Về nơi nông dân "nói không" với thuốc diệt cỏ

02:02, 15/02/2017
.

 


(Baoquangngai.vn)- Thời gian gần đây, nhiều người dân rỉ tai nhau: “Muốn mua gạo sạch thì hãy đến Tịnh Khê, dân ở đó rất ít dùng thuốc diệt cỏ”.  Đây là cách làm lạ trong xu hướng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hiện nay.

TIN LIÊN QUAN

“Muốn mua gạo sạch, hãy đến Tịnh Khê”

Đó là lời cô Phùng  Mai Liên(65 tuổi), một chủ lò bánh chưng, bánh tét ở thôn Phú Bình, xã Tịnh Châu. Cô Liên bảo: “ Ở xã Tịnh Khê người dân làm lúa không giống các nơi khác. Không phun thuốc diệt cỏ ở giai đoạn làm đất, nếu có thì các chủ máy cày cũng từ chối làm ruộng vì sợ ảnh hưởng sức khỏe”.

Để kiểm chứng thông tin, chúng tôi đến xóm Khê Thuận, thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê. Ở cánh đồng hai bên con đường xuống biển Mỹ Khê, lúa vụ đông xuân đã lên xanh mơn mởn. Sau những ngày Tết, cô Trần Thị Quý (56 tuổi) đã xuống đồng húi húi cấy mạ, nhổ cỏ. Nhà cô Quý có 3 sào ruộng, chồng và các con không còn làm lúa, cô Quý một mình chăm sóc ruộng để có gạo nấu cho cả nhà.

Khi được hỏi về chuyện dùng thuốc diệt cỏ, cô Quý xác nhận: “Đúng rồi. Bà con ở đây không phun thuốc diệt cỏ trong lúc làm đất”. Cô Quý giải thích: “Một số loại thuốc rất độc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số loại khác phun không những cỏ không chết mà còn sinh thêm cỏ mới”.

Theo cô Quý, ruộng nào nhiều cỏ, máy cày đánh không hết thì người dân vẫn có phun thuốc nhưng rất hạn chế. “Thay vì phun thuốc trong lúc làm đất, một số đám ruộng nhiều cỏ thì người dân phun thuốc sau 7 ngày xuống giống, sau 3 ngày thả nước thì dẫn nước vào ruộng rồi cỏ dần dần chết”, cô Quý nói.

Cô Trần Thị Quý, 56 tuổi, xã Tịnh Khê
Cô Trần Thị Quý, 56 tuổi, xã Tịnh Khê "khoe" những bụi cỏ bo bo vừa nhổ. "Ông bà mình ngày xưa đâu có dùng thuốc diệt cỏ, muốn ruộng sạch thì phải dùng đôi bàn tay của mình chăm sóc", cô Quý nói. Ảnh: Phạm Linh.

Để bảo vệ cây lúa, thay vì lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, ngườ dân áp dụng các biện pháp thủ công và hữu cơ. “Khoe” mấy bụi cỏ bo bo mới nhổ được, cô Quý nói: “ Cứ phun thuốc rồi bỏ bê ruộng thì cỏ vẫn lên. Tui phải nhổ thường xuyên. Cái cỏ này khi lớn lên sẽ ra bông, nếu mình không nhổ thì bông bay xuống ruộng mọc thêm cỏ mới. Ông bà mình ngày xưa đâu có dùng thuốc diệt cỏ, muốn ruộng sạch thì phải dùng đôi bàn tay của mình chăm sóc”.

Không riêng thuốc diệt cỏ, thuốc chuột cũng bị người dân “cự tuyệt”. Theo cô Quý, để diệt chuột, cô dùng bã sinh học trộn với lúa nấu chín, dầu ăn để “dụ” chuột. Đây là cách làm vừa thân thiện với môi trường vừa hiệu quả vì các loài chuột trên đồng đã lờn thuốc, “không nhằm nhò gì với ông tí”.

Tại cánh đồng thôn Khê Ba, chị Trần Thị Mai cũng đang cấy mạ và nhổ cỏ cho ruộng lúa 2 sào của gia đình. Theo chị Mai, ruộng chị chỉ phun thuốc diệt cỏ trong vụ hè thu sau khi làm đất vì trong vụ đông xuân ruộng rất ít cỏ nếu làm đất kĩ.

Không những thế, chị Mai tiết lộ: “Ở đây người dân chủ yếu làm lúa cho gia đình, một số hộ muốn lúa mẩy hạt, đạt sản lượng cao vẫn phun thuốc kích thích sinh trưởng. Nhưng một số hộ khác muốn gạo sạch, ngon, tốt cho sức khỏe thì cũng không phun”.

Phun thuốc diệt cỏ, thợ cày ngó lơ

Theo thống kê của UBND xã Tịnh Khê, toàn xã có 300ha đất trồng lúa với hai vụ chính là đông xuân và hè thu. Chuyện lạ là, diện tích này trải dài trên khoảng 100 xứ đồng nhưng chuyện không phun thuốc diệt cỏ trong giai đoạn làm đất cũng như hạn chế thuốc bảo vệ thực vật được thực hiện rất đồng bộ.

Ngoài ý thức của người dân, phải kể đến tiếng nói của những chủ máy làm đất, những “thợ cày” hiện đại ở xã Tịnh Khê. Toàn xã có khoảng 31 máy làm đất, các “thợ cày” được UBND xã phân chia khu vực trên các xứ đồng để tránh tranh giành “khách hàng”. Mặc dù mỗi người một khu vực nhưng họ gặp nhau ở một điểm chung là không mặn mà với những ruộng phun thuốc diệt cỏ trước khi gọi máy cày đến làm đất.

Ông Đỗ Liên, một chủ máy làm đất thâm niên 20 năm ở xã Tịnh Khê.
Ông Đỗ Liên, một chủ máy làm đất thâm niên 20 năm ở xã Tịnh Khê. "Anh em máy cày đã lên tiếng về chuyện lạm dụng thuốc diệt cỏ", ông Liên cho hay. Ảnh: Phạm Linh.

“Phun thuốc diệt cỏ vừa hại sức khỏe người phun, vừa hại sức khỏe người đánh máy cày”, ông Đỗ Liên (56 tuổi), một chủ máy làm đất có thâm niên 20 năm giãi bày khi khoe đôi bàn chân “không còn móng nào nguyên vẹn” mà theo ông giải thích là di chứng của 20 năm lội ruộng ngấm thuốc trừ sâu.

Theo ông Liên, một phần nguyên nhân người dân lạm dụng thuốc trừ sâu là người làm nông bây giờ phần lớn là “ông già, bà cả”, việc dọn cỏ lại tốn nhiều công. Tuy nhiên, khoảng 4 năm trở lại đây, người dân dần có ý thức bảo vệ sức khỏe và môi trường. Các chủ máy làm đất cũng nhiều lần phản ánh đến hợp tác xã về chuyện lạm dụng thuốc diệt cỏ, sau đó ý kiến lại đến tai người dân để thay đổi dần dần thói quen.

“Vẫn còn những chủ ruộng phun thuốc diệt cỏ nhưng đó là số nhỏ. Khi gọi thì chúng tôi cũng làm đất nhưng bất đắc dĩ mới phải làm”, ông Liên nói.

Cùng với “nói không” với thuốc diệt cỏ, phương pháp làm đất cũng thay đổi. Thay vì đánh ruộng một lần như trước kia, người dân yêu cầu các chủ máy làm đất đánh hai lần. Lần thứ nhất gọi là “đánh ải” với mục đích làm thối cỏ, lần thứ hai gọi là “đánh kĩ”, hai lần cách nhau khoảng 10-12 ngày.

Lợi đơn, lợi kép

Ông Nguyễn Duy Cường-Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê xác nhận, chuyện không phun thuốc diệt cỏ trong giai đoạn làm đất cũng như hạn chế thuốc bảo vệ thực vật trong giai đoạn sinh trưởng của lúa phần lớn xuất phát từ chính ý thức của người dân.

“Không những làm sạch môi trường, cho sản phẩm sạch, việc hạn chế thuốc diệt cỏ còn mang lại một lợi ích khác là có thêm nguồn cỏ sạch cho đàn bò khoảng 3.000 con của người dân”, ông Cường nói.

Cùng với ý thức người dân, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp để giữ gìn môi trường, vệ sinh đồng ruộng như hỗ trợ chặt cây mai dương với số tiền khoảng 300-500 nghìn đồng/ khu dân cư, hỗ trợ bã sinh học diệt chuột sinh học với định mức 1.500 gói mỗi mùa cho toàn xã, làm bi đựng vỏ chai thuốc trừ sâu trên đồng ruộng và tổ chức cho các đoàn thể như hội phụ nữ, hội nông dân thu gom định kì mỗi tháng một lần.

Đôi bàn chân của một chủ máy cày sau 20 năm lội ruộng ngấm thuốc diệt cỏ. Ảnh: Phạm Linh.
Đôi bàn chân của một chủ máy cày sau 20 năm lội ruộng ngấm thuốc diệt cỏ. Ảnh: Phạm Linh.

 

Hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng nhiều giải pháp làm sạch đồng ruộng nhưng diện tích lúa ở xã Tịnh Khê vẫn đạt năng suất, sản lượng cao. “Năng suất trung bình của xã Tịnh Khê đạt 65/tạ/ha, cao nhất TP. Quảng Ngãi. Đặc biệt có những xứ đồng như Đồng Đế đạt năng suất 75/tạ/ha”, ông Cường khoe.

Nói về cách làm của xã Tịnh Khê, ông Võ Việt Chính-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi nhận định: “Việc lạm dụng thuốc diệt cỏ nói riêng, thuốc bảo vệ thực vật nói chung đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, làm ô nhiễm môi trường, làm chết tôm, cá, các loài sinh vật có lợi cho đồng ruộng. Về lâu dài, chất độc ngấm vào nguồn nước còn để lại những hệ lụy nguy hiểm hơn”.

“Sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng cường hữu cơ, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật là cách làm cần được khuyến khích. Hội Nông dân tỉnh cũng chỉ đạo các chi hội giới thiệu, hướng dẫn các phương pháp canh tác thân thiện với môi trường cho người dân”, ông Chính nói.

Không còn chạy theo năng suất, sản lượng mà bỏ quên sức khỏe và môi trường, khi đời sống dần được nâng cao, người dân xã Tịnh Khê đang dần thay đổi phương pháp canh tác để tiệm cận với xu hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ hiện nay. Sự thay đổi phát đi một tín hiệu đáng mừng cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Phạm Linh


.