(Báo Quảng Ngãi)- Hai mươi năm - khoảng thời gian không dài đối với một đời người, nhưng đủ để biến một vùng cát trắng hoang sơ, nghèo khó trở thành khu kinh tế trọng điểm của miền Trung. Đó chính là Khu Kinh tế Dung Quất.
Thành tựu đạt được trong 20 năm qua và những định hướng chiến lược quan trọng của KKT Dung Quất trong những năm đến là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Quảng Ngãi và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
“Quả ngọt” sau hai mươi năm
Hôm nay về Dung Quất, đi trên những con đường mới mở rộng thênh thang, nhìn những công trình đồ sộ vươn lên, ít ai nghĩ rằng hơn hai mươi năm trước nơi đây chỉ là một vùng cát trắng rộng mênh mông, với cây dại mọc bao phủ. Câu cửa miệng của người dân sở tại “tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm” nay đã đi vào dĩ vãng.
Trong quá trình hình thành và phát triển, KKT Dung Quất luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo tỉnh thị sát kiểm tra hoạt động của NMLD Dung Quất. |
Sau 20 năm xây dựng và phát triển, KKT Dung Quất - mô hình KKT đầu tiên của cả nước đã vững vàng đi đầu trong thu hút đầu tư với những dự án quy mô, hiện đại, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và từng bước trở thành hạt nhân tăng trưởng, trung tâm công nghiệp – dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đặc biệt, từ năm 2006 – 2010 là giai đoạn “bùng nổ” đầu tư với hàng loạt các dự án đăng ký và triển khai đầu tư, trong đó có một số dự án then chốt như: Nhà máy lọc dầu, Nhà máy đóng tàu, Nhà máy công nghiệp nặng Doosan và nhiều dự án lớn khác, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương.
Chỉ tiêu phát triển KKT Dung Quất đến năm 2020: Thu hút đầu tư đạt từ 2,5 – 3,5 tỷ USD (vốn thực hiện từ 60 - 70%); tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ đạt 3 - 4%/năm; thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 31.500 tỷ đồng; hàng hoá thông qua cảng khoảng 18 triệu tấn/năm; giải quyết việc làm trên địa bàn khoảng 35.000 lao động; kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 600 - 800 triệu USD. Đồng thời phát triển đô thị Vạn Tường đạt một số tiêu chí của đô thị loại IV, đô thị Dốc Sỏi đạt một số tiêu chí của đô thị loại V. |
Ông Nguyễn Minh Tài - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất cho biết, Khu Công nghiệp Dung Quất được thành lập từ năm 1996, nhưng mãi đến năm 2005, sau khi được đổi tên thành KKT Dung Quất, cũng là thời điểm Quốc hội ra Nghị quyết tiếp tục triển khai Dự án NMLD Dung Quất sau nhiều năm tạm dừng, thì KKT Dung Quất mới bắt đầu khởi sắc.
Qua đó hình thành nên một KKT với số vốn hơn 4 tỷ USD và là nhân tố quyết định, tạo bước phát triển đột phá của tỉnh Quảng Ngãi về sản lượng công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách nhà nước, đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh thu ngân sách thấp trở thành một trong 10 tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn nhất nước. Đặc biệt là giai đoạn 2010 – 2015, KKT Dung Quất đã đóng góp hơn 126.000 tỷ đồng vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Trong đó, NMLD Dung Quất được xem là “trái tim” của KKT Dung Quất, với tổng doanh thu từ khi đưa vào hoạt động đến nay đạt gần 734 nghìn tỷ đồng; đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 125,1 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước đã đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật KKT Dung Quất cơ bản đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư với 130km cầu, đường bộ; hệ thống thoát nước mưa, các khu tái định cư, hạ tầng phân khu CN Sài Gòn - Dung Quất, đê chắn sóng và các bến cảng, hệ thống cấp điện, cấp nước, viễn thông và một số công trình hạ tầng xã hội như: Bệnh viện, trường đào tạo nghề, trung tâm văn hóa thể thao, trung tâm hỗ trợ kỹ thuật nông lâm nghiệp... Ngoài ra, KKT này còn thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các KCN như: KCN VSIP Quảng Ngãi, Khu Đô thị Công nghiệp Dung Quất...
Sự phát triển của KKT Dung Quất đã góp phần khơi dậy tiềm năng và khai thác có hiệu quả lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên, đất đai, cảng biển... và làm thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của tỉnh; hình thành một lực lượng sản xuất khá lớn, tạo ra giá trị công nghiệp cao, nhất là công nghiệp lọc dầu và các ngành công nghiệp nặng– ngành mũi nhọn quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Những định hướng chiến lược
Nói về mục tiêu phát triển KKT Dung Quất đến năm 2020, ông Lê Văn Dũng – Phó trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất cho biết, sẽ tiếp tục đầu tư phát triển KKT để giữ vững vai trò hạt nhân tăng trưởng của tỉnh Quảng Ngãi trên các lĩnh vực: Tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động của tỉnh; tạo nền tảng vững chắc để sớm đưa Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Theo đó, sẽ phát huy vai trò cảng biển nước sâu Dung Quất trong thu hút đầu tư các dự án công nghiệp nặng, dự án quy mô lớn và sớm hình thành trung tâm lọc hoá dầu và trung tâm năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất. Tiếp tục đầu tư phát triển đô thị Vạn Tường và một số khu đô thị vệ tinh để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp...
NMLD Dung Quất - "trái tim" của KKT Dung Quất. |
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển công nghiệp, phát huy lợi thế khu vực ven biển, KKT Dung Quất đã được xác định là một trong 8 nhóm KKT ven biển trọng điểm quốc gia. Để phát huy vai trò này, Ban Quản lý KKT Dung Quất cần thực hiện thủ tục hành chính “một cửa tại chỗ”, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, xây dựng, củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, với định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghiệp phụ trợ từ các đối tác có tiềm năng; hỗ trợ triển khai các dự án công nghiệp dựa trên nguồn khí mỏ Cá Voi Xanh, mô hình khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ VSIP.
Đồng thời, xây dựng mối liên kết giữa KKT Dung Quất với các KCN, KKT trong vùng Nam Trung Bộ để tạo sức lan tỏa, phát huy tối đa các tiềm năng thế mạnh, mà trước mắt là cần hoàn thiện kết nối giao thông với KKT mở Chu Lai (Quảng Nam) để kết nối phát triển mạnh công nghiệp dầu khí, CN nặng, CN hỗ trợ, với quy mô lớn và hiệu quả. Huy động đa dạng các nguồn vốn để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông kết nối, đảm bảo cho hoạt động các dự án công nghiệp quy mô lớn trong KKT. Ngoài ra cần triển khai chương trình, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển KKT Dung Quất trong thời gian tới.
Đến nay, KKT Dung Quất đã có 132 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 10,5 tỷ USD, trong đó có 28 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 4 tỷ USD, 104 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 6,5 tỷ USD. Có 82 dự án đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh với tổng vốn khoảng 5 tỷ USD. Giá trị sản lượng công nghiệp, thương mại, dịch vụ năm 2015 đạt 87.600 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 230 triệu USD; hàng hóa qua cảng ước đạt 16 triệu tấn; thu ngân sách trên địa bàn đạt 24.073 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động (78% lao động trong tỉnh). Ngoài ra, tại KKT Dung Quất còn thu hút khoảng trên 3.000 lao động đang làm công việc xây dựng và các dịch vụ buôn bán, phục vụ tại KKT Dung Quất.. |
Bài, ảnh: PHẠM DANH