nghị các ngành chuyên môn và cấp có thẩm quyền sớm kiểm tra, xử lý thỏa đáng, đồng thời mong muốn Trung tâm Giống mía nghiên cứu thay đổi biện pháp diệt cỏ, nhằm đảm bảo sức khỏe của người dân và môi trường xung quanh.


Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.