Hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông nông thôn: Tránh tình trạng nơi thừa, chỗ thiếu

01:11, 23/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, thực hiện chương trình hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn (GTNT), Sở GTVT đã tích cực thực hiện việc cung ứng xi măng để các địa phương xây dựng đường GTNT. Nhờ đó, hàng trăm kilômét đường GTNT đã được bê tông, góp phần thay đổi diện mạo GTNT. Tuy nhiên, có một thực tế là một số địa phương không dự lường được “sức dân” nên ồ ạt đăng ký, sau đó không nhận dẫn đến xi măng dư thừa.

TIN LIÊN QUAN

Đừng nhận về rồi... để đó

Việc UBND tỉnh thực hiện chương trình hỗ trợ xi măng cho các địa phương đẩy mạnh làm đường GTNT, nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng GTNT là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, do các địa phương không dự lường trước các tình huống đã dẫn đến tình trạng xi măng tồn kho, xi măng bị hư hỏng do không được bảo quản tốt xảy ra trong hai năm 2014 và 2015.

Các địa phương cần tính toán chi tiết số lượng xi măng thực dùng để không xảy ra tình trạng nhận về phải trả ngược lại.
Các địa phương cần tính toán chi tiết số lượng xi măng thực dùng để không xảy ra tình trạng nhận về phải trả ngược lại.


Ông Lê Nhân - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, bên cạnh những địa phương “xài” hết lượng xi măng đăng ký để làm đường, thì có tình trạng một số địa phương nhận về... rồi để đó. Nguyên nhân là do quá trình đăng ký và triển khai thực hiện không “khớp”. Bên cạnh đó, qua rà soát quy mô xây dựng đường GTNT của một số xã cho thấy một số tuyến có chiều dài, chiều rộng thực tế không đúng so với quy mô đã được UBND tỉnh phê duyệt, dẫn đến nơi thì thiếu, chỗ thì thừa. Một số xã chưa chủ động bố trí vật liệu cần thiết khác như cát, sạn để làm đường GTNT mà vẫn làm văn bản xin xi măng, dẫn đến tình trạng xi măng lưu kho trong thời gian dài, một số bị hư hỏng do công tác bảo quản không được tốt.
 

Theo thống kê của Sở GTVT, trong hai năm qua đã cung ứng hơn 20 nghìn tấn xi măng và các địa phương đã bê tông 662 tuyến, đoạn tuyến đường với hơn 150km đường GTNT. Nhờ hoàn thành được "tiêu chí khó" này, nhiều địa phương đã về đích nông thôn mới, nhất là những xã vừa được công nhận xã nông thôn mới trong năm 2016.

Theo thống kê của Sở GTVT, trong năm 2015, Sở đã hai lần tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh thời gian và khối lượng cung ứng xi măng còn dư lên đến 250 tấn, sau đó UBND tỉnh phải điều chỉnh chuyển sang cho một số địa phương khác nằm trong diện 33 xã NTM, nên mới tiêu thụ hết số lượng xi măng đã phê duyệt. “Để đảm bảo quá trình cung ứng và sử dụng, các địa phương phải tính toán chi tiết và đúng với thực tế sử dụng để không phải “trả lại” xi măng, gây lúng túng trong công tác cung ứng xi măng” – ông Nhân nói.

Phải dự lường “sức dân”

Theo báo cáo của Sở GTVT, trong năm 2016 toàn tỉnh có 12/14 huyện, thành phố đăng ký tiếp nhận xi măng làm đường GTNT với khối lượng 70.734 tấn, tương ứng với 472km. Riêng 35 xã nằm trong diện được hỗ trợ xi măng làm đường GTNT để về đích nông thôn mới cần số lượng lên đến gần 20 nghìn tấn. Để đảm bảo công tác cung ứng xi măng, ngay trong tháng 8.2016 khi có quyết định phê duyệt cung ứng xi măng, Sở GTVT đã chủ động làm việc với đơn vị cung ứng xi măng cũng như các địa phương nhận xi măng để thống nhất về số lượng cần thiết. Sau khi UBND tỉnh có quyết định phê duyệt khối lượng xi măng hỗ trợ cho các xã, đến nay Sở đã tiến hành cung ứng, với số lượng 1.791 tấn cho 12 xã, đạt 9,2%.

“Cái khó hiện nay là đang bước vào mùa mưa, nên dù đến thời điểm tiếp nhận xi măng, nhưng một số địa phương vẫn chưa dám nhận, do thời tiết không thuận lợi để thi công đường GTNT; đồng thời không có nơi tập kết, bảo quản nên tồn số lượng lớn xi măng ở các doanh nghiệp trúng thầu cung ứng xi măng. Để đảm bảo nguồn xi măng cung ứng cho các địa phương sử dụng tốt, các xã nên tính toán chi tiết về nguồn tài chính, các vật liệu kèm theo, rồi công tác giải phóng mặt bằng... Tất cả phải được dự lường một cách chính xác”- ông Nhân đề nghị.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.