Dù sát đập chứa nước, đất lúa vẫn thành rừng keo

10:12, 11/12/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Dù nằm cạnh 2 đập chứa nước, nhưng hàng chục ha đất lúa ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) vẫn thiếu nước sản xuất. Nhiều diện tích đất lúa đã chuyển sang trồng keo.

TIN LIÊN QUAN

Trồng lúa sợ khát, keo sợ úng

Thời điểm này, phần lớn trên các cánh đồng, bà con nông dân đã cày ải, nhiều nơi lúa đã lên xanh dù chưa đến lịch thời hạn. Tuy nhiên, trên cánh đồng thôn Phú Thuận Tây, Phú Thuận, Mỹ Thịnh Đông ruộng đồng vẫn im ỉm.

Trên cánh đồng phủ xanh cỏ um tùm ở thôn Phú Thuận Tây, ông Lê Quy Thảo vừa chỉ tay về ruộng keo bạc ngàn vây quanh ruộng lúa, phân trần: Trồng lúa sợ khát mà keo sợ úng. Muốn trồng keo cũng phải lên hàng, không nó chết úng! Lời ông Thảo nói không phải không có sơ sở khi nhìn lên cây keo, chúng tôi thấy nó rủ màu vàng úa.

Diện tích ruộng này nằm dưới chân đập Hố Tre. Đập này lại được tích nước theo kiểu tự nhiên, không có hệ thống đóng, xả nước. Vào mùa mưa, dù rất muốn giữ lại lượng nước tối đa để phục vụ sản xuất cũng chẳng giữ được vì sợ vỡ đập.

 

Ruộng keo vây quanh đồng lúa vì thiếu nước, nhiều người chuyển sang trồng keo.
Dù sát đập thủy lợi, cánh đồng này chỉ sạ được 1 vụ.



“Nước vào rồi nước lại ra” để rồi chỉ sạ được 1 vụ đông xuân mà vẫn thiếu nước, còn vụ hè thu đành bỏ hoang. Dù rất muốn trồng lúa, nhưng cứ mãi “khắc khoải” theo con nước nên nhiều hộ gia đình chuyển sang trồng keo. Trong khi lúa ưa nước mà cây keo lại không chịu được nước nên nhiều người sáng kiến lên hàng cho keo.

“Nhà tui có 3 sào ruộng lúa chỉ làm được 1 vụ đông xuân. Nói 1 vụ ăn chắc mà có chắc đâu. 1 sào giỏi lắm 2,5 gánh lúa. Ở đây, năng suất còn thua miền núi, 30 đến 35 tạ/ha là cùng. Đất đã xấu lại thiếu nước lấy gì năng suất cao. Cực chẳng đã mới trồng keo trên đất lúa, chứ nhà nông đi mua gạo xót vô cùng”- ông Thảo bộc bạch.

Cách đó vài trăm mét, đập Hố Tạc có diện tích mặt hồ khoảng 5 ha cũng trữ được rất ít. Dù những ngày qua có lượng mưa lớn, nhưng có thể nhìn thấy cả đáy hồ.

Cần được “tiếp tế”

Ông Nguyễn Thành Câu- Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Mỹ Phú cho hay: Hai đập Hố Tre và Hố Tạc tưới cho khoảng 63 ha đất nông nghiệp. Với diện tích này ở địa phương không phải là nhỏ. Lâu nay việc tích nước ở các đập theo kiểu thủ công, vào mùa mưa cần tích nước đành ngậm ngùi để nước xả tự nhiên để rồi mùa khô lại thiếu nước sản xuất.

Bởi thể nên 13 ha đất lúa phụ thuộc vào đập Hố Tre chỉ sạ được 1 vụ, còn 50 ha của đập Hố Tạc cũng rơi vào cảnh tưới cầm chừng. Năm nay, trước diễn biến thời tiết khắc nghiệt, lượng mưa ít nên xã Nghĩa Thuận chủ động tiếp tục cắt giảm 10 ha đất sản xuất lúa 2 vụ sang 1 vụ để đảm bảo nước tưới.  

 

Đang mùa mưa nhưng đập Hố Tạc
Đang đang mùa mưa nhưng đập Hố Tạc chỉ tích được lượng nước ít ỏi.


Việc trữ nước tại 2 đập trên là rất quan trọng với diện tích đất nông nghiệp ở địa phương. Năm nay, dự báo hạn hán nặng, diện tích phụ thuộc vào 2 đập này thiếu nước là điều khó tránh khỏi.

“Khoảng cách từ 2 đập này đến đập Hóc Xoài ở xã Nghĩa Thọ rất gần mà hồ này mọi năm đều dư nước nên địa phương và bà con rất mong huyện đầu tư xây dựng đường ống để dẫn nước tiếp tế cho 2 đập để bà con có thể sạ 2 vụ lúa”- ông Bùi Trung Nhị- Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận chia sẻ.
 
Trước lời thỉnh cầu thiết tha của bà con nông dân và chính quyền địa phương, ông Lê Trung Thành- Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa cho biết trong buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tại xã Nghĩa Thuận, hiện huyện đã khảo sát, lập dự toán xây dựng đường ống để dẫn nước từ đập Hóc Xoài về đập Hố Tre và Hố Tạc với kinh phí đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Nếu có kinh phí sẽ tiến hành đầu tư kịp thời.



Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.